Phát triển nông nghiệp vấn đề còn ở phía trước

20:27 | 23/04/2019

DNTH: Cho đến nay, nước ta vẫn là một nước nông nghiệp theo đúng nghĩa với khoảng hơn 70% dân số gắn với nông nghiệp, nông thôn. Xét về đại cục, nông nghiệp vẫn thể hiện vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp nước ta trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung. Cũng có nghĩa là, nếu sản xuất nông nghiệp trì trệ, ách tắc, không phát triển và không có hiệu quả thì tình hình kinh tế - xã hội của đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chứa đựng những nguy cơ về sự bất ổn xã hội. 

 

Ảnh minh họa - Internet

Nhìn một cách tổng thể, đời sống của đại bộ phận người dân đã được cải thiện, cảnh thiếu đói triền miên như trước đây hầu như không còn nữa. Mặc dù vậy, cho đến nay nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chịu nhiều thiệt thòi nhất; nông dân vẫn là tầng lớp chịu nhiều khó khăn nhất. Tình trạng nông dân không còn thiết tha với những mảnh ruộng vốn đã gắn bó từ bao đời với các thế hệ trong gia đình và ở làng quê họ, là một thực tế đã và đang diễn ra, chứng tỏ rằng nghề nông đã trở nên…quá khó đối với kế sinh nhai của người nông dân, không đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội. Và, như thế vấn đề Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng nếu không nói là còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề bức xúc.

Đầu tư dàn trải và chưa tương xứng

Có một thực tế là, nền nông nghiệp của nước ta trong hàng chục năm qua, ngoại trừ về thủy lợi và giao thông nông thôn có được cải thiện, hầu như chưa có những chuyển biến đáng kể nào, nhất là đối với các tỉnh miền Bắc. Sản xuất nhỏ là chủ yếu, các yếu tố cơ bản trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa chủ động được, hoặc chỉ chủ động được một phần. Chính vì vậy mà khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp nước ta còn thấp so với ngay các nước trong khu vực (chứ chưa nói các nước trên thế giới).

Nguyên nhân của thực trạng trên thì nhiều, nhưng cái chính là chúng ta thiếu một chiến lược phát triển nông nghiệp hợp lý và thiếu tầm nhìn xa trông rộng, cho nên sự quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp trong những năm qua vừa chưa tương xứng, vừa thiếu tập trung, còn dàn trải nên ít hiệu quả. Đầu tư để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, trước hết phải chú trọng đầu tư về khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Tránh tình trạng đang diễn ra là “được mùa rớt giá, được giá lại mất mùa”. Từ nhiều năm nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp vẫn tồn tại nghịch lý ấy khiến cho sản xuất của nông dân bấp bênh, không những không đảm bảo mức lợi nhuận cần thiết, mà nhiều khi còn bị lỗ nặng do sản phẩm không thể tiêu thụ kịp thời hoặc bị sụt giá tới dưới mức giá thành sản xuất. Thực tế ấy ai cũng biết, các ngành chức năng chắc chắn cũng biết, thậm chí rất biết. Song, hết năm này qua năm khác vẫn chỉ là “biết rồi… khổ lắm… nói mãi”. Mặt hàng nông sản chủ lực là gạo, rồi một số nông sản khác như: vải, dưa hấu, hạt điều, cà phê…đều phải đối mặt với tình trạng nêu trên. Thiết nghĩ đây là một “lỗ hổng” trong việc đầu tư  khoa học công nghệ cho công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản ở nước ta. Tại sao lại không quyết tâm đầu tư một lần cho ra đời một vài cái nhà máy chế biến hoa quả với công nghệ hiện đại (nếu công nghệ ta chưa chủ động được thì mua cả một dây chuyền, một nhà máy tiên tiến của nước ngoài cũng có sao đâu) để vừa chủ động “đầu ra” cho nông dân, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, thay vì bán sản phẩm thô vừa giá trị thấp, vừa bị động khi tiêu thụ? Đương nhiên phải xem xét cả bài toán kinh tế để nhà máy có thể đảm nhận nhiều chức năng, vì hoa quả cũng có mùa vụ của nó. Nếu như không thể đầu tư như vậy được (vì một lý do bất khả kháng nào đó) thì cũng phải tập trung đầu tư khoa học công nghệ để làm sao chấm dứt được tình trạng bất cập kéo dài này vốn không giúp ích được gì cho nông dân ? Có lẽ đó không phải là lỗi hay là sự yếu kém của các nhà khoa học nước ta. Vấn đề là chính sách, là cơ chế đầu tư; là biết thực sự coi trọng lợi ích chính đáng và cần thiết của nông dân, nông nghiệp. Trong những yếu tố khiến gạo xuất khẩu của nước ta vừa không có giá trị cao, vừa không ổn định về thị trường, có khâu chế biến chưa đáp ứng được về công nghệ nên hạt gạo của ta không cạnh tranh được với gạo của Thái Lan; bên cạnh đó là tình trạng độc quyền dẫn đến thiếu trách nhiệm của một số doanh nghiệp xuất gạo ở trong nước…

