Tích cực xúc tiến thương mại: Thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt

23:09 | 25/08/2023

DNTH: Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng trụ cột này, đang đối mặt nhiều khó khăn, do sụt giảm đơn hàng. Bởi vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu, ngoài kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách, vì khi các nhà phân phối lớn giảm nhu cầu, sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp có thể đứt gãy.

Ứng phó kịp thời…

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023, có nêu: Trong 7 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so cùng kỳ 2022. 

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam

Nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại, linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất. Trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so cùng kỳ 2022; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so cùng kỳ.

“Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải lưu ý.

Thông tin về xuất khẩu hàng dệt may, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Trưởng Văn Cẩm nhận định, chúng ta đang ở trong môi trường biến động khó lường. Hiện 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho xuất khẩu, vì vậy ngành rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, những quy định mới và khó tại EU, Hoa Kỳ, khiến doanh nghiệp trong nước rất lúng túng, do đó, cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của thương vụ. Việc chia sẻ thông tin thị trường sở tại nhanh và chính xác - là rất quan trọng đối với doanh nghiệp. 

Là ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước, ngành gỗ sau 15 năm tăng trưởng dương, dự báo năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đối diện với mức tăng trưởng âm.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Ngô Sỹ Hoài nhìn nhận:

“Kim ngạch xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh, sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số. Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành gỗ, cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, thương vụ trong việc tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường; truyền tải thông điệp thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; thực hiện nghiêm chỉnh quy định của EU”.

Chủ động thay đổi

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng qua, tuy chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh khó khăn, việc giữ được tăng trưởng là sự nỗ lực rất lớn, cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định.

Để phát huy kết quả này, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan.

Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân khuyến cáo:

“Thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng... Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động thay đổi để đáp ứng những quy định nhập khẩu từ phía EU.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU như dệt may, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn. EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc...”.

Theo Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) Đỗ Mạnh Quyền:

“Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của các sản phẩm gỗ, dệt may, da giày; tuy nhiên gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn. Để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu cho các mặt hàng tỷ USD, các doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược - kế hoạch sản xuất, kinh doanh nội địa, xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; đồng thời cải thiện công nghệ sản xuất.

Các doanh nghiệp xuất khẩu, ngoài kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách, vì khi các nhà phân phối lớn giảm nhu cầu, sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp có thể đứt gãy. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương, để ký kết hợp đồng tư vấn nhằm có được cơ hội giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu Bộ Công Thương về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương.

Đồng thời, các thương vụ cần đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ trong công tác phát triển thị trường.

Các thương vụ tăng cường phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, chú trọng nghiên cứu, phân tích, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu; phối hợp với các đơn vị có liên quan, kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan, có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với Vụ Thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, với các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, cần chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các DN trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị; cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.

Theo Thương hiệu & Công luận

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phú Yên gỡ vướng cho du lịch nông thôn phát triển

DNTH: Phú Yên - Du lịch nông thôn được kỳ vọng khởi sắc khi đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP được ban hành.

Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long

DNTH: UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản...

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương

DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD

DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc

DNTH: Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta giảm 68,4% so với tháng 9 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

XEM THÊM TIN