Phê duyệt kế hoạch liên quan đến nợ công và quản lý nợ công

18:36 | 29/04/2023

DNTH: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 458/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023 - 2025.

Tổ chức thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022

Về tổ chức thực hiện Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022, căn cứ Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính:

Thực hiện huy động vốn cho ngân sách Trung ương để bù đắp bội chi và trả nợ gốc theo nhu cầu phát sinh thực tế, bao gồm hạch toán ngân sách nhà nước các khoản vay nước ngoài bổ sung vốn cho 05 dự án của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được chuyển đổi từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội.

Thực hiện chi trả nợ ngân sách trung ương, bao gồm thanh toán các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn của VEC và hoàn trả nợ gốc đã ứng trả các khoản vay nước ngoài của VIDIFI được chuyển đổi thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội.

Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023

Về kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 644.409 tỷ đồng, gồm: Vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 621.015 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 430.500 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại khoảng 23.394 tỷ đồng.

Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ (i) phát hành trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ; (ii) vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; và (iii) trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trả nợ của Chính phủ khoảng 327.287 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 293.405 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 33.882 tỷ đồng.

Về vay được Chính phủ bảo lãnh, mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 21.851 tỷ đồng (bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm là 2.451 tỷ đồng cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tối đa 19.400 tỷ đồng). Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu năm 2023 nêu trên chưa bao gồm mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa sử dụng hết trong năm 2022 được chuyển sang 2023 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12 tháng 04 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm là 5.327 tỷ đồng.

Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cụ thể đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, không bố trí hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2023 do các dự án không có nhu cầu rút vốn, chỉ trả nợ.

Về kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 27.198 tỷ đồng; trả nợ của chính quyền địa phương 4.993 tỷ đồng, gồm chi trả gốc 2.804 tỷ đồng và chi trả lãi 2.189 tỷ đồng.

Vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh năm 2023: Hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 7.500 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 20% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2022.

Kế hoạch vay, trả nợ năm 2023 thực hiện trong các mức tối đa nêu trên; trường hợp phát sinh nhu cầu vượt mức tối đa nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch.

Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2023 - 2025

Về vay, trả nợ của Chính phủ, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 tối đa khoảng 1.873 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.813 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 59 nghìn tỷ đồng; tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2023 - 2025 tối đa khoảng 1.098 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 967 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 131 nghìn tỷ đồng.

Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.

Về bảo lãnh Chính phủ, mức bảo lãnh Chính phủ đảm bảo tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt.

Đối với bảo lãnh cho 02 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu, mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 tối đa là 11.037 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023 - 2025; mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2023 - 2025 tối đa là 27.851 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023 - 2025 (tối đa 8.451 tỷ đồng) cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (tối đa 19.400 tỷ đồng).

Mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2023-2025 nêu trên chưa bao gồm mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa sử dụng hết trong năm 2022 được chuyển sang năm 2023 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Quán triệt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương: khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương hàng năm giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 0,3% GDP.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN