Tìm sự công bằng cho khối tư nhân

14:36 | 17/05/2019

DNTH: Ưu đãi về thuế, đất đai không dành cho khối doanh nghiệp tư nhân trong khi họ lại đang bị trói buộc bởi thể chế, chính sách và hàng ngàn thủ tục, quy định.

Các doanh nghiệp trong nước bị trói buộc và hạn chế bởi thể chế, chính sách và các quy định đặc thù về lãi suất, tỷ giá, và hàng ngàn thủ tục, quy định. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Tạo bình đẳng” là một trong mười từ khóa mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng cho khối doanh nghiệp tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam diễn ra cuối tuần trước. Tạo bình đẳng, theo Thủ tướng, là kinh tế tư nhân sẽ được bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận vốn, công nghệ, quản trị và nhân lực.

Tuy nhiên, trên thực tế, thiếu công bằng trong việc tiếp cận nguồn lực đang là rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiến lên.

Bức tranh tương phản

Kinh tế tư nhân những năm gần đây nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế khi tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Mặc dù đã có những bước tiến, song thực lực của khu vực này về cơ bản vẫn còn “nhỏ bé, manh mún và yếu kém”. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân trỗi dậy như Vingroup, Hòa Phát, Trường Hải, SunGroup… chưa đủ làm xoay chuyển chân dung tổng thể của khu vực này.

Muốn thúc đẩy sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế, không còn cách nào khác là phải có được những tập đoàn kinh tế lớn, đủ sức làm đầu tàu kéo những doanh nghiệp còn lại phát triển theo. Đây là mô hình đã rất thành công tại Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan...

Nhưng tại Việt Nam, thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, trong suốt 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng lên nhưng số tập đoàn lớn chững lại và có xu hướng giảm.

Hơn nữa, “đội quân thuyền thúng” với 95-97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đặng Quang Khởi, Giám đốc Công ty Nhựa An Lập, nhà cung ứng cấp 2 cho một hãng sản xuất điện tử lớn tại Việt Nam, cho hay trong số hàng chục doanh nghiệp cung ứng sản phẩm nhựa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ có hai doanh nghiệp thực sự của Việt Nam, trong đó có An Lập. “Đây là rủi ro lớn vì đầu ra của chúng tôi chủ yếu phục vụ cho khối FD”, ông Khởi nói.

Nhân lực, công nghệ và quản trị, theo ông Khởi, là những nút thắt mà công ty có quy mô 300 nhân viên này đang phải đối mặt. Lấy ví dụ về nguồn nhân lực, ông cho hay, lao động của công ty biến động hàng ngày, thậm chí, chưa kịp đào tạo xong nhân viên đã chuyển đi nơi khác, dù công ty đã trả lương và chế độ đãi ngộ không thua kém mặt bằng chung. Nguồn nhân lực thấp kéo theo chất lượng quản lý yếu. “Đội ngũ quản lý cấp cao khó tuyển, thường phải đào tạo từ công nhân lâu năm, vừa thiếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản trị khác”, ông nói.

Thiếu nhân lực, thiếu vốn nên doanh nghiệp nhỏ và vừa không dám đầu tư công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, dẫn tới khả năng cạnh tranh kém, khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đồng đều là rào cản chính ngăn doanh nghiệp tư nhân hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng thắt chặt tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và sức khỏe”, theo ADB.

Trái ngược với thân hình còi cọc của khối doanh nghiệp tư nhân là sự cường tráng, khỏe mạnh của doanh nghiệp nước ngoài, thể hiện qua xu hướng “bành trướng” và “gây áp lực” lên khu vực nội địa một cách đáng lo ngại. FDI - khu vực đóng góp tới 20% GDP - lớn nhanh như vậy, một phần nhờ họ có lợi thế vượt trội hơn hẳn doanh nghiệp tư nhân về tài chính, năng lực quản trị, sức mạnh thị trường, trình độ công nghệ và khả năng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhưng, theo ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, lý do quan trọng hơn là họ biết tận dụng những ưu đãi mà Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài những ưu đãi tự nhiên về lao động dồi dào, chi phí thấp, tài nguyên, vị trí địa lý, quy mô và sức tăng trưởng thị trường, các ưu đãi chính sách quan trọng khác là tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, cạnh tranh thu hút giữa các địa phương.