Còn có một thực tế nữa là nhiều mô hình sản xuất khi còn tham gia một dự án nào đó thì cho hiệu quả cao, nhưng đến khi dự án kết thúc thì mô hình cũng kết thúc luôn - một sự lãng phí rất đáng tiếc trong đầu tư. Lại cũng có những trường hợp kết quả một đề tài nghiên cứu khoa học đã được đánh giá cao sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, nhưng sau cái hội nghị, hội thảo thành công ấy, kết quả nghiên cứu lại bị cho vào ngăn kéo, trong khi thực tế cần một công nghệ hay một ứng dụng như vậy…Không thể nói điều đó tại các nhà khoa học được.

Đầu tư tập trung, có trọng điểm, đầu tư đến cùng, hoàn thành và mang lại hiệu quả trong thực tế sản xuất rồi mới tập trung đầu tư cho vấn đề khác, để tránh tình trạng lâu nay là đầu tư dàn trải - cái gì cũng có, nhưng cuối cùng lại chẳng có cái gì (do đều dở dang cả). Nếu không có ngay một chính sách khác hợp lý về đầu tư cho nông nghiệp thì hiệu quả của các mô hình chẳng những không cao mà còn gây lãng phí lớn tiền của của Nhà nước.

Để người nông dân gắn bó với ruộng đồng

Để người nông dân tiếp tục gắn bó với đồng ruộng một cách thực sự tâm huyết và yêu nghề, nhất thiết phải tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp có lãi (có thể là lợi nhuận 30% như lâu nay ta vẫn nói); phải làm sao để từ sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân phải ổn định và đi lên theo sự phát triển chung của xã hội, của đất nước; thậm chí người nông dân chịu thương chịu khó, có tính sáng tạo có thể làm giàu được trên đồng đất của mình.

Thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, để có thể phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, hoặc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thì rất cần phải có vai trò của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực này, song kết quả còn rất hạn chế.  Vấn đề là doanh nghiệp chưa thấy có thuận lợi đáng kể nào cho quá trình đầu tư vào nông nghiệp, họ vẫn cảm thấy việc đầu tư vào nông nghiệp là rất mạo hiểm khi ẩn chứa quá nhiều rủi ro, khi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm… Mặt khác, công tác quy hoạch ngành nông nghiệp cần được tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững, không có tình trạng nay thế này, mai thế khác. Một vấn đề nữa không thể coi nhẹ là Nhà nước cần có chính sách và đầu tư cụ thể nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người nông dân, giúp thay đổi tư duy của họ theo hướng đổi mới, nâng cao tính hiệu quả, tính chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường.

Các nhà nghiên cứu quản lý cho rằng, điều cần nhất đối với nông dân lúc này là trình độ dân trí. Bởi nếu không có trình độ dân trí, nông dân không thể cảm nhận được các giá trị văn hóa, rất khó tiếp thu đầy đủ kiến thức về khoa học, kỹ thuật công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất ngay trên thửa ruộng của mình. Họ cũng cần cả kỹ năng sống, cần có hiểu biết về kinh doanh…Về phía Nhà nước, cần có chính sách và biện pháp đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân thông qua sản xuất nông nghiệp; thậm chí để nếu cố gắng, họ có thể làm giàu được trên đồng đất của mình thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…Cùng với đó, ngành nông nghiệp với vai trò điều hành, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, cần phối hợp với các ngành, các cấp để xây dựng cho được các mô hình sản xuất, chăn nuôi cho từng vùng: miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo theo hướng sản xuất hàng hóa và  nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong phát triển. Từ việc tổng kết các mô hình hiệu quả để có thể nhân rộng ra cả nước. Thực hiện những cơ chế chính sách khuyến khích một cách cụ thể (có thể áp dụng hình thức đặt hàng với các nhà khoa học) để các nhà khoa học đầu tư chất xám cho sản xuất nông nghiệp và có thể đưa ngay được những kết quả tốt, những công nghệ phù hợp vào sản xuất mà không gặp cản trở nào, từ việc chọn lựa, lai tạo giống cho sản xuất tới việc phổ biến ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản… Thực hiện tốt những vấn đề đó cũng là đầu tư tập trung cho nông nghiệp với điều kiện đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, không làm nửa vời theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”./.

Theo Đặng Đình Chấn/VNHN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phú Yên gỡ vướng cho du lịch nông thôn phát triển

DNTH: Phú Yên - Du lịch nông thôn được kỳ vọng khởi sắc khi đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP được ban hành.

Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long

DNTH: UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản...

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương

DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD

DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc

DNTH: Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta giảm 68,4% so với tháng 9 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

XEM THÊM TIN