Thanh Hóa: Mỏ đất dùng đắp đê thành “miếng bánh” của doanh nghiệp?

09:22 | 14/08/2019

DNTH: Mỏ đất có tên là núi Ngẵn nằm ở xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa được chính quyền sở tại cấp phép khai thác dùng để đắp đê, nhưng doanh nghiệp lại xem đây là “miếng bánh” khi xẻ núi lấy đi khối lượng đất rất lớn để tẩu tán ra ngoài hòng trục lợi.

Mỏ đất núi Ngẵn được cấp phép khai thác để đắp đê

Cuộc xẻ núi để khai thác đất được thực hiện ngay sau khi văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa ký xác nhận cho Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Xuân – CTCP được khai thác đất. Nhưng không hiểu bằng sự “liên minh’ nào đó mà Công ty Thành Liễu lại “nhảy” vào múc đất đem đi bán và san lấp dự án của riêng mình. Sự kiện động trời này cho đến tận bây giờ vẫn rất cần được làm rõ.

10 tỷ đồng chỉ để đắp đoạn đê hơn 1km?

Khởi nguồn câu chuyện khai thác đất tại núi Ngẵn được bắt nguồn từ bản xác nhận khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của UBND tỉnh Thanh Hóa ký cho Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Xuân vào ngày 22/2/2019, với khối lượng được phép khai thác lên tới 50.00m3, thời gian thực hiện đến ngày 31/2/2019.


Theo Quyết định số 5165/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 và Quyết định số 93/QĐ-UBND ngày 7/1/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý cấp bách đê hữu sông Lèn, đoạn K16=742 – K24+780 trên địa bàn huyện Hậu Lộc, thì UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao mỏ đất đắp đê tại núi Ngẵn, xã Quang Lộc cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa để khai thác đất san lấp phục vụ công trình.

Câu chuyện bất thường xảy ra khi Công ty Thành Liễu – Đơn vị chẳng hề liên quan gì đến dự án nêu trên nhưng lại “nhảy vào” múc đất đem đi bán, thậm chí còn dùng đất đắp đê để san lấp một dự án đối diện với cây xăng Nam Giang trên địa bàn xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc. Theo ông Lê Đình Trung – Hạt trưởng Hạt đê điều huyện Hậu Lộc cho biết, liên quan đến hồ sơ pháp lý do UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt thì Công ty Thành Liễu chẳng có chức năng gì ở đây. Cũng theo ông Trung thì tổng dự án có chiều dài hơn 7km, qua 3 xã gồm: Quang Lộc, Liên Lộc và Hưng Lộc.

Trong đó, vốn hỗ trợ của Trung ương cho tuyến này là 10 tỷ đồng còn lại giao cho tỉnh. Hiện nay tỉnh đang rất khó khăn chưa triển khai được đoạn đê xã Quang Lộc nhưng trước mắt mới có 10 tỷ đồng là tuyến dưới xã Hưng Lộc được đắp hơn 1km với hai cái cống. Trong đó, một cống làm mới với một cống tu sửa. Khi được hỏi các văn bản liên quan đến dự án này, thì ông Trung cho biết, bản thân chỉ có thông tin nắm bắt thế thôi chứ không có quyết định gì cả.

Đất đắp đê thành “miếng bánh” của doanh nghiệp?

Nhẽ ra, các phương tiện khai thác đất tại núi Ngẵn phải được chở đến đắp đê tại xã Hưng Lộc, nhưng viễn cảnh đoạn đê xã Hưng Lộc mà PV ghi nhận được gần đây dường như “vắng bóng” các phương tiện chở vật liệu xây dựng. Tại núi Ngẵn, đất vẫn được khai thác nhưng các phương tiện chở đất không đem đến đê xã Hưng Lộc để đắp mà ngang nhiên chở đến nơi khác để đổ.

Công ty Thanh Liễu mang đất san lấp ngoài phạm vi dự án

Qua điều tra của PV được biết, Công ty Thành Liễu chính là đơn vị trực tiếp “nhảy” vào khai thác đất tại núi Ngẵn. Và chính doanh nghiệp này đã ngang nhiên chở đất đi đổ ở nơi khác, trong đó điển hình là san lấp một dự án đối diện với cây xăng Nam Giang trên địa bàn xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc.

