Nông dân Hòa Bình lãi hàng trăm triệu mỗi năm từ gà ri bản địa

16:38 | 17/12/2024

DNTH: Chăn nuôi chuẩn hóa cùng đầu ra đảm bảo giúp người nuôi gà ri bản địa ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có thể thu lợi nhuận từ 200 - 600 triệu đồng/năm.

 

Đàn gà ri Lạc Sơn nuôi dạng thả vườn tại xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Đàn gà ri Lạc Sơn nuôi dạng thả vườn tại xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình là nơi sản sinh ra giống gà ri bản địa với đặc điểm thịt thơm, da giòn, ít mỡ và sức khỏe tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi thả vườn.

Nhờ khai thác tốt những phẩm chất tự nhiên của giống gà ri này, kết hợp với hình thành chuỗi giá trị khép kín, đời sống của những người chăn nuôi ở Lạc Sơn đang ngày càng khấm khá.

Làm giàu từ gà ri bản địa

Cách đây hơn 1 năm, Bùi Văn Huế được nhận bằng khen của Thủ tướng về mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hòa Bình.

Hiện, anh là thành viên của HTX Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện với 10 thành viên chính thức và liên kết sản xuất với 200 hộ chăn nuôi khác trong khu vực.

Ra đời năm 2017 với 10 thành viên, tiền thân là lò ấp trứng tại địa phương, hiện nay mỗi HTX xuất xưởng hơn 600.000 gà ri Lạc Sơn giống, cùng với đó là 200 tấn gà thịt. Lượng gà thịt này có 50% từ các thành viên HTX và 50% còn lại thuộc về các hộ liên kết.

Cụ thể, mỗi thành viên HTX Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện đang duy trì ít nhất 3 chuồng nuôi, mỗi chuồng có thể nuôi 2 lứa/năm, tương đương tổng đàn khoảng 6.000 - 10.000 con/năm. "Với tổng đàn như vậy, chúng tôi có thể đảm bảo duy trì được lợi nhuận hàng năm cho các thành viên vào khoảng trên dưới 200 triệu đồng", anh Bùi Văn Huế chia sẻ.

Cá biệt, có những thành viên HTX có điều kiện phát triển chuồng trại và nắm chắc kỹ thuật, có thể thu lãi đến 500 – 600 triệu mỗi năm từ chăn nuôi gà ri Lạc Sơn, ví dụ như anh Bùi Văn Hiến ở xã Quyết Thắng.

Anh Bùi Văn Hiến (thứ 2 từ trái qua) cùng cán bộ kỹ thuật của AFC kiểm tra lứa gà chuẩn bị xuất bán cho dịp cuối năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Bùi Văn Hiến (thứ 2 từ trái qua) cùng cán bộ kỹ thuật của AFC kiểm tra lứa gà chuẩn bị xuất bán cho dịp cuối năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Trại gà nhà anh Hiến hiện có 4 chuồng, trong đó chuồng lớn nhất có thể nuôi được 2.000 con, các chuồng còn lại ít hơn, tương đương tổng đàn 1 năm vào khoảng 10.000 – 12.000 con.

Bắt đầu nuôi gà ri Lạc Sơn vào năm 2016 với quy mô chỉ vài chục con, sau khi thấy hiệu quả kinh tế, anh Hiến quyết định mở rộng quy mô và đến nay anh đã trở thành một trong những chủ trại gà lớn nhất ở địa phương.

Về hạch toán kinh tế cụ thể, mỗi con gà ri Lạc Sơn có thể thu về 30.000 – 50.000 đồng tiền lãi, tùy vào mức độ biến độ của giá trên thị trường, thông thường sẽ tăng mạnh vào thời điểm giáp Tết.

Với chất lượng đã trở thành thương hiệu, đầu ra của sản phẩm gà ri Lạc Sơn rất đảm bảo, các thương lái thường đến tận chuồng đặt mua, người nuôi không cần phải đem đi tiêu thụ. Về giá, bất chấp thời điểm giá gà công nghiệp xuống thấp, giá gà ri Lạc Sơn vẫn duy trì ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg.

Để đảm bảo được thành công này trong nhiều năm qua, bất kể biến động của thị trường, ngoài việc liên kết chặt chẽ của các thành viên, HTX còn liên kết với các đơn vị chuyên môn về thú y hay thức ăn chăn nuôi, ví dụ như Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ (AFC).

Không dừng lại ở cung cấp thức ăn, Công ty AFC còn tổ chức đưa cán bộ kỹ thuật xuống HTX để hướng dẫn với bà con chăn nuôi theo đúng quy trình, tiêu chuẩn. Các cán bộ này không chỉ hướng dẫn cho thành viên mà còn hỗ trợ cả các hộ liên kết sản xuất của HTX.

"Trong chăn nuôi hiện nay, các nguy cơ về dịch bệnh thường xuyên xuất hiện. Do đó, sự hỗ trợ từ cán bộ kỹ thuật của AFC với các thành viên HTX mang lại ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa dịch bệnh từ sớm", anh Huế cho biết thêm.

HTX Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện duy trì chuỗi giá trị khép kín từ gà ông bà, bố mẹ đến gà giống, gà thương phẩm. Ảnh: Tùng Đinh.

HTX Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện duy trì chuỗi giá trị khép kín từ gà ông bà, bố mẹ đến gà giống, gà thương phẩm. Ảnh: Tùng Đinh.

