“Thế giới nợ Việt Nam lời xin lỗi”

08:10 | 06/01/2019

DNTH: Cách đây 40 năm, ngày 07-01-1979, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của Pol Pot - Ieng Sary, giải phóng hoàn toàn Phnom Penh. Cuộc tiến công này cũng kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.

40 năm sau sự kiện lịch sử ấy, Đại tướng Phạm Văn Trà (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) vẫn không thể quên được những tháng ngày đỏ lửa trên đất bạn. Ông gọi đó là quãng thời gian mà chính nghĩa đã chiến thắng hung tàn; quãng thời gian mà đoàn quân “bộ đội nhà Phật” theo cách gọi của nhân dân Campuchia đối với quân tình nguyện Việt Nam, nêu cao được tinh thần quốc tế cao cả.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (07-01-1979 - 07-01-2019), Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại tướng Phạm Văn Trà. Việt Nam Hội nhập trân trọng gửi tới quý độc giả.

Đại tướng Phạm Văn Trà, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,

Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng.

“Chúng ta muốn mãi mãi hòa bình với nhân dân Campuchia”

- Thưa ông, xin ông chia sẻ về bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam cũng như cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Thực tế không phải tới tận năm 1977, Pol Pot mới bắt đầu tấn công chúng ta. Ngay từ tháng 4-1975, sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Campuchia, Pol Pot đã thường xuyên xuyên tạc về Việt Nam, cho quân gây rối, xâm lấn lãnh thổ nước ta trên vùng biển biên giới Tây Nam. Thậm chí, chúng còn đánh chiếm đảo Thổ Chu và một số đảo khác, giết hại người dân hết sức dã man.

Vào thời điểm này, sau khi kết thức cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi được phân công tiếp tục ở lại Trung đoàn 1 U Minh; sau đó là Sư đoàn 4 của Quân khu 9 trực tiếp tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu chống sự xâm lược của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary; giành lại chủ quyền của các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà và bảo vệ tuyến biên giới từ Tịnh Biên (An Giang) đến Hà Tiên (Kiên Giang).

Tuy nhiên, tới cuối năm 1976, các cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ nước ta ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn; có nơi vào sâu lãnh thổ nước ta tới 15km làm cho tình hình biên giới Tây Nam của nước ta hết sức căng thẳng. Những cuộc tiến công này không phải là hành động bộc phát mà có sự chỉ đạo mang tính hệ thống và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Và tới đêm 30-4-1977, quân Pol Pot đã sử dụng lược lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới bất ngờ đồng loạt tiến công xâm lược toàn tuyến biên giới phía Tây Nam nước ta.

- Khi nhận được thông tin Pol Pot chính thức xâm lấn lãnh thổ Việt Nam, cảm giác của ông lúc đó như thế nào, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Vào thời điểm đó, tôi đang là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn U Minh 1. Đây là một giai đoạn hết sức đặc biệt khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc. Anh em rất mừng vì vừa mới giải phóng đất nước, hòa bình rồi, sau bao nhiêu năm cuối cùng mới có thể về thăm lại quê hương.

Vì thế, khi nghe tin quân Pol Pot xâm lấn vào lãnh thổ Việt Nam, tôi rất bất ngờ và căm phẫn. Bộ Quốc phòng lúc này quyết định đưa chúng tôi ra ngoài biển để giải phóng các đảo như Thổ Chu, Phú Quốc...

Cần phải nói, đây là chúng ta đánh để bảo vệ Tổ quốc chứ không phải đánh với nhân dân Campuchia. Anh em chiến sỹ khi đó đều sẵn sàng hy sinh để giành lại những đảo mà Pol Pot chiếm đóng.

Vào thời điểm năm 1975, chỉ riêng đảo Thổ Chu, quân Pol Pot đã giết 500 thường dân Việt Nam. Nếu quân đội nhân dân Việt Nam không ra sớm thì ngay cả Phú Quốc cũng rơi vào cảnh tương tự. Chúng ta đã kịp thời giải phóng và bảo vệ được những đảo mà Pol Pot chưa chiếm kịp.

