Tiếp tục đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp để phát triển kinh tế

16:28 | 16/05/2020

DNTH: Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (2021-2025). Đây là Nghị quyết có ý nghĩa với người dân vì trong 17 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm.

Tiếp tục đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp để phát triển kinh tế

Ảnh minh họa

Hiện nay, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ chính cho nền kinh tế của nước ta vào những lúc khó khăn nhất nên việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được xem là giải pháp thiết thực và nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ. Để bạn đọc hiểu rõ về dự thảo Nghị quyết, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã có trao đổi về dự án Nghị quyết này.

Phóng viên: Lý do Bộ Tài chính đề xuất thêm 5 năm miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp?

Ông Phạm Đình Thi: Việc Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) thêm 5 năm nữa xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Một là, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể:

Tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta”; và đưa ra giải pháp: Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao...”.

Tại Điều 142 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định:“Nhà nước khuyến khích hình thức phát triển kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Hai là, tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, từ đó góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.

Ba là, tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là một giải pháp khuyến nông cần thiết để góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kết nối chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bốn là, tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là biện pháp khuyến nông thông qua thuế, tạo cơ sở cho tập trung đất nông nghiệp để phát triển hình thức kinh tế trang trại và ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong khu vực nông thôn, giảm áp lực lao động đi làm tại các địa phương khác hoặc xuất khẩu lao động, từ đó giúp tăng thu nhập cho lực lượng lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Năm là, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Việc miễn thuế SDĐNN không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo nội dung dự án Nghị quyết thì những đối tượng nào tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, những đối tượng nào không được miễn mặc dù vẫn được giao đất nông nghiệp? Làm sao để đánh giá chính xác các đối tượng trên?

Tại dự thảo Nghị quyết quy định kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN theo quy định Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31/12/2025. Theo đó, tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, kể cả trường hợp đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất, đất mà thành viên nhân giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và đất góp vốn để thành lập hợp tác xã.

Riêng đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp phải nộp 100% thuế SDĐNN trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất (Việc xác định các trường hợp này thông qua hợp đồng nhận thầu giữa các tổ chức được giao đất với tổ chức, cá nhân khác).

Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động như thế nào đến thu NSNN, đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nếu Nghị quyết được thông qua?

Đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Đồng thời, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Xin cảm ơn ông.

Theo TCTC

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Thôn vùng cao ở Lào Cai, trước chìm trong hoa anh túc nay trồng lúa, ngô, cây ăn quả mà giảm nghèo làm giàu

DNTH: Bản Giàng là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương, diện mạo vùng quê nghèo nơi đây đang từng bước thay da, đổi thịt.

Đường hoa nông thôn mới Nam Định, nhìn đâu cũng ra hoa, cây cảnh, cây công trình, làng quê đáng sống

DNTH: Về các miền quê trong tỉnh Nam Định, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những con đường hoa, đường cây rực rỡ, xanh mát. Trong cái nắng chói chang của mùa hạ, những thảm hoa mười giờ, dừa cạn, dứa tím, lạc tiên, chuỗi...

Lào Cai: Nhiều nông dân vùng cao đổi đời nhờ cây tam thất

DNTH: Các xã vùng cao trên của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thường lạnh, mát quanh năm với độ ẩm bình quân từ 70 - 80%; đây là môi trường thích hợp để trồng những loại dược liệu quý, trong đó có cây tam thất. Loại cây có giá trị...

Kon Tum: Hỗ trợ hơn 3.300 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo

DNTH: Ngày 11/2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tiến hành cấp phát miễn phí 3.320 cây giống sâm Ngọc Linh cho 40 hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã Đăk Na và Văn Xuôi.

'Phù thủy' điều khiển cây nhãn thu hoạch quả từ tháng Giêng

DNTH: Trong nghề canh nông, lão Hoàng Quang Tuấn được bà con ở địa phương ví như 'dị nhân' bởi nuôi con nào, trồng cây gì cũng đều thắng đậm hơn người.

Xây dựng nông thôn mới tại Đồng Hưu, Bắc Giang

DNTH: Từ một xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), Đồng Hưu nay đã khoác lên mình diện mạo mới nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Vùng quê nay đã trở nên trù phú, tràn đầy sức sống, đời sống...

XEM THÊM TIN