Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương

16:27 | 04/12/2024

DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.

Những năm qua, huyện Tân Yên đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo các nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng địa phương nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước quản lý và xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, giúp ổn định vùng nguyên liệu và tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng.

Theo kế hoạch triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên và có ít nhất một điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện Tân Yên đã xây dựng được 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên trong đó có 07 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Huyện cũng là địa phương nằm trong top đầu của tỉnh Bắc Giang về số lượng sản phẩm OCOP 4 sao.

Là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu, sâm Nam núi Dành là cây dược liệu quý được UBND huyện Tân Yên chỉ đạo phát triển nâng cao giá trị và xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. 

Theo ông Nguyễn Văn Luận - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Yên, nhận thấy cây sâm nam núi Dành là loại dược liệu quý, có tiềm năng kinh tế cao cũng là loại nông sản phản ánh giá trị lịch sử của địa phương, năm 2022, huyện Tân Yên đã ban hành Đề án phát triển cây sâm nam núi Dành giai đoạn 2022-2027. Qua hơn 2 năm triển khai đề án, từ vùng trồng rải rác, nhỏ lẻ tại các xã Liên Chung, Việt Lập, huyện đã mở rộng thành vùng nguyên liệu tập trung với tổng diện tích là 125 ha. 

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương 6
Vùng nguyên liệu tập trung sâm nam núi Dành ngày càng được mở rộng.

Trong đó diện tích đạt từ 0,5 ha trở lên có khoảng 65 ha với 16 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 02 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là nụ hoa sâm nam núi Dành và củ sâm nam núi Dành khô. Cùng với đó, các HTX và doanh nghiệp trên địa bà còn phát triển trên 40 sản phẩm từ sâm nam núi Dành như trà hoa sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực bổ dưỡng, thuốc thảo dược, viên sáng mắt, củ sâm ngâm mật ong…

Sâm nam núi Dành từ lâu đã được coi như một loại thần dược, có cách đây khoảng hơn nghìn năm. Trong sách “Đại nam nhất thống chí” có ghi: “cỏ thi cũng có ở đỉnh trung sơn”, núi Trung Sơn được nhắc tới đó là núi Dành, ngày nay thuộc địa phận xã Liên Trung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Cây sâm nam núi Dành được tìm thấy tại khu vực ven sườn núi Dành, có nhiều công dụng dược liệu, bồi bổ cơ thể nên được một số hộ dân mang về trồng và tự nhân giống tại địa phương. Cây sâm nam lúc này chủ yếu được dùng để phục vụ nhu cầu sử dụng tại gia. Sâm Nam núi Dành là loài cây leo mảnh thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa cuốn theo cành lá cây khác để vươn lên. Củ sâm có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, vị hơi ngọt. Hiện nay, giống sâm Nam núi Dành có loại ba lá chét, năm lá chét nhưng đều có các hoạt chất và công dụng tương đương nhau. Chất lượng của sâm Nam núi Dành phụ thuộc vào độ tuổi của cây và một số hoạt chất chính trong cây.

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương 7
Cây sâm nam từ lâu đã được coi là "thần dược" bởi nhiều hoạt chất tốt chứa trong củ và hoa.

Là một trong 2 xã cốt lõi được chỉ đạo phát triển cây sâm nam núi Dành theo Đề án của huyện, xã Việt Lập đã tập trung cao công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến Nhân dân và các hội viên trong các đoàn thể để tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây sâm nam. 

Ông Nguyễn Ngọc Bích - Chủ tịch UBND xã Việt Lập cho biết: từ một cây sâm tổ, toàn xã đã mở rộng diện tích trồng cây sâm nam núi Dành lên trên 50 ha. Cũng theo chỉ đạo của tỉnh và huyện là mỗi địa phương phát triển một sản phẩm OCOP, xã Việt Lập đã phát triển 03 sản phẩm OCOP từ cây sâm nam núi Dành đó là: trà hoa sâm, rượu sâm và sâm thái lát ngâm mật ong. Đồng thời, xã cũng tiếp tục vận động các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hoàn thiện hồ sơ, đăng ký tham gia OCOP. Hiện, trên địa bàn xã có 02 công ty và 03 HTX đang đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm sâm nam núi Dành, đảm bảo phát triển nông sản chủ lực của quê hương, bao tiêu đầu ra và ổn định thu nhập cho Nhân dân trong vùng.

Theo nghiên cứu, trong củ và hoa sâm có chứa các chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid, hàm lượng saponin của cây sâm nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các hoạt chất này càng cao, giá trị kinh tế càng cao.

Hoạt chất Saponin trong sâm có tác dụng dược tính cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa, chống oxy hóa, làm long đờm, chữa ho, làm tăng tính thấm của tế bào trong cơ thể, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất. 

Qua thời gian tìm hiểu và sử dụng các phẩm từ sâm nam núi Dành, chị Nguyễn Thị Minh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận thấy cây sâm nam mang lại hiệu quả cải thiện sức khỏe và sinh khí to lớn. “Cũng từ đó thì tôi đã có một ý tưởng là kinh doanh mặt hàng này để lan tỏa những sản phẩm từ nông sản của đất nước, quê hương mình tới người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cây sâm nam núi Dành được trồng trên thổ nhưỡng đặc thù cũng như quy trình trồng, chăm sóc vô cùng kỳ công và phức tạp, từ bước làm đất, làm giàn, chăm bón đều tuân theo tiêu chuẩn vì vậy chất lượng và giá trị dinh dưỡng của cây sâm nam núi Dành mang lại là rất cao, chúng ta nên tìm hiểu kỹ và sử dụng sản phẩm này để mang lại sức khỏe tốt nhất cho chính mình và cho cộng đồng” - Chị Xuân chia sẻ. Hiện chị Xuân cũng đang là đại lý phân phối các sản phẩm từ sâm nam núi Dành của HTX sâm nam núi Dành Việt Lập.

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương 8
Đa dạng các loại sản phẩm từ hoa và củ sâm nam.

Với lý tưởng gìn giữ và bảo tồn sản vật quý của quê hương cũng như tạo điều kiện cho bà con vươn lên làm giàu từ tài nguyên địa phương, Giám đốc HTX sâm nam núi Dành Việt Lập Nguyễn Quyết Thắng đã dành nhiều thời gian, công sức cùng sự đam mê đầu tư tìm hiểu để trồng và sản xuất các sản phẩm từ sâm nam núi Dành. 

HTX sâm nam núi Dành Việt Lập được thành lập vào tháng 6 năm 2022 với 7 xã viên đều là các hộ trồng sâm nam. HTX đã kết hợp các xã viên giàu kinh nghiệm tổ chức trồng và sản xuất sâm nam theo quy trình nghiêm ngặt từ việc lựa chọn nhân giống cây đầu dòng bố mẹ để cho ra một sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất đến chỉ đạo bà con trồng, chăm sóc đúng thời vụ kết hợp với phòng trừ sâu bệnh theo quy trình VietGap. Hiện tại, tổng diện tích canh tác sâm nam núi Dành của HTX là 5 ha.

HTX sâm nam núi Dành Việt Lập hiện có sản phẩm trà hoa sâm nam đạt được OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, HTX còn phát triển các sản phẩm thủ công khác như rượu sâm, sâm thái lát ngâm mật ong, trà túi lọc, sâm sấy khô, bột sâm, trà bổ gan từ củ sâm và trà củ sâm kết hợp gạo lứt. Thời gian qua, HTX đã kết hợp cùng Công ty Y dược Tràng An tại Hà Nội thu mua các phần của cây từ hoa, lá củ đảm bảo đầu ra đến 70% cho bà con xã viên cũng như các hộ nhỏ trồng sâm nam trên địa bàn. Cùng đó kết hợp với trường Cao đẳng Y dược Hải Dương trong việc gia công sản xuất trà theo công thức của trường cho ra sản phẩm trà túi lọc mang thương hiệu trà sâm nam núi Dành Việt Lập. Với những nỗ lực không ngừng, HTX sâm nam núi Dành Việt Lập đang không ngừng phát triển, đảm bảo nguồn thu nhập cho các xã viên cũng như nâng tầm sản vật của quê hương.

Theo chị Đỗ Thị Lợi hiện sinh sống tại xã Việt Lập và làm việc tại HTX sâm nam núi Dành Việt Lập chia sẻ: “kể từ khi có HTX sâm nam núi Dành Việt Lập, tôi đã có công ăn việc làm ổn định, thu nhập và kinh tế của gia đình tôi cũng phát triển thêm nhiều so với lúc chưa làm sâm nam. Là người con của địa phương, công việc gắn bó quanh năm với sâm nam, tôi hy vọng cây sâm nam núi Dành sẽ được phát triển hơn nữa về mọi mặt”.

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương 9
Với nguồn thu nhập khá, bà con nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định công việc và nâng cao đời sống.

“Hoạt động trồng và chế biến tiêu thụ sản phẩm sâm nam núi Dành của bà con xã viên cũng như Nhân dân trong vùng đang ngày càng hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn, vừa phát huy được tiềm năng của địa phương vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương đồng thời cũng nâng tầm sản vật quê hương, góp phần vào phát triển nông nghiệp toàn huyện”. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc HTX sâm nam núi Dành Việt Lập bày tỏ.

Là một trong ba sản phẩm của tỉnh Bắc Giang được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý (gồm vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế và sâm nam núi Dành) cùng với những dược tính ưu việt sẵn có sẽ làm tăng thêm thương hiệu của sâm nam núi Dành, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, dưới sự quan tâm sát sao của địa phương, vùng trồng sâm nam núi Dành sẽ ngày càng được mở rộng, trở thành vùng dược liệu quy mô lớn của huyện. Qua đó, nhiều diện tích đất rừng sẽ được phủ xanh. Đặc biệt, với nguồn thu nhập khá từ cây sâm nam núi Dành sẽ giúp người dân địa phương, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phú Yên gỡ vướng cho du lịch nông thôn phát triển

DNTH: Phú Yên - Du lịch nông thôn được kỳ vọng khởi sắc khi đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP được ban hành.

Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long

DNTH: UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản...

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD

DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc

DNTH: Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta giảm 68,4% so với tháng 9 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoàng Anh Gia Lai: Tăng cường niềm tin thông qua trải nghiệm thực tế

DNTH: Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; mã chứng khoán HAG) vừa công bố hoạt động dành cho cổ đông với mục tiêu củng cố niềm tin và tăng cường sự gắn kết.

XEM THÊM TIN