Ô nhiễm ánh sáng hiểm họa khôn lường

13:36 | 03/09/2020

DNTH: So với ô nhiễm khói bụi, khí thải, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước… thì ô nhiễm ánh sáng mờ nhạt hơn hẳn. Ô nhiễm ánh sáng ít người để ý, lại càng không mấy ai đề phòng, mặc dù hậu quả mà nó gây ra thì không hề mờ nhạt, nếu không muốn nói là rất nặng nề, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, trước mắt và lâu dài.

Ô nhiễm ánh sáng là gì?

Ô nhiễm ánh sáng là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức cần thiết gây khó chịu. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, lãng phí năng lượng và làm rối loạn các hệ sinh thái. Do đó, ô nhiễm ánh sáng thường là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp hiện đại, quá trình đô thị hóa ào ạt…. Ô nhiễm ánh sáng có thể còn là một thuật ngữ lạ đối với nhiều người dân, những đã xuất hiện từ lâu trong danh mục các nguy cơ ô nhiễm môi trường cần được quản trị ở đô thị.

Những tác hại khó lường do ô nhiễm ánh sáng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, ánh sáng không cần thiết và thiết kế thiếu hợp lý được coi là một dạng ô nhiễm. Trong một thế giới ngày càng hiện đại hơn, dạng ô nhiễm này đang tác động đến chúng ta một cách âm thầm. Nó chính là ánh sáng xanh. Bước sóng của ánh sáng xanh khá thấp (450 - 495nm) mang năng lượng cao hơn các bước sóng khác. Nguồn phát ra ánh sáng xanh từ các nguồn ánh sáng nhân tạo như máy tính, điện thoại thông minh, tivi, đặc biệt là từ các đèn Led làm tăng nguy cơ dẫn đến thoái hóa điểm vàng rất đáng sợ đối với con người. Ở những thành phố lớn, người ta thường xuyên không ngủ được, đồng hồ sinh học bình thường trong cơ thể con người đã bị đảo lộn.

Do vậy, việc bố trí các nguồn chiếu sáng ở đô thị hiện nay về cơ bản vẫn lộ rõ một sự ngẫu hứng và tùy tiện. Ngoài các công trình hạ tầng kỹ thuật được quản lý bởi sở ban ngành, còn lại, mạnh ai nấy làm, đèn nhà ai nhà ấy rạng. Không quy chuẩn, hoặc quy chuẩn chỉ nằm trên giấy, các hệ thống chiếu sáng chồng chéo nhau, thậm chí xung đột nhau về tính năng và công dụng, dẫn đến sự nhiễu loạn khó tránh khỏi.

Tác động đến con người

Khi ra ngoài đường chúng ta gặp rất nhiều biển hiệu tấm lớn hay các tòa nhà được trang trí bằng hệ thống ma trận đèn led, những biển trang trí của các cửa hàng, logo cổ động của các tuyến đường tại các thành phố với nhiều màu sắc bắt mắt, lấp lánh, gây cảm giác vui mắt. Đấy là khi đứng một chỗ để xem. Còn khi tham gia giao thông trong thành phố các tấm biển tấm lớn và các tòa nhà được thắp sáng bàng hệ thống đèn Led cũng một phần nào đó gây mất tập trung khi lái xe, tại các ngã 3, ngã tư có biển quảng cáo của một khách sạn hay cửa hàng, lại lập lòe, xanh đỏ, giống hệt tín hiệu đèn xanh, đèn đỏ có thể bị nhầm lẫn. Nguy hiểm hơn là trên các tuyến đường quốc lộ, rất nhiều loại xe có gắn bảng quảng cáo hay hệ thống chiếu sáng Led ảnh hưởng rất lớn khi tham gia giao thông Đặc biệt là tại những cung đường hẹp, những hệ thống ánh sáng này làm các xe đối diện bị chói, cực kỳ nguy hiểm trong vấn đề an toàn giao thông.

Đến thời gian này theo tìm hiểu thì được biết, hiện tại Việt Nam chưa có nghiên cứu, thống kê chính thức nào về số vụ tai nạn giao thông do bị ô nhiễm ánh sáng. Tuy nhiên, cũng giống như các loại ô nhiễm khác, ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần của người tham gia giao thông và là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới tai nạn giao thông.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., ở ngoài đường, ánh sáng nhân tạo từ các trung tâm thương mại, khu chung cư, cửa hàng, đèn đường, biển hiệu quảng cáo... ngày càng tràn ngập. Một thế giới càng hiện đại thì ô nhiễm ánh sáng càng tác động sâu rộng đến từng ngõ ngách của cuộc sống con người. Nó âm thầm theo chúng ta từ các bữa ăn cùng vào giường ngủ…