Ông Bùi Hải Hưng – Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết, Công ty Thành Liễu không có tên trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt, khả năng Công ty Trường Xuân là chỗ người ta thuê vận chuyển gì đấy chứ Công ty Thành Liễu không phải nhà thầu. Khi được hỏi người ta có thông báo gì cho UBND xã biết không, thì ông Chủ tịch xã bảo, không…

Ngoài ra, ông Bùi Hải Hưng – Chủ tịch UBND xã Quang Lộc còn cho biết thêm: “Đê ở xã Quang Lộc chỉ mở rộng nâng cấp, mặt đê rộng bao nhiêu cũng chưa cụ thể vì người ta cũng chưa về làm việc với tôi. Người ta chưa hề về làm việc với xã bao giờ cả, mới có thông báo thôi”.

Theo văn bản số: 317/UBND-TNMT do UBND huyện Hậu Lộc ký ban hành ngày 1/4/2019 có nêu: “Qua kiểm tra trong quá trình khai thác, vận chuyển đất san lấp phục vụ công trình xử lý cấp bách đê hữu sông Lèn, đoạn K16+742-K24+780, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, đơn vị khai thác đã vận chuyển đất san lấp phục vụ các công trình dự án ngoài phạm vi của dự án.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, UBND huyện Hậu Lộc đề nghị Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thông Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương đăng ký lịch khai thác, tuyến đường vận chuyển, biển số và trọng tải các xe vận chuyển giám sát chặt chẽ việc khai thác và vận chuyển đất san lấp theo phương án đã được phê duyệt. Thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường trong khai thác và vận chuyển đất san lấp và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển đất ngoài phạm vi dự án.

Một người tên Thành – tự giới thiệu là Giám đốc của Công ty Thành Liễu khi trao đổi với PV đã thừa nhận doanh nghiệp có khai thác đất tại núi Ngẵn đem ra ngoài đổ là sự thật. Ngoài ra, vị giám đốc này còn cho hay, đất được san lấp đối diện với cây xăng Nam Giang trên địa bàn xã Hoa Lộc là đất dự án của Công ty. Còn vì sao Công ty Thành Liễu lại có thể “nhảy” vào để khai thác đất, thì ông Thành lý giải, Công ty có ký hợp đồng Công ty Trường Xuân. Nhưng khi PV được đề nghị cho xem hợp đồng ký kết đó thị vị giám đốc này liền từ chối…

Trước vấn đề nêu trên, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ vào cuộc xử lý như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc kỳ tới.

Xuân Hoàng – Vũ Nhi

Theo: Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hàng trăm hộ dân đề nghị nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng trước thời hạn để làm sân bay Long Thành

Theo UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), có 368 hộ dân có đơn đề nghị nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng trước thời hạn.

Không có "vùng cấm" cho tổ chức, cá nhân phân lô bán nền trái phép

Bộ Xây dựng vừa có công văn số 4221/BXD-TTr trả lời cử tri về việc kiểm tra, giám sát việc xây dựng trái phép, phân lô bán nền tràn lan tại nhiều địa phương.

TPHCM điều chỉnh hệ số giá đất, quy hoạch 7 dự án tái định cư

UBND TP. HCM vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mục tiêu sử dụng đối với 7 dự án tái định cư phục vụ các dự án khu công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.

TP. HCM công bố nhiều vi phạm về đất đai, xây dựng ở quận Thủ Đức và huyện Củ Chi

Thanh tra TP. HCM vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức và huyện Củ Chi giai đoạn 2016 - 2019, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm cần khắc phục, chấn chỉnh.

Hà Nội: Điểm mặt doanh nghiệp chây ỳ trả đất công

UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tăng cường thanh tra, rà soát việc quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công trên địa bàn TP của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuê đất nhà nước.

Ôm mộng chuyển đổi, nhà đầu tư 'săn' đất nông nghiệp hồ Tây

Giá đất nông nghiệp, đất xen kẹt, đất vườn tại quận Tây Hồ, Hà Nội đang được chào bán với mức giá cao ngất từ 40-60 triệu đồng/m2. Người mua đất có niềm tin đó là các thửa đất này đều có thể chuyển đổi sang đất ở....

XEM THÊM TIN