Thời của Tạp chí (phần 4)

15:44 | 08/04/2020

DNTH: Trong phần trước, tôi có viết về sự cảm nhận rằng, trên phạm vi toàn cầu, báo chí hiện đại đang chuyển dần sang xu hướng tạp chí hóa, bằng chứng là nhiều cơ quan truyền thông lớn của các quốc gia có truyền thống hàng trăm năm về báo chí đang tiệm cận gần hơn đến phương thức khai thác thông tin của tạp chí: “Bán” góc nhìn và quan điểm thay vì “bán” tin tức.

Thì đây, The NewYork Times (Thời báo NewYork, viết tắt là NYT) - một biểu tượng thành công hiếm hoi đáng ngưỡng mộ của báo chí thế giới trong việc chuyển đổi “cột trụ” từ báo in truyền thống sang báo online - đã cho thấy phương thức khai thác thông tin kiểu tạp chí đang được họ áp dụng góp phần chuyển đổi nhận thức của cả báo chí lẫn bạn đọc về bản thân khái niệm tin tức và giá trị tin tức.

Sự chuyển đổi này của tờ báo hiện có tới gần 4 triệu thuê bao trả phí để đọc báo online (và gần 1 triệu độc giả mua báo in) được khởi động từ cả chục năm nay, khi họ cảm nhận được độ nguy hiểm và sức ép gia tăng của các loại hình truyền thông số và mạng xã hội lên báo chí truyền thống.

Trong một báo cáo mang tên “Journalism That Stands Apart” công bố vào tháng 1/2017 do 7 nhà báo NYT thuộc nhóm 2020 thực hiện, họ đã chỉ ra những chiến lược và khát vọng của tòa soạn, trong đó khẳng định không bao giờ dừng bước trên con đường sáng tạo và thay đổi liên tục. “Góp phần tái định nghĩa cách thức kể chuyện, NYT đã thu hút một lượng độc giả mà các nhà quảng cáo rất muốn tiếp cận“ - báo cáo viết.

Xin lưu ý rằng, hiện nay NYT là một trong những tập đoàn báo chí hiếm hoi trên thế giới có doanh thu từ độc giả lớn hơn doanh thu quảng cáo. Báo cáo này cũng chỉ rõ: “Độc giả đang khao khát những lời khuyên từ Times, nhưng thường thì chúng ta không làm được điều đó, hay chỉ cung cấp qua những hình thức lấy trọng tâm là báo in…

Giờ chúng ta cần đi những bước tiếp theo. Tòa soạn cần hiểu rõ hơn rằng lượt truy cập trang web, dù là một tiêu chuẩn đáng kể, nhưng không đồng nghĩa với thành công. Cần nhắc lại rằng Times tập trung vào thu hút độc giả đăng ký trả phí chứ không đặt mục tiêu tối đa hóa lượt truy cập trang.

Bất chấp những giả định phổ biến trong tòa soạn, những câu chuyện tin tức thành công và có giá trị nhất thường không phải là những câu chuyện có nhiều lượt truy cập nhất. Một câu chuyện nhận được 100.000 hay 200.000 lượt truy cập và khiến độc giả cảm thấy mình đang được cung cấp một cái nhìn sâu sắc mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác có giá trị với Times hơn một bài viết lan truyền chóng mặt trên mạng nhưng lại chẳng gây ấn tượng được với bất cứ độc giả mới nào”.

Gần đây nhất, người đứng đầu của bộ phận NYT ở nước ngoài (NYT Global) Lydia Plgreen đưa ra dẫn chứng về sự thành công vang dội của một bài báo khai thác thông tin theo kiểu chậm rãi, công phu mang tính độc quyền của NYT (mà cá nhân tôi cho rằng, đó chính là cách khai thác thông tin kiểu tạp chí). Đó là bài báo dài tới 21.000 chữ của cây bút gạo cội N.R. Kleinfield (còn được gọi Sonny) - người có tới 43 năm kinh nghiệm làm việc tại NYT.

Sonny đã dành gần 2 năm để tìm hiểu một người phụ nữ tên là Geri Taylor, ghi lại những trải nghiệm của cô khi mới biết mình mắc bệnh Alzheimer và khoảng thời gian sau đó. Bài viết (bằng 2 thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha) ngay lập tức có được lượng đọc khổng lồ.

Trong hình dung của tôi, điều này đích xác là phương thức tiếp cận của tạp chí, hoàn toàn xa lạ với khái niệm “săn tin” trước đây của các tờ báo kiểu như NYT.

Đáng lưu ý là tuy bài viết dài như vậy nhưng có tới hơn một nửa độc giả đọc câu chuyện cảm động này trên điện thoại di động. Việc này giúp họ có thể theo dõi miệt mài câu chuyện nhiều cảm xúc này mà không cảm thấy bị mất quá nhiều thời gian.

Nhiều người còn bình luận về bài viết trên Facebook, từ đó thu hút được nhiều người đến với bài báo hơn, qua đó bài báo này đã kéo về một số tiền quảng cáo khổng lồ cho NYT. Lydia Plgreen kết luận: “Trong thế giới tin tức lan nhanh chóng mặt trên các mạng xã hội như Twitter và Facebook như hiện nay, chúng ta cần cho độc giả biết rằng chúng ta đặc biệt. Câu chuyện của chúng ta giá trị”.

Câu chuyện về sự thành công của NYT và dẫn chứng về bài báo của Sonny - tôi nghĩ rằng đã phần nào minh chứng cho lòng tin vào thời của tạp chí, hiểu theo một nghĩa rộng hơn, là xu hướng khai thác tin tức theo cách của các tạp chí, nói một cách ngắn gọn là xu hướng “tạp chí hóa” báo chí - vốn được coi là luận điểm chính của tiểu luận này.

Trong suốt lịch sử hàng trăm năm của báo chí thế giới, tạp chí thường được chia làm 2 loại: Tạp chí thông tin hoặc tạp chí nghiên cứu khoa học. Tạp chí thông tin thường đề cập đến các thông tin thời sự chuyên sâu thuộc các lĩnh vực chuyên ngành (chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, thời trang, giới v.v…) còn tạp chí nghiên cứu khoa học là nơi công bố các bài viết mang tính lý luận và học thuật.

Ngoài ra, còn có một số tạp chí thông tin tổng hợp, mà nổi bật là tờ tạp chí thông tin hàng tuần có uy tín lớn nhất thế giới của nước Mỹ: Tờ TIME MAGAZINE ra đời từ năm 1923, xuất bản ở Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông với lượng phát hành riêng tại Mỹ lên tới hơn 4 triệu bản/kỳ.

Như vậy, trên thế giới, sự phân định ranh giới giữa tạp chí với báo chủ yếu được xác định theo hướng: Nội dung của báo có phạm vi phản ánh rộng hơn, nhanh nhạy hơn, thiên về thông tin mang tính tin tức, trong khi phạm vi phản ánh của tạp chí thường hẹp nhưng mang tính chuyên sâu, chuyên ngành hơn và thiên về thông tin mang tính bình luận, phân tích, tổng hợp, đưa ra quan điểm, góc nhìn, bài học. Ranh giới này rất tường minh, nhưng không cụ thể.

Tường minh ở sự khác nhau rõ rệt về cách tiếp cận, khai thác, xử lý đề tài và cuối cùng là lối viết. Nếu như trong một tòa soạn báo, lực lượng tác nghiệp chủ yếu là phóng viên có kỹ năng phát hiện sự kiện, tiếp cận hiện trường và khai thác thông tin một cách nhanh nhất, thời sự nhất thì ở tòa soạn tạp chí, người viết phải là những nhà báo có bút lực thâm hậu, phông văn hóa sâu rộng, có góc nhìn thấu đáo và kỹ năng phân tích, tổng hợp, bình luận đa chiều. Nói cách khác, người viết của tạp chí thường là cây bút phân tích, bình luận chính luận hoặc người đưa ra quan điểm, luận điểm (Journalist), chứ không phải là phóng viên săn tin (reporter) như phóng viên nhật báo.

Không cụ thể ở chỗ,việc phân định khuôn khổ, định kỳ, hình thức của tạp chí và báo có khác nhau, nhưng thường là mang tính ước lệ và không tuyệt đối. Ở Mỹ, nơi báo chí ra đời sớm và phát triển, việc phân định này khá mờ nhạt và mang tính nước đôi, có nghĩa là nó không phải là một lề luật của loại hình mà chỉ đơn thuần là một quy ước về thuật ngữ, định danh mà không định tính. Có thể lấy ví dụ ở ngay một “tượng đài” báo chí của nước Mỹ, đó là tờ Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal – WSJ).

Là tờ tạp chí chuyên ngành về kinh tế - tài chính quốc tế, tên của tạp chí xuất phát từ phố Wall - trung tâm của khu tài chính ở New York. Điều đáng chú ý là tạp chí này xuất bản hàng ngày với khổ lớn. Nhiều năm liền, WSJ là ấn phẩm báo chí có số lượng phát hành lớn nhất của Hoa Kỳ với trung bình 2 triệu bản in/ngày và có tới 33 lần đoạt giải thưởng Pulitzer - một giải thưởng báo chí rất nổi tiếng trên thế giới, vượt xa những tờ báo khổng lồ khác.

Phiên bản internet của tờ tạp chí này là The Wall Street Journal Online xuất hiện năm 1996, ngoài ra WSJ còn có các ấn bản riêng dành cho châu Âu và châu Á.

Như vậy, sự phân định giữa “báo” và “chí” không phải là một chân trời chia đôi cái được phép và không được phép về mặt hình thức xuất bản, mà là một nhát cắt theo cả trục ngang lẫn trục đứng trong cấu trúc nội dung làm hiển lộ bề rộng của thông tin “báo” và chiều sâu của thông tin “chí”.

Trong phần trước của tiểu luận này, khi viết về “cuộc chiến” giành lại vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận trong biển thông tin xã hội của báo chí với phần còn lại của lĩnh vực truyền thông tôi có cho rằng: “Mối quan tâm của chúng ta, những người làm báo, nên đặt ở chính bản thân tin tức, chứ không phải là nền tảng truyền thông, cho dù đó là giấy in, sóng radio,TV hay internet”.

Điều này có nghĩa là trong quá trình phát triển của báo chí dẫu có thay đổi gì chăng nữa thì có những giá trị cũ vẫn còn nguyên vẹn, đó là việc nhà báo phải làm chủ được những kỹ năng cơ bản của việc tường thuật và viết báo, bất kể họ sử dụng công cụ gì hay họ đưa thông tin đến công chúng bằng lọai hình báo chí nào, phương tiện nào. Tuy nhiên, theo cảm nhận của riêng tôi, trong bối cảnh tốc độ viral (lan truyền) tin tức chóng mặt như hiện nay, việc tiếp cận đề tài chậm lại để làm sâu hơn, giá trị hơn và khác biệt hơn so với những tin tưc trên mạng sẽ là một ưu thế vượt trội của tạp chí.

Mặt khác, sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các phương thức thể hiện mang đậm tính tạp chí ở các cơ quan báo chí online, mà Long - form (hình thức sản phẩm báo chí online với các bài viết dài và dung lượng nội dung lớn) và e-magazine (kiểu bài báo đa phương tiện có thể bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới) cũng là một minh chứng cho điều này..

Đến đây, chắc chắn sẽ có một câu hỏi được đặt ra: Vậy tại sao một số các tạp chí trong nước (chủ yếu là những tạp chí điện tử) lại đang đi ngược xu thế báo chí hiện đại, tạo ra vấn nạn khá... ngược đời là “báo hóa tạp chí”, khiến các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí hao tổn không ít thời gian và tâm sức để xử lý?

Ở đây, tôi phải khẳng định rằng, thủ phạm của tình trạng “báo hóa tạp chí” này không phải là những tờ tạp chí đúng nghĩa. Những “ấn phẩm” được gọi là tạp chí này được ra đời khi không có đủ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và đội ngũ nhân sự làm nội dung. Những “tạp chí” quái gở kiểu này không có đội ngũ sản xuất tin bài, toàn bộ việc xuất bản thông tin báo chí dựa trên một nhóm nhỏ nhân sự xào xáo, dẫn nguồn.”

Những nhân sự được gọi là phóng viên được đẩy đi làm kinh tế, không có lương, không có nhuận bút nhưng phải chịu định mức doanh thu hàng tháng. Việc xuất hiện các nhóm được gọi là mang biệt danh IS, “đếm tầng”, nhũng nhiễu, thậm chí tống tiền doanh nghiệp khởi nguồn từ thực trạng này.

Và đương nhiên, những ổ nhóm (theo đúng nghĩa đen của từ này) được gọi là tạp chí đó không cần đếm xỉa đến tôn chỉ mục đích, đến loại hình và phương thức chuyển tải nội dung của cơ quan báo chí cũng là điều dễ hiểu.

Ở một góc độ khác, có một vấn nạn khác mà chúng ta ít lưu tâm đến trong lĩnh vực này, đó là tình trạng “báo cáo hóa” tạp chí, với sự tồn tại của không ít các tạp chí ngành, tạp chí khoa học được bao cấp ngân sách, nhưng cũng không xứng đáng gọi là tạp chí. Lẽ ra, nội dung của tạp chí ngành tuy mang tính chuyên sâu, chuyên ngành, nhưng trước hết phải là những bài viết báo chí, do đội ngũ báo chí tác nghiệp thực hiện, có sự gia công biên tập của tòa soạn thì một số tạp chí coi thường độc giả đến mức, coi tạp chí ngành chỉ là nơi đăng tải những bài phát biểu, những bản cáo cáo tổng kết và cùng lắm có thêm vài bài thơ nghiệp dư để “giải quyết khâu oai” cho cán bộ trong ngành.

Tòa soạn của những “tập hợp tài liệu, báo cáo và thơ nghiệp dư” được cấp giấy phép tạp chí này trở thành nơi bố trí chỗ ngồi cho công chức dôi dư và đốt tiền ngân sách. Trong khi đó, một số tạp chí khoa học lại trở thành nơi “chạy chọt” điểm chác của nghiên cứu sinh trong việc phong học hàm, học vị, khi nó biến thành một tập hợp của các tài liệu, luận văn, công trình nghiên cứu khoa học thuần túy, hoàn toàn thiếu vắng các bài viết nêu quan điểm học thuật thể hiện dưới dạng bài báo phân tích, tổng hợp, bình luận... Đây là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thẳng, nói thật.

N.T.T

(còn tiếp)

Mời quý độc giả đón đọc (phần 5) Thời của tạp chí có tựa đề: Nghề và Nghiệp

Phần 1: Vong thân trước mạng xã hội

Phần 2: Thuốc gây mê của những kẻ nghiện view

Phần 3: Đứng trên vai những người khổng lồ

Phần 4: Cận cảnh và soi chiếu

Theo https://www.nguoiduatin.vn/thoi-cua-tap-chi-phan-4-can-canh-va-soi-chieu-a471602.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng thống Bulgaria kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

DNTH: Tối 27/11, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev rời TP Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ phải gắn với nhiệm vụ tăng tốc bứt phá

DNTH: Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ yêu cầu: Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không được khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh...

Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

DNTH: Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

DNTH: Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân, sáng 21/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến...

Việt Nam tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo

DNTH: Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo trên toàn cầu.

Tri ân các thế hệ nhà giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vị thế trong đào tạo báo chí

DNTH: Ngày 18/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

XEM THÊM TIN