Duy trì đàn gà 4 tốt

Ông Nguyễn Trung Phương, Giám đốc kỹ thuật – thị trường của AFC chia sẻ, để có thể chăn nuôi hiệu quả, cần duy trì đàn gà 4 tốt: Giống tốt; Chuồng trại tốt; Thức ăn chăn nuôi tốt; Quy trình tốt. Khi đảm bảo được những yếu tố này, sản phẩm sẽ có chất lượng tốt nhất và giá thành tối ưu nhất, đem lại lợi nhuận cao nhất cho người chăn nuôi.

Trong đó, thức ăn chăn nuôi chiếm đến 60% giá thành của sản phẩm, khi có nguồn thức ăn tốt, giá cả phải chăng thì lợi nhuận của bà con cũng được đảm  bảo. Song song với thức ăn, nhận thức được tầm quan trọng của quy trình sản xuất, AFC đã cử các cán bộ kỹ thuật, hàng tuần, hàng tháng xuống kiểm tra, hỗ trợ người nuôi gà từ việc xây dựng chuồng trại đến lựa chọn con giống, phòng trị bệnh...

Ghi nhận những thành công từ HTX Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện, ông Bùi Văn Nên, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn chia sẻ: "Xã xác định mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội là đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, trong đó chú trọng vào chuỗi giá trị của gà ri bản địa Lạc Sơn".

Ông Nguyễn Trung Phương, Giám đốc kỹ thuật – thị trường của AFC (phải) cùng chủ trang trại kiểm tra sức khỏe đàn gà giống. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Trung Phương, Giám đốc kỹ thuật – thị trường của AFC (phải) cùng chủ trang trại kiểm tra sức khỏe đàn gà giống. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ thành công của HTX Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện, ông Nên cho rằng việc phát triển đàn gà ri bản địa một cách bài bản, chuẩn hóa sẽ đem lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Do đó, chính quyền xã Quyết Thắng sẽ tập trung, phân bổ nguồn lực để có thể nhân rộng mô hình chăn nuôi gà ri bản địa tại địa phương. Cụ thể, trong năm 2024, chính quyền đã bố trí nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng 6 tổ nhóm cộng đồng hoạt động theo mô hình của HTX Chí Thiện.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng mô hình chăn nuôi này, cùng với đó là liên kết, hợp tác với các đơn vị chuyên môn đã và đang làm việc cùng HTX để có thể đảm bảo chăn nuôi hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, HTX Chăn nuôi và cung ứng gà Chí Thiện đã xây dựng được chuỗi giá trị khép kín từ gà ông bà cho đến đơn vị bao tiêu đầu ra. Với những lứa gà ông bà, bố mẹ thuần chủng, được chọn lọc kỹ càng, gà ri Lạc Sơn giống có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao và đang được cung cấp cho nhiều nhà nuôi, không chỉ ở Hòa Bình mà còn các địa phương lân cận như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An...

Nhờ được tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, cho ăn, gà ri Lạc Sơn khi xuất bán có trọng lượng dao động từ 1,4 – 1,8 kg/con tùy trống mái, chất lượng thịt thơm ngon và không tồn dư chất cấm.

Đàn gà bố mẹ được duy trì, phát triển tại HTX gà Chí Thiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Đàn gà bố mẹ được duy trì, phát triển tại HTX gà Chí Thiện. Ảnh: Tùng Đinh.

AFC hiện nay có 6 nhà máy thức ăn chăn nuôi trải dài khắp Việt Nam. Hằng năm, công ty cung cấp gần 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi ra thị trường. Chiến lược của AFC là đưa sản phẩm đến tận trang trại để giảm giá thành chăn nuôi, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.

Song song đó, công ty liên tục tổ chức đánh giá, cải tiến sản phẩm thức ăn để có được chất lượng tốt nhất với giá cả hợp lý nhất, xây dựng quy trình thức ăn phù hợp nhất cho từng đối tượng nuôi. 

Ngoài sản xuất thức ăn, AFC cũng đầu tư nghiên cứu, nâng cấp đàn giống vật nuôi các loại để cung cấp cho người chăn nuôi.

Theo Nongnghiep.vn

Nguồn: https://nongnghiep.vn/nong-dan-hoa-binh-lai-hang-tram-trieu-moi-nam-tu-ga-ri-ban-dia-d413695.html


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Cây dứa bén rễ trên vùng đất Vũ Quang

Sau khi trồng thử nghiệm trồng 5ha dứa đạt kết quả tốt trên đất Vũ Quang (Hà Tĩnh), chính quyền địa phương đang nỗ lực vận động người dân tiếp tục mở rộng quy mô cây trồng để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa phát triển...

Mưa trái mùa, người dân lo mất Tết

DNTH: Mưa trái mùa kéo dài khiến cho người dân chuẩn bị sản vật phục vụ Tết lo lắng. Họ hi vọng những ngày tới, trời nắng sẽ làm lại từ đầu.

Nghề "hot" giúp nhiều lao động ở Đắk Lắk kiếm tiền triệu mỗi ngày

DNTH: Hái cà phê khoán đang trở thành nghề "hot", thu hút nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giúp nhiều người kiếm gần 1 triệu đồng mỗi ngày.

Không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

DNTH: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chủ động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng...

Cà phê sốt giá trên toàn cầu, nông dân Việt Nam thu lãi đậm, nhưng đâu mới là mức giá bền vững?

DNTH: Giá cà phê thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua. Với tư cách nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc biến động này.

Chung tay đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi

DNTH: Kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đã mất trên 6 triệu con lợn do bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, cả nước đã xảy...

XEM THÊM TIN