-
Mexico bất ngờ trục xuất đại sứ Triều Tiên
-
Hàn Quốc phát triển tên lửa hủy diệt tấn công Triều Tiên
-
Triều Tiên: Vụ thử hạt nhân "gây sạt lở đất"
-
Ông Donald Trump xuống thang giải pháp quân sự với Triều Tiên
Động thái này cho thấy sự nhất trí ngoài mặt của Moscow và Bắc Kinh. Nhưng nếu nhớ lại việc máy bay ném bom chiến lược của Nga bay bên trên bán đảo Triều Tiên hồi cuối tháng trước thì sẽ thấy mọi việc bên trong không đơn giản.
Theo đài CNN, với hành động trên, Nga đánh tín hiệu đến cả Trung Quốc và Mỹ rằng nước này cũng đang xoay trục về châu Á.
Trung Quốc từ chối bình luận về màn phô diễn sức mạnh của Nga. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói đại ý "Bắc Kinh và Moscow hợp tác rất chặt chẽ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên".
Một chiếc máy bay ném bom TU-95 của Nga bay gần Triều Tiên hôm 23-8 Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Tong Zhao của Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua nhận định: "Trung Quốc tự tin là kinh tế và quân sự của họ đều đang phát triển nhanh hơn Nga. Do đó, về lâu dài Nga cũng không thể thực sự thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Tuy vậy, theo ông Tong, hai nước này cùng chung quan điểm Mỹ là kẻ gây rối trên bán đảo Triều Tiên. "Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói về giải pháp ngoại giao song từ trong Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump lại viết lên Twitter rằng đàm phán không phải là câu trả lời. Thế nên Trung Quốc lo ngại Mỹ vẫn đang cân nhắc giải pháp quân sự" – ông Tong giải thích.
Chia sẻ góc nhìn giống nhau về Mỹ nhưng Nga gần đây liên tục xen vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên. Điện Kremlin vừa xóa món nợ 10 tỉ USD từ thời Liên Xô cho Bình Nhưỡng. Nga cũng là một trong nước viện trợ lương thực lớn nhất cho Triều Tiên, đồng thời cùng Trung Quốc bán dầu cho nước láng giềng.
Theo ông Samuel Ramani, chuyên gia đối ngoại người Nga, Moscow đang muốn lấy lại vị thế siêu cường mà Liên Xô từng có. "Việc Nga chuyển hướng chú ý sang Triều Tiên cũng giống như chuyện can thiệp quân sự vào Syria hay mở rộng hiện diện ngoại giao ở Libya và Afghanistan" – ông viết trên báo The Washington Post.
Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm viện hóa học được đưa tin hôm 23-8. Ảnh: Reuters
Dù đang là đồng minh nhưng trong quá khứ, Nga và Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng rất quyết liệt, thậm chí từng xung đột biên giới vào cuối những năm 1960. Triều Tiên cũng không nằm ngoài phạm vi tranh giành này.
Người sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung từng là thiếu tá Hồng quân Liên Xô và hoạt động trong lực lượng này tới cuối Thế chiến thứ hai. Sau 26 năm xa nhà, ông Kim trở về và được Liên Xô trợ giúp trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Triều Tiên. Cũng nhờ Liên Xô, ông Kim gầy dựng lực lượng không quân và lục quân rồi tuyên bố thành lập CHDCND Triều Tiên vào năm 1948.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Nga hầu như không còn khả năng tác động đến Bình Nhưỡng và phải "nhường sân" cho Trung Quốc suốt 25 năm qua.
Theo ông James Person, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson (Mỹ), chính quyết tâm tạo ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc khiến phương Tây bối rối về khả năng kiềm chế Triều Tiên của Bắc Kinh. "Nhiều người ở Washington, kể cả Tổng thống Donald Trump, tin rằng Trung Quốc chỉ cần nhấc điện thoại là giải quyết được vấn đề" – ông Person nói.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào đêm 28-7. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, theo ông Person, không có cường quốc nào có quan hệ thân thiện đặc biệt với Triều Tiên. Ông nói thêm: "Nền tảng của quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc là sự nghi ngờ sâu sắc, với Nga cũng vậy". Còn nhớ, khi Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên hồi tháng 5 qua, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên công khai "bật" lại, vừa cảnh báo "những hậu quả thảm khốc" vừa nhắc nhở Bắc Kinh "đừng thử thách giới hạn kiên nhẫn của Bình Nhưỡng".
Chuyên gia Person lập luận: "Điều quan trọng là Mỹ phải nhận ra chỉ có họ mới có khả năng đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên. Nếu tiếp tục đá trái bóng về phía Trung Quốc thì chính là Mỹ đang tạo điều kiện cho Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng trong khu vực".
Ngoài ra, chuyên gia Ramani cho rằng Mỹ cũng phải tập "sống chung" với việc Nga sẽ tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong vấn đề Triều Tiên.
Hải Ngọc (Theo CNN)
Ý kiến bạn đọc...