Trong một vài năm tới, chúng ta chưa thể đạt mục tiêu như một số nước (Mỹ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản, Braxin, Achentia) bởi họ đã thử nghiệm áp dụng NN 4.0 từ những năm 2000, để có được khái niệm NN 4.0 vào năm 2017. Hàng trăm triệu tấn nông sản như ngô, đỗ tương, rau quả được sản xuất tại các nước này chỉ cần 5% chi phí lao động sống trong cơ cấu giá thành, trong khi ở ta phải chi phí khoảng 50%. Vì vậy, giá thành nhiều nông sản của Việt Nam cao gần gấp đôi.
Tuy nhiên, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, từ năm 2010 đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã và đang xuất hiện những điểm sáng ứng dụng một số thành phần của NN 4.0. Đó là ứng dụng giải pháp thông minh và thiết bị thông minh.
Về giải pháp thông minh, nhiều vùng canh tác lúa ở miền Bắc và miền Nam đã ứng dụng quy trình 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, tưới tiết kiệm nước, bón phân viên, phân nhả chậm thông minh (bón 1 lần đủ dinh dưỡng cả vụ cho cây trồng), hay các mô hình tưới tiết kiệm nước gắn các cảm biến (sensor) điều khiển tự động. Hoặc một số vùng nông thôn mới đang áp dụng các mô hình VAC. Mô hình hợp tác giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (KHKTNN) với Công ty Cọp Sinh Thái sản xuất lúa gạo hữu cơ tại huyện Châu Thành (Trà Vinh) đã xuất khẩu được hàng ngàn tấn gạo đạt tiêu chuẩn 100% hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, EU và Nhật Bản.
Về ứng dụng thiết bị thông minh, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và nguồn nhân lực hiểu biết công nghệ - thiết bị chỉ mới được một số doanh nghiệp lớn ứng dụng. Áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và thiết bị tưới tiêu tự động, hệ thống giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió và tưới nước, giám sát canh tác rau thông minh giúp cây phát triển tốt hơn, an toàn hơn, năng suất cao gấp đôi, gấp ba so với truyền thống. Hiện HTX Anh Đào (Đà Lạt - Lâm Đồng) đang ứng dụng những công nghệ này trồng rau quả VietGAP, sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 50.000 tấn/năm và 4.000 tấn xuất khẩu; doanh thu hơn 10 triệu USD/năm.
Áp dụng công nghệ cao trong trồng chuối xuất khẩu, thương hiệu chuối 3T (Khoái Châu - Hưng Yên) với quy mô 200ha chuối tiêu hồng, chuối tây; hoặc 600ha chuối của Công ty Huy Long An cũng áp dụng thành công công nghệ cao. Nay chuối 3T và chuối của ông Huy Long An đã vào siêu thị, xuất sang Trung Quốc và các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Trung bình mỗi năm, Công ty 3T đạt doanh thu gần 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm giúp quản lý tốt hơn trong các trang trại cây trồng, nuôi nấm hoặc nuôi trồng thủy sản (tôm, cá ...), chăn nuôi (bò, gà...) và nuôi chim, ong, Công ty Demeter Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đang trợ giúp các giải pháp tự động trong hệ thống tưới nước, điều khiển tự động, thu thập, quản lý và giám sát dữ liệu thông qua kết nối vạn vật (IoT), với thiết bị chế tạo sản xuất nội địa.
NN 4.0 đã và đang được Công ty VIFARM áp dụng khá đầy đủ các thành phần trong sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu - Hydroponic (tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng). Đó là các công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt, công nghệ đèn LED; thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông số môi trường. Nhờ đó, năng suất rau gấp 3 lần và giá thành bằng nửa so với sản xuất truyền thống.
Trong chăn nuôi, một số trang trại ở Việt Nam đang áp dụng quản lý thông minh, công nghệ thông minh; tự động cấp thức ăn, tùy theo độ tuổi của gia súc, gia cầm (gà), thủy - hải sản mà lập trình số lần cho ăn trong ngày cũng như định lượng thức ăn cho mỗi lần ăn; tự động mở đèn thắp sáng trang trại, thắp sáng khi cho ăn. Sử dụng phần mềm SmartChick của Công ty Microsoft Việt Nam, người dùng không cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm vẫn có thể thu được những con gà chất lượng nhất sau thời gian nuôi, nhờ hoạt động tự động hoặc bán tự động thông qua công nghệ IoT, giúp người dùng chăm sóc gà ở bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu thông qua internet.
Sử dụng các công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới, Tập đoàn TH True Milk đã xây dựng trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ chăn nuôi thông minh lớn nhất châu Á với quy mô hơn 45.000 con bò. Trung tâm Giống vật nuôi TP.Hồ Chí Minh cũng áp dụng những công nghệ trên trong chăn nuôi bò sữa. Công ty TNHH Huy Long An (Long An) ứng dụng công nghệ cơ giới hóa vào sản xuất tại trang trại nuôi bò và đang ứng dụng thêm công nghệ số để tự động hóa thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho bò.