Một tác nhân khác gây ra ô nhiễm ánh sáng chính là gương, kính. Vật liệu này giờ đây được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà cao tầng tại các đô thị. Hậu quả rõ nhất do nó gây ra là sự khúc xạ ánh sáng gây hiệu ứng nhà kính. Hay phản xạ ánh sáng, gây nguy hiểm cho người lái xe…

Chắc các bạn đã được một lần trải nghiệm cảm giác khi chạy xe trên đường cao tốc nhìn về Hà Nội. khi màn đêm buông xuống, cả thành phố sáng rực trong ánh sáng nhân tạo với cường độ mạnh đến mức làm lu mờ các ngôi sao trên trời. Hiện tượng này đang ngày càng gia tăng trong vài chục năm trở về đây. Đây cũng chính là một tác nhân khiến nhiệt độ tại các Thành phố lớn bao giờ cũng cao hơn so với các vùng nông thôn.

Tác động đôi mắt “Cửa sổ   tâm hồn”

Theo công bố của CNET, các nhà nghiên cứu tại Đại học Toledo (Mỹ) cho biết khi đôi mắt tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài có thể gây hại nghiêm trọng đến mắt và tạo ra các phân tử độc hại trong tế bào nhậy sáng của con người. Hoạt động này sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa điểm vàng và gây ra các bệnh về mắt. Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã phơi tế bào sống trước nhiều loại ánh sáng khác nhau. Họ phát hiện ra ánh sáng xanh tạo ra phản ứng sinh phần tử hóa học độc hại trong tế bào thụ quang - thành phần sinh học phản hồi với ánh sáng trong mắt. Mục đích của thí nghiệm để tìm hiểu cách tế bào phản hồi khi tiếp xúc với ánh sáng xanh hằng ngày từ các thiết bị như điện thoại, TV…

Ánh sáng xanh tím mang nhiều năng lượng trong dải hẹp 415 - 455nm gây hại nhiều hơn cho mắt, cụ thể là thủy tinh thể và võng mạc. Các dải xanh của quang phổ mang nhiều năng lượng hơn và có thể đi thẳng qua mắt bạn - góp phần gây khô mắt, bệnh cận thị và thoái hóa điểm vàng.

Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến mắt phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như cường độ, bước sóng, thời gian tác động. Đối với cường độ, các nguồn sáng có cường độ cao mang năng lượng được chiếu đến mắt và hấp thụ bởi sắc tố bên trong mắt, khi đó năng lượng ánh sáng được chuyển thành nhiệt năng, gây đông protein trong tế bào.

Ánh sáng xanh từ màn hình có thể gây mỏi, hại mắt, đau đầu và rối loạn giấc ngủ. Và phổ biến nhất là hội chứng thị giác màn hình, bao gồm nhiều triệu chứng của mắt như nhìn mờ, căng mắt, khô mắt… Và các triệu chứng khác như đau đầu, đau cổ, mệt mỏi, khó tập trung. Các chuyên gia y tế cũng cho biết, mỗi ánh sáng có màu sắc khác nhau sẽ gây ra một tác hại khác nhau và đều ảnh hưởng đến mắt. Khi chúng ta dùng điện thoại di động trong phòng tối hoặc thiếu ánh sáng (trong thời gian dài), tia điện sẽ chiếu thẳng vào mắt. Nó sẽ gây khô kết mạc trong thời gian và rút cuộc có thể dẫn đến ung thư mắt và mù lòa.

“Bệnh về mắt thường gặp nhất của dân văn phòng là hội chứng rối loạn thị giác. Vì lý do mắt bị tác động bởi ánh sáng xanh, phát ra từ các thiết bị màn hình như: Máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi,… Hoặc ánh sáng nguy hiểm từ đèn LED, đèn huỳnh quang trong suốt thời gian làm việc. Gây ra mỏi mắt, nhức đầu, nhìn mọi thứ mờ, mắt khô, chói mắt, hay chảy nước mắt và mỏi vai, cổ, gây thâm quầng trên mắt”.

Gây bệnh béo phì, tim mạch, ung thư và mất ngủ

Một nghiên cứu của Đại học Haifa, Israel kết luận rằng: Phụ nữ sống ở những vùng đô thị nhiều ánh sáng nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 73% so với phụ nữ ở những nơi tận dụng chiếu sáng tự nhiên. “Khi con người tiếp xúc với nguồn bức xạ khổng lồ một cách dễ dàng lại chính là một nguy cơ tiềm ẩn. Bởi vì về đêm, ánh sáng phá vỡ nhịp điệu sinh học trong cơ thể chúng ta (chu kỳ ngày - đêm, chu kỳ giấc ngủ và thời gian tỉnh táo), giấc ngủ bị ảnh hưởng và tệ hơn nữa, các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng, đây còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì và sự thoái hóa sớm của đôi mắt”.

