Tiếp nhận lưới điện nông thôn: Gỡ khó từ thủ tục pháp lý

17:45 | 13/12/2020

DNTH: Câu chuyện bàn giao tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) trên địa bàn các tỉnh miền Bắc đến nay vẫn là một bài toán cần lời giải cho từng địa bàn, từng địa phương.

Số liệu thống kê từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho thấy, tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện tiếp nhận LĐHANT năm 2008 đến hết tháng 10/2020, EVNNPC đang bán điện đến 3.996/4.342 xã, đạt tỷ lệ 92,04%; 6.956.417/7.735.756 hộ gia đình, đạt tỷ lệ 89,93%, với khối lượng quản lý là 68.788,84 km đường dây hạ thế, 4.986.394 công tơ 1 pha, 138.804 công tơ 3 pha.

Hiện tại vẫn còn 423 Tổ chức mua buôn điện nông thôn đang kinh doanh bán điện trên địa bàn 346 xã, chiếm hơn 7% số xã và bán điện cho hơn 10% tổng số hộ dân trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc.

Từ chủ trương đến thực hiện

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPC đã báo cáo với UBND các tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và phối hợp địa phương, các chủ tài sản thực hiện tiếp nhận, bàn giao và hoàn trả vốn LĐHANT, lưới điện nông lâm trường quốc doanh, lưới điện thủy nông, lưới điện Quân đội, lưới điện khu vực miền núi, hải đảo, lưới điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước…

Ngay từ năm 2008, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và hướng dẫn của EVN, EVNNPC đã chỉ đạo các công ty điện lực trực thuộc chủ động báo cáo UBND các tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện tiếp nhận LĐHANT của các hợp tác xã, các đơn vị mua buôn không đủ điều kiện, năng lực kinh doanh bán điện và các Ban Quản lý khi hoàn thành dự án năng lượng nông thôn (REII)…

Kết quả từ năm 2008 đến năm 2012, EVNNPC đã thực hiện tiếp nhận được khối lượng lớn tài sản LĐHANT để bán điện trực tiếp cho các hộ dân.

Cụ thể, EVNNPC đã thực hiện tiếp nhận được 3.420 xã, cụm với khối lượng 47.627,5 km đường dây hạ thế, 3.765.647 công tơ 1 pha và 99.272 công tơ 3 pha. Sau khi tiếp nhận, người dân được hưởng giá điện do Chính phủ quy định, lưới điện còn được ngành điện đầu tư cải tạo, nâng cấp, nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng điện, đồng thời là tiền đề để phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Hệ thống điện tại những khu vực đã bàn giao cho ngành điện được đầu tư nâng cấp cải tạo hằng năm, nâng cao tính ổn định cung cấp điện, vận hành an toàn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Thực hiện quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Chính phủ: “Đến năm 2015, EVN phải tổ chức bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện cả nước”,  EVNNPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực về thời gian tiếp nhận LĐHANT, báo cáo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Tổ chức quản lý điện nông thôn có kế hoạch bàn giao LĐHANT xong trong năm 2015 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Từ năm 2016 trở đi nếu các bên có nhu cầu bàn giao thì tự thỏa thuận giữa các chủ thể tài sản lưới điện với EVNNPC theo quy định của pháp luật.

Việc bàn giao tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại nhiều địa phương còn rất chậm. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, đến hết thời điểm 31/12/2015, do số lượng các xã chưa tiếp nhận LĐHANT vẫn còn nhiều, EVNNPC đã kiến nghị với EVN cho phép lùi thời gian tiếp nhận LĐHANT trên địa bàn quản lý và sẽ xây dựng kế hoạch tiếp nhận theo từng năm.

Sau khi được EVN phê duyệt chủ trương và kế hoạch tiếp nhận LĐHANT giai đoạn 2018-2020, với khối lượng dự kiến là 231 xã, cụm với 1.859 km đường dây  hạ thế, EVNNPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực thực hiện tiếp nhận LĐHANT theo kế hoạch đã đăng ký. Tuy nhiên, đến thời hết tháng 10/2020, Tổng công ty mới tiếp nhận được 56 xã, cụm. Còn lại 175 xã, cụm chưa tiếp nhận theo kế hoạch.

Tiếp nhận LĐHANT còn chậm, đâu là nguyên nhân?

Đại diện EVNNPC cho biết có rất nhiều nguyên nhân Tổng công ty chưa hoàn thành việc tiếp nhận LĐHANT để tổ chức bán điện trực tiếp tới tất cả các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.

Ngoài những hợp tác xã đủ điều kiện kinh doanh bán điện hợp pháp, hoạt động đang có hiệu quả, không muốn bàn giao sang ngành điện, còn nhiều hợp tác xã, đơn vị, tổ chức mua buôn hoạt động không hiệu quả nhưng do vướng mắc về cơ chế, thủ tục hoặc chưa thống nhất về giá trị còn lại của tài sản, giá trị hoàn trả của công trình nên không bàn giao hoặc chưa thể bàn giao.

Cụ thể, đối với phần tài sản thuộc dự án REII, hiện tại còn một số địa phương chưa thống nhất được thời gian tính khấu hao công trình từ ngày đưa vào sử dụng đến ngày bàn giao sang ngành điện quản lý.

Ngành điện xác định thời gian tính khấu hao là 10 năm theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 (có hiệu lực từ ngày 10/6/2013) của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Tuy nhiên, các địa phương căn cứ vào thời gian trả nợ theo Hiệp định vay nợ với Ngân hàng Thế giới (WB) là 20 năm, trong đó 5 năm ân hạn quy định thời gian trả nợ vốn vay để tính khấu hao là 15 năm.