- Vào các năm tiếp theo, chiến sự tại khu vực biên giới Tây Nam tiếp tục leo thang khi quân Pol Pot mở đợt tiến công toàn diện trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Thời điểm đó, tinh thần chung của quân và dân ta như thế nào, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Cuối tháng 4-1977, quân Pol Pot sử dụng lực lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới đồng loạt tiến công xâm lược toàn bộ tuyến biên giới phía Tây Nam. Khi ấy, nhân dân ta, đặc biệt là người dân khu vực biên giới rất hoang mang. Riêng trên tuyến biên giới Quân khu 9, chúng sử dụng 7 tiểu đoàn cùng lực lượng địa phương 2 tỉnh Takeo và Kandan đánh vào 13 đồn Công an vũ trang và 14/16 xã từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương (An Giang).

Lúc ấy, nhân dân ta, đặc biệt là người dân khu vực biên giới rất hoang mang. Mặc dù vậy, gần như ngay lập tức, quân chủ lực từ các Sư đoàn đã được huy động, phối hợp tác chiến cùng với lực lượng vũ trang địa phương và các đồn Công an vũ trang đánh trả địch quyết liệt, bảo vệ dân, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, từng bước hất chúng về phía bên kia biên giới.

Nếu không đánh, người dân vùng biên sẽ còn bị giết hại, còn phải sống trong cảnh khốn khổ. Thấy lực lượng chúng ta đánh thắng như thế, nhân dân rất phấn khởi. Nhân dân ủng hộ nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, tiếp tế cho bộ đội mặc dù điều kiện chung còn rất khó khăn.

Thực ra, cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến bắt buộc chứ không phải chúng ta chủ động. Bản thân chúng ta luôn muốn giữ mối quan hệ hòa bình mãi mãi với nhân dân Campuchia nhưng Pol Pot lại chủ động tấn công, xâm lấn lãnh thổ, buộc chúng ta phải cầm súng. Tất cả đều quyết tâm bảo vệ tới cùng từng thước đất của quê hương.

Cuộc tiến công của chính nghĩa

- Khi Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy chiến tranh sang bên kia biên giới, xuất hiện nhiều luồng dư luận đánh giá chưa thực sự khách quan từ phía quốc tế. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Thực ra, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh chống chế độ Pol Pot của chúng ta có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới, biên cương Tổ quốc. Giai đoạn thứ hai là giải phóng cho nhân dân Campuchia. Giai đoạn cuối cùng từ năm 1980 tới 1985, do nước ngoài ủng hộ nên Pol Pot khôi phục lại lực lượng ở biên giới giáp với Thái Lan.

Riêng đối với giai đoạn chúng ta tiến hành giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, một người Mỹ về sau có nói với tôi như thế này: “Khi quân đội Việt Nam tiến sang Campuchia, cả thế giới đã lên án, kể cả Mỹ, Thế nhưng, cho tới bây giờ, chúng tôi nghĩ thế giới phải cám ơn và ủng hộ Việt Nam vì đã sớm phát hiện và tiêu diệt sớm bọn khủng bố quốc tế.”

Ngay cả nhân dân Campuchia khi đó cũng rất ủng hộ quân tình nguyện Việt Nam. Họ gọi bộ đội Việt Nam là “bộ đội nhà Phật” vì chúng ta đã giải thoát cho hàng vạn người dân Campuchia ra khỏi các trại tập trung.

Đặc biệt, sau đợt đánh cảnh cáo đầu tiên trên đất bạn, khi bộ đội rút quân về nước, người dân Campuchia đã khóc. Họ nói với chúng tôi rằng: Nếu không có bộ đội Việt Nam sang thì họ đã bị giết hết. Họ muốn chúng tôi ở lại, nhưng lúc đó đã có lệnh của Bộ Quốc phòng. Đến khi chúng tôi đánh lần hai và ở lại, bà con người Campuchia rất phấn khởi.

- Cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot trên đất bạn Campuchia của Quân tình nguyện Việt Nam cũng là một cuộc chiến tranh nhân dân, vì nhân dân và dựa vào nhân dân, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Đúng vậy! Khi Quân tình nguyện tiến công sang bên kia biên giới, chúng tôi cũng phải dựa vào dân, phối hợp cùng với quân đội bạn để hình thành được chiến tranh nhân dân. Nhờ đó mới đẩy được lực lượng nằm vùng của Pol Pot trong nhân dân chạy ra. Nếu không được nhân dân ủng hộ thì sẽ khó để thực hiện được điều này vì bọn nằm vùng cũng là dân thôi.

Tôi có một kỷ niệm rất đáng nhớ. Đó là khi đơn vị tôi vào các xã, thôn của nước bạn thì thấy tất cả tượng Phật trong chùa đều bị quân Pol Pot chặt hết đầu. Chúng tôi đã đi nhặt từng bộ phận về lắp lại rồi mời những ông sư trước kia không dám nhận là sư trở về chùa. Nhân dân Campuchia bấy giờ liên tục cảm ơn bộ đội. Cái này chỉ có quân đội Việt Nam mới làm được thôi.

Khi giải phóng xong làng mạc, bộ đội lại xuống làm dân, cùng giúp đỡ dân, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống. Các sư đoàn đã rải quân xuống từng thôn; tìm được người đứng đầu để lập ra chính quyền cơ sở thì bộ đội mới rút. Chính vì vậy, nhân dân càng phấn khởi. Các đồng chí thuộc mặt trận (Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia) cũng đồng tình với cách làm này.

Từ sau năm 1985, khi chúng ta giải phóng được các căn cứ của Pol Pot ở biên giới Thái Lan-Campuchia thì Quân tình nguyện vẫn tiếp tục giúp bạn ổn định tình hình rồi mới rút quân về vào năm 1989.

- Đại tướng đánh giá thế nào về toàn bộ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến tranh chống chế độ diệt chủng Pol Pot 40 năm về trước?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Thứ nhất, thực ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một cuộc chiến của chính nghĩa. Cũng vì sự chính nghĩa mà toàn thể nhân dân đã ủng hộ. Đến khi chúng ta đánh sang Campuchia, yếu tố chính nghĩa tiếp tục thể hiện. Nếu không vì chính nghĩa, nhân dân Campuchia sẽ không bao giờ ủng hộ và cũng sẽ không tiêu diệt được Pol Pot.

Đất nước nào cũng thế thôi, quân đội nước ngoài đánh chiếm nước ấy mà không được nhân dân ủng hộ sẽ không bao giờ thành công. Toàn bộ cuộc chiến ấy là cuộc chiến của chính nghĩa và vì chính nghĩa.

- 40 năm sau chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, Việt Nam và Campuchia tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cùng xây dựng đường biên giới chung hòa bình và hữu nghị. Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác này, thưa Đại tướng?

Đại tướng Phạm Văn Trà: Tôi rất mừng vì hiện nay việc cắm mốc đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã cơ bản hoàn thành. Bây giờ chỉ còn lại một vài đoạn thôi. Nhưng sớm muộn, chúng ta cũng sẽ thực hiện xong. Ta vẫn dựa vào bản đồ thời Pháp cũ đã quy hoạch rồi vì những đường đó là chính xác nhất. Chúng ta cũng mời các chuyên gia của Pháp đến lấy bản đồ để cắm mốc.

Tôi nghĩ, từng bước, hai quốc gia, dân tộc sẽ xây dựng được mối quan hệ hữu nghị, hòa bình để cùng giữ được sự ổn định, làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển đất nước.

  • Xin cám ơn Đại tướng vì cuộc trò chuyện!

TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN