Thái Bình: Triển vọng phát triển cho mô hình Hợp tác xã kiểu mới

14:20 | 07/07/2023

DNTH: Sau 10 năm hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, cùng với đổi mới tư duy từ chính người nông dân, nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới tại Thái Bình đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ mở rộng về quy mô mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho một bộ phận không nhỏ người nông dân.

Nhìn từ thực tiễn

Hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Thái Bình có vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ nông dân sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời, Hợp tác xã (HTX) còn có vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. HTX chuyên ngành, lĩnh vực mới được thành lập là mắt xích quan trọng gắn kết người nông dân với thị trường và doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực tại địa phương.

Các HTX đang có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Thái Bình
Các HTX đang có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Thái Bình

Đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Liên hiệp HTX, có 344 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 323 HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 4 HTX nuôi trồng thủy sản, 6 HTX chăn nuôi, 11 HTX trồng trọt với tổng số hộ thành viên HTX là trên 465 nghìn hộ. các HTX đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, hướng dẫn, tổ chức triển khai chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến thành viên; chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. HTX cùng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình thành viên.

Hiện toàn tỉnh có 250 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trên cả nước. Đồng thời, hướng dẫn cho các thành viên áp dụng quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ ổn định chất lượng hàng hóa.

Việc liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp thể hiện khi nhiều cánh đồng mẫu lớn được hình thành. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh Thái Bình có 63 cánh đồng mẫu ở 55 xã, với diện tích 5.802ha, thì đến nay có 15 doanh nghiệp và 120 HTX tham gia vào liên kết với trên 10.000ha diện tích sản xuất. Với thế mạnh sản xuất lúa, toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với 115 HTX. Về liên kết giữa HTX và người dân, năm 2021 tỉnh Thái Bình đã xây dựng 9 mô hình liên kết, đồng thời thành lập mới 9 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản gắn với các địa danh văn hóa, lịch sử của địa phương.

Các HTX đã chủ động, tích cực tham gia vào chương trình OCOP, mỗi xã chú trọng đưa một sản phẩm chủ lực tại địa phương vào sản xuất. Sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng và phong phú, từng bước đáp ứng thị trường. Hiện toàn tỉnh có 18 hợp tác xã xây dựng được 21 thương hiệu có nhãn mác bao bì, 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao, 7 sản phẩm được bán tại các siêu thị và không ít sản phẩm là đặc sản tiêu biểu của các địa phương. Nhiều HTX đã tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì, truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm.

HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương, Thái Bình) - Đơn vị cung cấp sản phẩm Gạo Chợ Gốc đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP
HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương, Thái Bình) - Đơn vị cung cấp sản phẩm Gạo Chợ Gốc đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP

Đáng chú ý đối với những tập thể liên kết, hợp tác ở các thôn, xã, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, người đứng đầu các HTX đã có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh; đa dạng dịch vụ hoạt động phục vụ thành viên HTX và dịch vụ truyền thống cho nông dân tại địa phương; góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên; phát huy vai trò cộng đồng, giúp nông dân trên địa bàn ổn định tổ chức, phát triển kinh tế tại địa phương. Doanh thu bình quân một HTX tăng từ 1,9 tỷ đồng năm 2011 lên 3,3 tỷ đồng năm 2021. Thông qua HTX, đời sống của thành viên được cải thiện đáng kể.

Đặc biệt, trên địa bàn toàn tỉnh, hiện nay có 170 mô hình tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp dù có quy mô nhỏ, tổ chức quản lý và điều hành giản đơn, phạm vi hẹp, hợp tác linh hoạt, gọn nhẹ nhưng đã giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống. Nhiều tổ hợp tác sau khi được thành lập và hoạt động hiệu quả, quản lý điều hành chặt chẽ, sẽ chính là tiền đề để chuyển sang mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012.

Qua thực tiễn tại Thái Bình cho thấy, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là một bộ phận của nền kinh tế, là thành tố không thể thiếu trong các mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; góp phần phát triển cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Với Luật Hợp tác xã năm 2012, nhiều hợp tác xã kiểu mới đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho những người ít có cơ hội tham gia thị trường lao động, tạo bước ngoặt thay đổi bộ mặt nông thôn.

Bên cạnh một số kết quả bước đầu, trước tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Hiện nay, quá trình thực hiện Luật HTX năm 2012 ở Thái Bình vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục như: Trình độ quản lý, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý HTX còn thấp, thiếu tính năng động, sáng tạo; các HTX thành lập mới chưa tạo được bước đột phá trong liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Do vậy để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Thái Bình cần quan tâm, sát sao và có những chính sách thông thoáng, phù hợp với đặc thù của mô hình kinh tế tập thể ở từng địa phương.

Nhân rộng mô hình

HTX kiểu mới đã trở thành mắc xích quan trọng trong thực hiện liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là cầu nối giữa hộ gia đình và doanh nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã có nhiều phương án, giải pháp nhằm nhân rộng, phát triển các mô hình HTX trên địa bàn. Nhờ đó, phong trào HTX ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của chính quyền, nhân dân được nâng lên, số lượng HTX tăng lên đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ… góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhằm phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh Thái Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình đã xây dựng kế hoạch, triển khai hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước.

Theo đó, tỉnh Thái Bình đã lựa chọn được 3 HTX tham gia thí điểm mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 gồm: HTX Sản xuất kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định; HTX Dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương); HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông (Hưng Hà). Đây là 3 HTX tiêu biểu cho mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với các tiêu chí chính như HTX tiểu thủ công nghiệp gắn với phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống; HTX đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

Thái Bình đã và đang tập trung phát triển HTX nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại, tập trung xây dựng các HTX, liên hiệp HTX gắn với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có lợi thế về sản lượng, chất lượng, có giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm. Hai mô hình HTX mới thành lập tại huyện Kiến Xương là ví dụ điển hình về gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

Để thực hiện mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, tháng 8/2021 HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương) được thành lập. Từ diện tích 180ha vụ mùa năm 2021 đến nay đã tăng lên 200ha với trên 1.000 thành viên tham gia sản xuất lúa giống TBR225 và DS1 thương phẩm. Kết quả ngay trong vụ mùa năm 2021, HTX đã không chỉ sấy cho người dân và các đối tác trên 300 tấn thóc, liên kết bao tiêu sản phẩm trên 400 tấn thóc mà còn xây dựng thành công thương hiệu gạo chợ Gốc, đưa ra thị trường trên 40 tấn gạo đặc trưng của quê hương, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Tại xã Bình Định (Kiến Xương), mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa giống cũng được hình thành, cùng với đó là HTX Thương mại dịch vụ và tiêu thụ nông sản xã Bình Định ra đời. Đây là HTX kiểu mới với 24 thành viên, trong đó các thành viên hầu hết là những người tích tụ ruộng với diện tích lớn ở Bình Định. Ngay từ khi thành lập, HTX đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quản lý sản xuất tập trung, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, đem lại thu nhập cao cho thành viên. Điển hình như vụ mùa năm 2021, mô hình đã giúp tiết kiệm được 350.500đồng/sào, năng suất bình quân đạt 222kg thóc khô/sào, giá thu mua 9.800 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Như vậy, giá trị sản phẩm của mô hình so với giá thị trường đã tăng thêm 444.000 đồng/sào.

Đặc biệt, các mô hình Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình được thành lập với 4 HTX thành viên gắn kết từ khâu trồng dược liệu, sơ chế, chiết xuất, chế biến, đóng gói hình thành nên chuỗi các sản phẩm được đăng ký nhãn mác, ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Tại các xã nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã vận động một số tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất lớn để thành lập HTX nhằm liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022 có 2 mô hình HTX được thành lập với 20 lao động và 15 thành viên theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng khuyến khích các HTX tích cực tham gia diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hội nghị, triển lãm, hội chợ, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh; tiếp cận, tham gia thị trường thương mại điện tử. Hỗ trợ các HTX cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội, tạo điều kiện để HTX tham gia xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị làm cơ sở để triển khai nhân rộng mô hình.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phát triển kinh tế xanh phải gắn liền với chuyển đổi số

DNTH: Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Quá trình chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số, đồng thời phải được...

Tạo sinh kế cho 50 nghìn hộ dân xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim

DNTH: Vườn quốc gia Tràm Chim thực hiện nhiều chính sách tạo sinh kế cho 50 nghìn hộ dân sinh sống xung quanh để họ yên tâm làm ăn và hạn chế xâm lấn vào vườn.

Hà Nội nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh

DNTH: Nỗ lực với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, đến nay, trên địa bàn Hà Nội ngày càng hiện hữu nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ vừa bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn, vừa góp phần bảo vệ môi...

Nhân dân vùng cực Nam vững niềm tin đón Xuân mới

DNTH: Còn ít giờ nữa là người dân Cà Mau cùng với người dân khắp nơi sẽ bước vào năm Ất Tỵ 2025. Đón chào Xuân mới với khí thế mới, người dân nơi vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc càng thêm nhiều niềm tin, khát vọng để...

Sửa quy định tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới

DNTH: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 15/1/2025 sửa đổi khoản 8 Điều 1 Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn...

Sóc Sơn chuyển mình mạnh mẽ, nông thôn khởi sắc

DNTH: Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, bộ mặt nông thôn huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) đã có nhiều khởi sắc, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

XEM THÊM TIN