Vướng mắc về thủ tục pháp lý là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Ảnh: VGP

Về giải pháp để giải quyết vướng mắc đối với tài sản thuộc dự án REII, EVNNPC đã báo cáo EVN và kiến nghị các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn thủ tục triển khai thực hiện. Trong thực tế, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh còn vướng mắc, hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản thuộc dự án REII khi bàn giao theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn chưa thống nhất để bàn giao dứt điểm tài sản lưới điện

Một nguyên nhân khác gây ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận LĐHANT là tình trạng sau khi hoàn thành xây dựng công trình lưới điện, Ban quản lý dự án giải thể, các thành viên trong Ban quản lý chuyển sang công việc khác, vì vậy việc tập hợp hồ sơ để bàn giao rất khó khăn, kéo dài. Đặc biệt là hồ sơ cấp đất, hành lang tuyến, báo cáo kiểm toán quyết toán vốn dự án, hồ sơ phê duyệt quyết toán vốn dự án,…

Thiếu thủ tục, cơ sở pháp lý, giấy tờ để thực hiện tiếp nhận theo quy định nên EVNNPC không thể “vượt rào“ tiếp nhận.

EVNNPC cho biết còn có vướng mắc đối với phần tài sản ngoài dự án REII. Tại một số khu vực, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân, nhiều tổ chức kinh doanh điện đã tự đầu tư đường dây trung áp và các trạm biến áp. Tuy nhiên hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn đã hết hiệu lực vào 31/12/2009.

Từ năm 2010 đến nay, các bộ, ngành và EVN chưa có văn bản hướng dẫn việc giao, nhận và hoàn trả vốn đối với tài sản lưới điện trung áp nên ngành điện cũng chưa có cơ sở pháp lý để tiếp nhận và hoàn trả.

Đối với các công trình vốn góp của nhân dân hoặc các hợp tác xã, tài sản công trình được hình thành do các xã viên hợp tác xã tự đóng góp hoặc huy động nhân dân đóng góp trong nhiều năm, việc cập nhật, lưu trữ các hồ sơ, thủ tục liên quan trong quá trình đầu tư hình thành tài sản, nguồn vốn đầu tư công trình không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4/12/2013 nên khi giao, nhận không đủ cơ sở để hoàn trả.

Các hợp tác xã mặc dù không bàn giao nhưng vẫn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương hoặc Trung ương để yêu cầu ngành điện phải tiếp nhận và hoàn trả chi phí đã đầu tư nhưng lại không có đủ hồ sơ.

Trong khi đó, EVNNPC là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật, không thể xé rào “lách luật” để đáp ứng yêu cầu của người dân hay chính quyền địa phương. Đây là khó khăn cần phải tháo gỡ từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếp nhận LĐHANT, gỡ khó từ thủ tục pháp lý và chính quyền địa phương

Chủ trương bàn giao lưới điện phân phối, đặc biệt là LĐHANT cho ngành điện quản lý là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước giúp người dân được sử dụng điện với chất lượng bảo đảm hơn, an toàn hơn do lưới điện được đầu tư nâng cấp và người dân sử dụng điện được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ và không phải chịu thêm chi phí qua các cấp trung gian.

Tuy nhiên, để hoàn thành việc tiếp nhận LĐHANT, bán điện trực tiếp tới tất cả các khách hàng sử dụng điện, EVNNPC cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, của các sở, ban, ngành địa phương, trong việc kiểm tra, rà soát và yêu cầu các hợp tác xã kinh doanh bán điện tại các địa phương bàn giao LĐHANT sang cho ngành điện quản lý. Đặc biệt là đối với các hợp tác xã kinh doanh bán điện không đủ năng lực, hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Điều quan trọng nhất trong việc hoàn thành thực hiện tiếp nhận LĐHANT là tháo gỡ khó khăn, bất cập về các thủ tục pháp lý.

EVNNPC sẽ nỗ lực cùng cùng chính quyền địa phương các cấp hoàn thành việc tiếp nhận khi các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để việc bàn giao, tiếp nhận tài sản lưới điện nông thôn được thuận lợi.

Cụ thể, EVNNPC cũng như EVN kiến nghị các bộ, ngành chức năng sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan như Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4/12/2013 của liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao nhận và hoàn trả LĐHANT để bổ sung nội dung hướng dẫn việc giao, nhận và hoàn trả vốn đối với lưới điện trung áp.

Trong đó, cần bổ sung nội dung hướng dẫn về thời gian cách tính khấu hao công trình lưới điện từ ngày đưa vào sử dụng đến ngày bàn giao sang ngành Điện quản lý; kiến nghị bổ sung cơ chế xác định giá trị thực tế tài sản bàn giao hoàn trả đối với những công trình lưới điện do các thành viên Hợp tác xã kinh doanh bán điện, do doanh nghiệp, do người dân đóng góp nhưng khi bàn giao không có hồ sơ hoặc có nhưng không đầy đủ tính pháp lý làm cơ sở để xác định giá trị hoàn trả vốn.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phú Yên gỡ vướng cho du lịch nông thôn phát triển

DNTH: Phú Yên - Du lịch nông thôn được kỳ vọng khởi sắc khi đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP được ban hành.

Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long

DNTH: UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản...

Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương

DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...

Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD

DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...

Xuất khẩu sầu riêng lao dốc

DNTH: Tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta giảm 68,4% so với tháng 9 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

XEM THÊM TIN