Tình trạng khó khăn của chủ đầu tư BOT Thái Nguyên – Chợ Mới từ “góc nhìn” Cienco4

13:43 | 06/11/2018

DNTH: Khó khăn về tài chính của chủ đầu tư dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới không chỉ ở trong những con số như trong công văn “kêu” với Quốc hội. Nó còn được phản ánh một phần và sẽ có tác động không nhỏ đến tình hình tài chính của Cienco4 – doanh nghiệp đang chuẩn bị "lên sàn".

Ảnh minh họa (Nguồn: Cienco4)

Ảnh minh họa (Nguồn: Cienco4)

Tuần trước, chủ đầu tư dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới đã có văn bản đề nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết để dự án được hoàn vốn theo hợp đồng đã thực hiện ký kết với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Lần này, thay vì “kêu cứu” như một số lần trước đó, doanh nghiệp muốn trả lại dự án cho nhà nước, vì áp lực tài chính quá lớn, trong khi nguồn thu không theo phương án ban đầu.

Theo một số nguồn tin, chỉ tính riêng từ ngày 18/5/2017 đến ngày 25/9/2018, số tiền doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng và chi trả chi phí bảo trì, duy trì vận hành dự án đã trên 370,5 tỷ đồng (tiền trả lãi và gốc vay chiếm phần lớn với 340 tỷ đồng). Trong khi đó, số tiền phí thu được là nguồn doanh thu chính từ dự án, lại chỉ vào khoảng 16 tỷ đồng.

Các con số này cho thấy sự mất cân đối thu chi của doanh nghiệp chủ đầu tư nhưng bức tranh tài chính phần nào được khắc họa rõ nét hơn nếu nhìn từ góc độ của cổ đông tham gia góp vốn. Mà ở đây là Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (Cienco4).

Được biết, Cienco4 là một trong những nhà đầu tư trong liên danh Cienco4 – Tuấn Lộc – Trường Lộc tham gia vào dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới, thông qua việc góp vốn thành lập doanh nghiệp chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới.

Tỷ lệ vốn góp của các bên như sau: Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 (Cienco4) góp 34,96 tỷ đồng, chiếm 10%; Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc (Trường Lộc) góp 139,86 tỷ đồng, chiếm 40% và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc) góp 174,82 tỷ đồng, chiếm 50%.

Đáng chú ý, Tuấn Lộc là một trong những cổ đông chiến lược mà Bộ GTVT đã chọn để cổ phần hóa Cienco4 cùng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nhưng sau đó đã thoái vốn chóng vánh.

Cienco4 sắp “lên sàn”

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên đã được kiểm toán năm 2018, tỷ lệ quyền biểu quyết của Cienco4 tại Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới lên tới 33,34% và giá trị góp vốn ghi nhận theo sổ sách là 170,11 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi ích của Cienco4 tại doanh nghiệp này còn cao hơn nữa, đạt tới 49,31%.
Tình trạng khó khăn của chủ đầu tư BOT Thái Nguyên – Chợ Mới từ “góc nhìn” Cienco4 - ảnh 1
Khoản đầu tư vào Công ty TNHH BOT Thái Nguyên Chợ Mới của Cienco4 đã lên tới 170,11 tỷ đồng, chưa kể các khoản cho vay ngắn hạn khác (Nguồn: Cienco4) 

Với trách nhiệm lớn hơn, Cienco4 cũng đã tiến hành hỗ trợ thêm cho chủ đầu tư dự án bằng cách cho vay ngắn hạn.

Trong đó, tính đến ngày 30/6/2018, số dư nợ khoản mục Phải thu về cho vay ngắn hạn của Cienco4 đối với Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới đã tăng từ 255,6 tỷ đồng hồi đầu năm, lên mức 362,816 tỷ đồng.

Tổng số dư nợ các khoản Phải thu về cho vay ngắn hạn tính đến 30/9/2018 tiếp tục tăng lên mức 1.186 tỷ đồng so với mức 986,4 tỷ đồng thời điểm kết thúc Quý 2/2018. Do Cienco4 không có thuyết minh chi tiết về khoản mục này, nên chưa thể có con số cập nhật hơn về số tiền mà chủ đầu tư dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới đang đi vay tập đoàn này.

Cơ cấu tài chính của chủ đầu tư dự án cũng ẩn chứa nhiều rủi ro về thanh khoản ngay từ năm 2017.

Cụ thể, trong Báo cáo thường niên năm 2017, Cienco 4 cho biết Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới có nguồn vốn chủ sở hữu là 345,54 tỷ đồng (trong khi vốn điều lệ là 350 tỷ đồng) nhưng quy mô tổng tài sản lên tới 2.216,4 tỷ đồng.