“Những ưu đãi này không dành cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam», ông Thiên nói, “các doanh nghiệp trong nước bị trói buộc và hạn chế bởi thể chế, chính sách và các quy định đặc thù về lãi suất, tỷ giá, và hàng ngàn thủ tục, quy định”.

Sự phân biệt đối xử không nằm ở các câu chữ trong luật, mà theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, Chủ tịch Công ty TNHH Minh Phát 2, nó nằm ở tư duy, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. “Khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, về mặt luật có thể thay đổi rất nhanh vì đó chỉ là câu chữ. Nhưng thay đổi khó khăn nhất là thay đổi cách suy nghĩ, thường ẩn chứa trong quan hệ cá nhân. Khi quan hệ thì người ta dễ bỏ qua các tiêu chuẩn”, ông Hiệp nói.

Cần chính sách công bằng, minh bạch

Để tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế, ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp.

Các cơ quan quản lý phải áp dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các giấy phép “con”, giấy phép “cháu”; đẩy mạnh hơn nữa việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam; cần có cơ chế để khối tư nhân tiếp cận tốt hơn các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ.

Về dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ ngày càng trở nên bình đẳng hơn khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như CPTPP hay FTA giữa Việt Nam và EU, theo ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. “Sẽ có các chương trình riêng nằm trong khuôn khổ các hiệp định nhằm hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân”. Song, để doanh nghiệp trong nước nâng cao được chất lượng sản phẩm, kỹ năng quản trị thì điều quan trọng không kém là phải kết nối được khu vực trong nước và nước ngoài, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ tốt, đặc biệt là chính sách về công nghiệp hỗ trợ.

Còn theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế ADB, trong thời gian tới, chắc chắn dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới. Vấn đề đặt ra là làm sao tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân và thắt chặt sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với doanh nghiệp FDI để tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu.

Trở lại với câu chuyện của ông Đặng Quang Khởi, Giám đốc Công ty Nhựa An Lập, điều mà ông mong muốn là làm sao Nhà nước có chính sách tăng tỷ lệ nội địa hóa của khối doanh nghiệp FDI, giảm cấp phép cho các doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài đang cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nội địa. Đây là mong mỏi của khối doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng là bài toán khó có lời giải cho cơ quan quản lý.

Theo: thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hơn 218.500 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động trong 11 tháng

DNTH: Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 đạt hơn 218.000 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi...

Ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và vận hành khu công nghiệp

DNTH: Nhiều năm kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành khu công nghiệp, ROX Group (tiền thân là Tập đoàn TNG Holdings Vietnam) đã tiên phong phát triển các giải pháp “xanh”, hướng đến phát triển bền vững.

The Sonata: Sống tận hưởng tại “tọa độ quốc tế” bên sông Hàn

DNTH: Là khu thấp tầng hiếm hoi kề sông Hàn, The Sonata thuộc quần thể Sun Symphony Residence với những tiện ích sống chuẩn “hội nhập” hứa hẹn quy tụ cộng đồng cư dân tinh hoa, tạo nên giá trị thương mại sôi động, nhịp sống phồn...

Đồng Nai: Vi phạm môi trường, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bị xử phạt 790 triệu đồng

DNTH: UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt hành chính 790 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam do vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

BCG Energy - 'quân bài' chiến lược trong phát triển bền vững của Bamboo Capital

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục tiêu dẫn đầu xu hướng năng lượng sạch và góp phần vào tương lai bền vững của Việt Nam.

Chỉ số PMI chững lại do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu

DNTH: Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11/2024, tuy nhiên các điều kiện kinh doanh tổng thể cải thiện ở mức độ thấp hơn so với tháng trước đó. Sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại và...

XEM THÊM TIN