Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này. Khi mà sự tăng trưởng nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, dựa vào tăng diện tích, tăng vụ, sử dụng nhiều lao động, vật tư… Đây được cho là cơ hội để nước ta đổi mới công nghệ và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Xu thế tất yếu
Cả nước hiện có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ định hướng “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Phó thủ tướng cho rằng, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Lãnh đạo Chính phủ dẫn chứng: Trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Brazil, Argentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương.
Tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu dân làm nông nghiệp (chiếm 1,5%) trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu hecta đất nông nghiệp nhưng không phải nhập khẩu gạo mà còn xuất khẩu thịt bò và một số rau quả.
Tại Malaysia, quốc gia ở ASEAN, đã ứng dụng nông nghiệp thông minh, có thể giúp nông dân trồng ớt tăng thu nhập hơn gấp đôi (+129%). Philippines, nước đang phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô mỗi năm từ 5-10 năm trước, thì năm 2017, tuyên bố đạt hơn 8 triệu tấn ngô, trong khi nhu cầu chỉ cần 5,6 triệu tấn, chủ yếu nhờ tăng sử dụng giống ngô lai và công nghệ tưới bằng năng lượng mặt trời...
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh ứng dụng trong nông nghiệp. Là sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ về giống; công nghệ chăm sóc gieo trồng, chăn nuôi; công nghệ tưới tiêu; công nghệ thu hoạch và bảo quản; công nghệ chế biến… Tất cả các công nghệ đó được tích hợp và điều khiển bởi công nghệ thông minh với các ứng dụng trên nền tảng internet…, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới, tối ưu hóa quy trình, phương thức quản trị để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.
Những thách thức phải đối mặt
Bức tranh về nông nghiệp 4.0 sẽ là một quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc. Hiện Việt Nam vẫn chưa có mô hình nào hoàn chỉnh các quy trình trên.
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất lúa, ngô, rau quả, bò sữa, lợn giống, thủy sản. Hiện chương trình đang tiếp tục ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ gen, công nghệ nano, công nghệ chế biến sâu trong sản xuất, hoàn thiện quy trình sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm.
Nhiều tỉnh, thành phố đã hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco… Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận 28 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay, Việt Nam chưa có mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh theo khái niệm của thế giới. Nhưng thực tế, một số nông dân, doanh nghiệp đã tiếp cận một số thành phần công nghệ của nông nghiệp 4.0. Hiện cũng có những nhà cung cấp công nghệ vạn vật kết nối internet (IoT) và những trang trại, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này trong nông nghiệp thông minh.
Điển hình như Công ty cổ phần Chè Cầu Đất Đà Lạt (Cầu Đất Farm), khởi đầu từ sản xuất nông sản sạch bằng phương pháp thủy canh. Đến nay, công ty đã sở hữu nông trại ở Đà Lại có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ.
Hệ thống giám sát và điều khiển qua internet. Hệ thống có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, chất lượng rau trên quy mô lớn. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình nông trại.
“Hạ tầng ứng dụng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT bước đầu đã tiếp cận, là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh trong những năm tới”, ông Phạm S nhận định.
Nhưng để đầu tư 1ha nhà vườn như của Cầu Đất Farm cần 2,7 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhiều ngành hàng có tiềm năng tiếp cận nền nông nghiệp 4.0 như: chăn nuôi, sản xuất hoa quả, nấm, cây dược liệu, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu….
Song với sự đa dạng sản phẩm, hạ tầng vật chất cũng như công nghệ thông tin kém phát triển, trình độ lao động phân hóa cao thì việc tỉnh táo lựa chọn đúng quy mô, ngành hàng, đáp ứng yêu cầu về công nghệ, thị trường là rất quan trọng.
“Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, tính trên từng chu kỳ sản xuất, chấp nhận rủi ro nhất thời, cục bộ, chứ không phải một nền nông nghiệp giải cứu, đau đâu chữa đó”, ông Nguyễn Văn Bộ nói.
Không chỉ vốn, để có thể vận dụng được những sản phẩm từ công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ kỹ thuật cao. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Học viện Nông nghiệp, nguồn nhân lực công nghệ cao có thể được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của mô hình nông nghiệp 4.0.
Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0. Để đáp ứng nhu cầu, cần phải thay đổi phương thức dạy và học. Giải pháp hiệu quả nhất là liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp để hình thành mô hình đào tạo mới.
Cùng với đó là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ngành nông nghiệp để hỗ trợ cho các start-up, phát triển các ý tưởng sáng tạo trong nông nghiệp. Đó cũng chính là cách khơi dậy niềm đam mê cho sinh viên nông nghiệp, là hỗ trợ bước đầu cho doanh nghiệp nông nghiệp 4.0.
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế đột phá về thể chế, chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nghiên cứu chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Khuyến kích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo điều kiện để công nghệ được thương mại hóa, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận công nghệ, quảng bá sản phẩm công nghệ.
Vận hội mới
Ghi nhận những lợi ích khi ứng dụng nền nông nghiệp số, TS.Trần Anh Quân, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp IMI, cho rằng, với sự chuyển dịch của hệ thống máy móc trong sản xuất thì người nông dân, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Nông dân sẽ có được các thiết bị nông nghiệp phù hợp hơn cho công việc, đem lại hiệu quả hơn nhằm tăng thời gian hoạt động và giảm thời gian dừng ngoài kế hoạch.
Đánh giá khả năng thích nghi và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, GS.TS. Nguyễn Quang Thạch, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, cho hay, ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu hoàn thiện cần được nhanh chóng ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ ứng dụng lại phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương hoặc của từng hộ gia đình. Cơ bản nhất là cần nhận thức rằng, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất sẽ giúp đem lại hiệu quả cao hơn, giảm chi phí và rủi ro.
Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường và hệ sinh thái tốt để thúc đẩy sự phát triển của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh. Có như vậy, khi nhân rộng mới thực sự dễ dàng, thuận lợi và đem lại hiệu quả.
Ngoài ra, bên cạnh việc cần tối ưu quá trình vận chuyển và giao hàng trong chuỗi cung ứng, quản lý chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp cần hướng tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng 4.0 vào sản xuất và quản trị quá trình sản xuất; trong đó, tập trung vào phần truy xuất nguồn gốc, logistics, thương mại điện tử và cá nhân hóa chế biến thực phẩm...
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thực sự trở thành xu hướng và đem lại hiệu quả. Khi tổ chức được chu trình khép kín trong sản xuất, lưu thông, phân phối ra thị trường; những giá trị đem lại từ công nghệ số sẽ cải thiện được những điểm yếu của ngành nông nghiệp; trong đó, không chỉ giúp giải phóng sức lao động cho nông dân; mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí và rủi ro hư hỏng. Chắc chắn, đó là điều mà ngành nông nghiệp mong đợi để chờ đón những cơ hội mới, vận hội mới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ý kiến bạn đọc...