Ánh sáng nhân tạo phát ra từ mọi nguồn sáng đều phá hoại giấc ngủ, làm suy nhược cơ thể và gây ra các bệnh về tim mạch... Nhưng kẻ phá hoại lớn nhất là ánh sáng xanh phát ra từ tivi, máy tính và điện thoại thông minh.

 Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra sự liên quan chặt chẽ giữa nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ và tình trạng tiếp xúc với nhiều ánh sáng nhân tạo của môi trường sống vào ban đêm. Trong nghiên cứu này, chuyên gia dịch tễ học Peter và các cộng sự đã theo dõi tình trạng phát bệnh ung thư vú của 109.672 y tá trong 24 năm.

Nhà ở của từng y tá này được mã hóa theo khu vực địa lý và mức độ ánh sáng trung bình tại khu vực sinh sống của họ vào ban đêm được ước lượng từ các ảnh chụp vệ tinh. Tổng cộng 3.549 trường hợp mới được chẩn đoán ung thư vú. Nghiên cứu nhận ra mối quan hệ trực tiếp giữa độ sáng ban đêm tại khu vực sinh sống của một phụ nữ trước khi chuẩn đoán ung thư và nguy cơ phát bệnh sau đó của người này. Mức độ ánh sáng càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.

Bên cạnh đó, WHO còn cảnh báo người sống trong môi trường bị ô nhiễm ánh sáng sẽ khiến nhịp sinh học của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến tăng khả năng ung thư - căn bệnh mà Việt Nam đang trong tốp đầu thế giới về số người mắc bệnh. Đặc biệt đối với phụ nữ, ô nhiễm ánh sáng cũng ảnh hưởng đến nhan sắc như mắt thâm quầng, da sần sùi...

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trường Nhãn khoa Đại học Houston (Mỹ) công bố trên tạp chí Ophthalmic & Physiological Optics cho biết ánh sáng xanh (ánh sáng nhân tạo) tỏa ra từ các thiết bị điện tử là nguyên nhân đáng kể dẫn tới tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến hiện nay. “Kết luận quan trọng nhất rút ra ở đây là ánh sáng xanh ban đêm thực sự làm giảm chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng để tái tạo nhiều chức năng trong cơ thể chúng ta” - Tiến Sĩ Lisa Ostrin, chủ trì nghiên cứu trên, nói.

Tác hại ánh sáng xanh của điện thoại khiến não ngừng sản xuất melatonin, 1 hormone giúp cơ thể bạn cảm thấy buồn ngủ. Do đó, nó có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ, khiến bạn thấy khó ngủ hơn. Và trẻ em là đối tượng dễ chịu các tác động xấu của ánh sáng xanh đến mắt, đặc biệt trong thời đại công nghệ như hiện nay các bài tập, game, mạng xã hội đều cần đến máy tính và các thiết bị điện tử.

Trong cuộc sống hiện tại, thói quen sử dụng điện thoại trước khi ngủ là 1 trong những thói quen xấu. Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia y tế nhận thấy ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại di động có thể là nguyên nhân gây chết tế bào võng mạc của con người và ảnh hưởng tới thị lực.

Tác động đến hệ sinh thái

Thiên nhiên vốn thích nghi với ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn thói quen sinh hoạt của các sinh vật. Các nghiên cứu cho thấy một số ví dụ cụ thể về hậu quả gây ra bởi ô nhiễm ánh sáng như: Ánh sáng nhân tạo phát ra từ các đô thị thu hút hàng triệu côn trùng làm mất nguồn thức ăn của các loài chim và phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên. Ánh sáng đêm làm giảm khả năng nhìn đường của bướm đêm và các côn trùng hoạt động về đêm. Các loài động vật hoang dã cũng bị ảnh hưởng, cân bằng sinh thái bị phá hủy. Ô nhiễm ánh sáng cũng gây xáo trộn mối quan hệ giữa động vật ăn thịt - con mồi, cũng như chu kỳ sinh sản của động vật hoang dã. Các loài hoa nở về đêm, dựa vào các loài này để thụ phấn, cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Các loài chim di cư có thể bị mất phương hướng bởi ánh sáng của các toà nhà cao chọc trời. Hoặc là các loài ếch và kỳ nhông hoạt động về đêm cũng bị ảnh hưởng. Thông thường khi không có ánh sáng, chúng thức giấc, đi tìm bạn tình và sinh đẻ. Nhưng ánh sáng thường xuyên do ô nhiễm ánh sáng làm cho hoạt động của chúng suy giảm...