Được xây dựng trên diện tích hơn 42ha tại xã Tề Lễ (Tam Nông - Phú Thọ), Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ với công suất 500.000 quả trứng mỗi ngày, tương đương 175 triệu quả trứng/năm. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng gà sạch. 100% con giống chất lượng hàng đầu từ những thương hiệu uy tín trên thế giới được nuôi dưỡng trong hệ thống nhà tiền chế cách nhiệt Agrotop (Israel) và hệ thống lồng nuôi; thiết bị điều khiển tự động nhiệt độ, độ ẩm, lưu lượng gió của Hytem (Nhật Bản); hệ thống làm sạch nước của Nagakawwa (Nhật Bản); thời gian cung ứng sản phẩm từ khi gà đẻ tới hệ thống cửa hàng, siêu thị chỉ trong 24h.
Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IoT) trong chuỗi sản xuất lương thực - thực phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lượng thực, thực phẩm. Ví dụ, phần mềm Agricheck do Công ty CP Đại Thành độc quyền tại Việt Nam, hay phần mềm của VIFARM có thể kết nối toàn cầu cho từng bao gói sản phẩm, truy xuất được người sản xuất, nơi sản xuất, quy trình sản xuất, các vật tư đầu vào hay quy trình chế biến, thời gian bảo quản. Tất cả chỉ cần vuốt màn hình điện thoại di động.
Viện KHKTNN miền Nam còn phối hợp với Công ty Nông nghiệp Việt Nam – UKR triển khai hàng trăm hecta mô hình ứng dụng phân bón nano sinh học trong canh tác lúa gạo sạch, rau an toàn, cây ăn trái an toàn, giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học.
Ban hành đề án phát triển NN 4.0
Tóm lại, nông nghiệp Việt Nam dù muốn hay không, trên các vùng sinh thái khác nhau, một số giải pháp thông minh ứng dụng trong canh tác cây trồng hay những doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản lớn đang áp dụng NN 4.0. Quy mô áp dụng hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả đầu tư. Lý do chính là nguồn lao động phổ thông ngày càng hạn hẹp, sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh giá thành, chất lượng sản phẩm theo quản lý thông minh và công nghệ thông minh dễ kiểm soát hơn. Chúng ta không nên quá kỳ vọng toàn ngành nông nghiệp phải đạt đến trình độ 4.0, chỉ cần có chính sách phù hợp để sự kết nối cung cầu về NN 4.0 được gặp nhau dễ dàng, đơn giản, đúng pháp luật, thông qua kiểm tra giám sát.
Để phát triển NN 4.0, về vĩ mô, đề nghị nhà nước, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Đề án phát triển NN 4.0 của cả nước và cho từng vùng sinh thái, trong đó nêu rõ bối cảnh thế giới và Việt Nam, thị trường tiềm năng, tiêu chí cần đạt, thuận lợi, khó khăn khi áp dụng, đào tạo nguồn nhân lực, tham quan, khảo sát các nước lân cận.
Nên thành lập ngân hàng chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao, NN 4.0. Tổ chức các đoàn tham quan khoa học đến Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản để trao đổi kinh nghiệm.
Dành nguồn kinh phí cho nghiên cứu, ứng dụng thiết bị thông minh, lập ngân hàng thông tin về dinh dưỡng đất, vì các nước đã áp dụng như Israel, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Braxin, Achentina, Thái Lan đều cung ứng dữ liệu đất miễn phí cho nông dân. Nên điều chỉnh chính sách khuyến nông theo Nghị định số 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 08/1/2010 về khuyến nông, bỏ chính sách hỗ trợ vật tư, để có nguồn kinh phí đào tạo tập huấn, cập nhật công nghệ - thiết bị thông minh cho cán bộ quản lý đến thế hệ nông dân mới ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật 4.0.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo phối hợp thiết thực giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một số thông tư liên bộ về ứng dụng NN 4.0 cũng như xây dựng chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất – chế biến tiêu thụ sản phẩm NN 4.0; Bộ Nông nghiệp và PTNT nên điều chỉnh chính sách công nhận những tiến bộ kỹ thuật nhập khẩu sao cho đơn giản, nhanh, và áp dụng đúng thiết bị, vật tư, công nghệ nhập khẩu
Đối với các vùng thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi đông dân, có các hệ thống siêu thị, thị trường tiêu thụ lớn, tạo điều kiện cho cách doanh nghiệp tập trung xây dựng các mô hình chuỗi liên kết ứng dụng đầy đủ các công nghệ, thiết bị thông minh trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Đối với nông dân, người tiêu dùng, không nên suy nghĩ không ứng dụng được gì về NN4.0 mà cần chuyển sang hướng tiêu thụ sản phẩm NN 4.0. Vì vậy, người tiêu dùng nên tận dụng cơ hội đề tiếp cận công tác tuyên truyền phổ biến về lợi thế của các sản phẩm ứng dụng nông nghiệp thông minh. Ví dụ người tiêu dùng có thể ứng dụng điện thoại thông minh, cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản, thịt, trứng sữa, rượu bia, bánh kẹo…, chống hàng giả, hàng nhái miễn phí, khi mua hàng họ có thể tự kiểm tra. Đề nghị Chính phủ có chính sách ràng buộc các sản phẩm bày bán trên các sạp hàng ở các chợ, các siêu thị phải dán tem thông minh, để người tiêu dùng truy xuất.
Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam
Ý kiến bạn đọc...