Chỉ cần thực hiện một phép tính trừ đơn giản, nguồn vốn Nợ phải trả của doanh nghiệp này đã lên tới 1.870,86 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với nguồn vốn Chủ sở hữu. Nếu như chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn Nợ phải trả là từ đi vay ngân hàng, thì đây là một con số đòn bẩy tài chính rất đáng lưu ý và có thể nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Cũng trong báo cáo, Cienco4 cho biết tập đoàn đang gặp và chưa có hướng tháo gỡ từ các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt là từ Bộ GTVT liên quan đến việc chậm triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ liên quan đến dự án này và có khả năng dẫn đến tình trạng “vỡ phương án tài chính”.

Vào đầu tháng 5/2018, trả lời trong một bài viết trên báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Cienco4 cho biết: "Doanh nghiệp dự án đang gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và duy trì dự án hoạt động bình thường. Nếu tiếp tục kéo dài thêm vài tháng, việc mất thanh khoản là điều chắc chắn sẽ diễn ra".

Có lẽ hành động “trả lại dự án” cho nhà nước, đến thời điểm hiện tại, là dấu hiệu về việc chủ đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đang cận kề tình trạng “mất thanh khoản” như điều mà CEO của Cienco4 lo ngại.

Trong phiên trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội diễn ra hôm 31/10 vừa qua, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về tình trạng một số dự án BOT mà nhà đầu tư đã hoàn thành, nghiệm thu rồi nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thu phí hoàn vốn hoặc chỉ cho thu một phần, không đúng với cam kết ở hợp đồng đã ký.

Bộ Trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đang xem xét và xử lý từng trường hợp, trong đó có dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới.

“Những dự án này đã xong rồi nhưng chưa thu phí theo đúng phương án, chỉ thu phí một phần. Chúng tôi có trách nhiệm lớn với nhà đầu tư, với xã hội. Việc này, Bộ sẽ báo cáo từng trường hợp” - vị Bộ trưởng GTVT chia sẻ thẳng thắn.

Dù vấn đề của chủ đầu tư dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới được giải quyết theo hướng nào, có một điều chắc chắn là các khoản công nợ và nợ vay ngân hàng cần phải được phân định rõ ràng.

Hơn nữa, các diễn biến tiếp theo liên quan đến dự án này cũng ảnh hưởng không nhỏ vào viễn cảnh tài chính trong tương lai của Cienco4 khi tập đoàn đang gấp rút chuẩn bị niêm yết trên sàn Upcom vào cuối năm nay./.

Theo Viettimes

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Bầu Đức chi 4.048 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

DNTH: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa thông qua phương án mua lại toàn bộ trái phiếu HAGLBOND16.26 - nhóm B, với tổng giá trị gốc và lãi lên tới 4.048 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình thoát khỏi gánh nặng nợ...

Đảng bộ Cao su Chư Prông thống nhất loạt chỉ tiêu quan trọng cho nhiệm kỳ mới

DNTH: Ngày 24/6, Đại hội đại biểu Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030 đã diễn ra tại huyện Chư Prông (Gia Lai).

Cao su Chư Sê đặt mục tiêu nâng thu nhập người lao động trong nhiệm kỳ mới

DNTH: Đại hội Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê lần thứ XII đã thông qua các chỉ tiêu quan trọng cho nhiệm kỳ 2025 – 2030, trong đó tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và nâng cao đời sống người lao động. Đại hội...

Doanh nhân Hoàng Mai Chung được trao giải “nhà lãnh đạo tiên phong đổi mới, sáng tạo”

DNTH: Tại Lễ trao giải Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam – Industrie 4.0 Awards lần thứ tư, doanh nhân Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Meey Group đã vinh dự được xướng tên ở hạng mục “Nhà lãnh đạo tiên phong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi...

"Ông trùm" lúa gạo Lộc Trời dự kiến lỗ 500 tỷ đồng trong năm 2025

DNTH: CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã CK: LTG) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 14/7 tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Anh hùng Lao động Thái Hương được vinh danh Nhà lãnh đạo xuất sắc trong phát triển bền vững toàn cầu 2025

DNTH: Ngày 13/6, Tạp chí Global Brand (Vương quốc Anh) tổ chức lễ trao giải thường niên Global Brand Awards tại Dubai. Chỉ 3 trong tổng số 31 giải thưởng được vinh danh trên phạm vi toàn cầu, và một trong số đó được trao cho Anh hùng Lao...

XEM THÊM TIN