Quyết tâm gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của EC

17:48 | 15/09/2021

DNTH: Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 245/TB-VPCP ngày 14/9/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Thông báo nêu rõ, phải thực hiện được mục tiêu đến cuối năm 2021 chấm dứt được tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Việc này không chỉ vừa đảm bảo lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân, mà còn bảo vệ uy tín ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh của nước ta trong quan hệ quốc tế.

Quyết tâm gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của EC
Ảnh minh họa - Internet

Quyết tâm gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của EC

Tại cuộc họp trực tuyến được kết nối tới 675 xã, phường, thị trấn, 136 huyện, quận, thị xã, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, lãnh đạo các cấp đều thể hiện sự quyết tâm, đồng hành thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU tại địa phương, nhằm sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC; góp phần xây dựng ngành thủy sản hội nhập, phát triển bền vững và có trách nhiệm.

Trên cơ sở thống nhất với các nội dung được trình bày trong báo cáo của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong thời gian tới cần đề cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định chỉ đạo các ban, bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện tại địa phương.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất bến, cập bến của tàu cá đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ phương án đàm phán với các quốc gia có vùng biển chồng lấn, chưa phân định để xác định ranh giới khai thác hải sản hợp pháp của tàu cá Việt Nam; tăng cường chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá vi phạm của Việt Nam; kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước kịp thời xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác bảo hộ công dân đối với các ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, khởi tố, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản, nâng cao tính răn đe của pháp luật, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đề xuất kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU các nội dung, giải pháp, điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”; tham mưu, đề xuất khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC.

Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển để tổ chức triển khai, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đảm bảo số hóa, kết nối đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nghề cá bền vững, chống khai thác IUU. Trước mắt tập trung tại các trung tâm nghề cá lớn và hệ thống các cảng cá chỉ định phục vụ cho công tác chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khai thác để xuất khẩu.

Khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua VMS để xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Tiếp tục tăng cường tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá, phòng, chống khai thác IUU giữa Việt Nam và các nước, tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia để ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác IUU.

Hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -  2025 và nguồn vốn khác để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đảm bảo số hóa để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí cho các ban, bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, v.v... triển khai thực hiện đúng quy định của Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) về kiểm soát nguyên liệu sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện, thanh kiểm tra hàng hải sản nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của Hiệp định PSMA.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề; hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu phương án hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, bộ, ngành có liên quan và địa phương định hướng thông tin tuyên truyền; tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU để động viên, khích lệ và các địa phương chưa thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU; chú trọng truyền thông các nỗ lực, giải pháp, kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam ở nước ngoài.

Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông Trung ương và cấp ủy các cấp tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU đến cấp xã, phường, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm

Thủ tướng yêu cầu UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, về IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên. Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững.

Ưu tiên bố trí nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho các cơ quan quản lý thủy sản địa phương để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thực thi; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá loại II, loại III, khu neo đậu tránh trú bão; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào đầu tư, quản lý hạ tầng nghề cá tại địa phương.

Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác IUU. Thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh... kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm khi đi khai thác hải sản trên biển.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương có liên quan để siết chặt quản lý đối với tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh, xử lý kịp thời tàu cá có hành vi khai thác IUU. Trong tháng 9/2021, triển khai ngay các giải pháp để tăng cường sự thống nhất, đồng bộ giữa các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản trên địa bàn trong công tác phòng, chống IUU.

Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như: Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre... đặc biệt là Kiên Giang phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài.

Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ được giao. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.

Cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt tuyên truyền người dân chống khai thác IUU

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phải xác định cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt trong việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU. Trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn phải: Chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, đảm bảo “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”; có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ vận động các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.

Ngoài các biện pháp nêu trên, các ban, bộ, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nhất là cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện, tập huấn pháp luật, thông tin, tuyên truyền cả trong nước và ngoài nước về chống khai thác IUU để: Nâng cao nhận thức của người dân và khẳng định quyết tâm, nỗ lực, kết quả của Việt Nam trên trường quốc tế về cam kết ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC; nâng cao ý thức trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU và ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Nghề "hot" giúp nhiều lao động ở Đắk Lắk kiếm tiền triệu mỗi ngày

DNTH: Hái cà phê khoán đang trở thành nghề "hot", thu hút nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giúp nhiều người kiếm gần 1 triệu đồng mỗi ngày.

Không chủ quan trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

DNTH: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chủ động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng...

Cà phê sốt giá trên toàn cầu, nông dân Việt Nam thu lãi đậm, nhưng đâu mới là mức giá bền vững?

DNTH: Giá cà phê thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua. Với tư cách nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc biến động này.

Chung tay đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi

DNTH: Kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam đã mất trên 6 triệu con lợn do bị mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, cả nước đã xảy...

Mùa cá ở đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long

DNTH: Theo quy luật tự nhiên, hàng năm, cứ tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về Đồng bằng sông Cửu Long mang theo biết bao tôm cá, tràn vào đồng ruộng để sinh sôi, nảy nở,… Đến tháng 9, nước bắt đầu rút, cũng...

Gia Lai quan tâm đầu tư xây dựng chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

DNTH: Nhờ có chợ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông sản, hàng hóa thiết yếu, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa và gia tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Gia Lai.

XEM THÊM TIN