Tại các Thành phố, ánh sáng làm cho cây xanh bị rối loạn cơ chế quang hợp, có xu hướng rụng lá, tăng lượng khí CO2. Năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm làm tăng một lượng lớn các loại khí nhà kính khác, đẩy nhanh hiệu ứng ấm lên của Trái đất. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, có thể tính đa dạng của thế giới tự nhiên sẽ bị nguy hại nghiêm trọng.

Còn theo số liệu ước tính của Tổ chức Bảo vệ bầu trời đêm quốc tế, chỉ riêng đối với Mỹ đã có đến 38% năng lượng chiếu sáng ngoài trời lãng phí, dẫn đến hàng năm tiêu tốn 2 triệu thùng dầu (1 thùng = 150 lít), gây lãng phí 1,5 tỷ USD/năm và đặc biệt đóng góp lượng khí CO2 khoảng 300 triệu tấn/năm, một tác nhân gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu.

Giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng và sự vào cuộc của các nhà quản lý

Các nhà khoa học cho rằng, Giảm ô nhiễm ánh sáng là hình thức như giảm ánh sáng chiếm dụng bầu trời, giảm ánh sáng chói, giảm ánh sáng xâm nhập và giảm ánh sáng lộn xộn. Ô nhiễm ánh sáng có thể cải tạo, đảo ngược lại dễ dàng bằng những động thái cá nhân như: Chỉ sử dụng ánh sáng vào thời gian và không gian cần thiết; Không sử dụng ánh sáng quá mức; Hạn chế ánh sáng xanh. Bảo vệ, sử dụng đúng ánh sáng trời; Sử dụng màn che tránh ánh sáng bên trong lọt ra ngoài; Đo lường mức độ ô nhiễm ánh sáng để chuẩn hóa thiết bị, đồ dùng…

Các biện pháp có thể áp dụng như: Sử dụng nguồn sáng vừa đủ với yêu cầu; Tắt đèn khi không cần thiết hoặc sử dụng chế độ hẹn giờ; Cải tiến dụng cụ chiếu sáng phù hợp, có thể tập trung ánh sáng vào nơi cần thiết; Lắp đặt các loại đèn sao cho bước sóng ánh sáng ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng; Đánh giá lại các hệ thống chiếu sáng hiện có, thiết kế lại nếu cần.

Mặc dù các quy chuẩn về chiếu sáng đã được ngành Xây dựng ban hành, nhưng mới chỉ áp dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, cho chiếu sáng hệ thống đường đô thị, cho các khu vực công cộng, nơi làm việc, nơi ở. Trong khi, nguồn chiếu sáng đô thị hiện nay vô cùng đa dạng, phong phú, và những nguồn có nguy cơ cao gây ô nhiễm thì lại chưa được đề cập, hoặc rất thiếu quy định: như nguồn chiếu sáng từ các hoạt động sân khấu biểu diễn ngoài trời, các cao ốc, trung tâm thương mại bên đường, các hộ kinh doanh dịch vụ, v.v. 

Ngay cả những công trình có quy chuẩn đối với hệ thống chiếu sáng, thì việc kiểm tra chấp hành quy định cũng chỉ dừng lại ở bước nghiệm thu ban đầu. Còn quá trình hoạt động thay đổi ra sao, có tuân thủ quy định không thì gần như không ai đả động. cũng chưa từng có trường hợp nào bị xử phạt vì vi phạm loại này được công bố.

Ô nhiễm ánh sáng đã trở thành một vấn đề lớn và cấp bách trong xã hội hiện đại, nó phải được nhìn nhận đúng với tác nhân do nó gây ra, để khuyến cáo với người dân được hiểu biết và phòng ngừa. Cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, những nhà khoa học nghiên cứu đánh giá đúng đưa ra những nhận định để các nhà quản lý dựa vào đó đưa ra các quyết sách bảo vệ người dân.

Quang Vinh (th)

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ghé thăm Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học cao

Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen.

Dồn lực giải tỏa công suất năng lượng tái tạo

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hoà lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực hỗ...

Vĩnh Phúc lên tiếng về căn cứ triển khai dự án ven hồ Đại Lải

Sau kết luận của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những sai phạm của các dự án ven hồ Đại Lải, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc mới đây cung cấp nhiều văn bản liên quan.

Thủ tướng chủ trì họp về các giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai

Chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm với một số bộ, ngành bàn về tình hình thiên tai và giải pháp cấp bách cần triển khai thực hiện cũng như xử lý một số kiến nghị, không để tình...

Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

Đa dạng sinh học (ĐDSH) chính là giá trị quý báu của tự nhiên, góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân, duy trì nguồn gen của động, thực vật... Do đó, bảo tồn ĐDSH có ý nghĩa rất quan trọng cho mục...

XEM THÊM TIN