Truy xuất nguồn gốc để bảo vệ, phát huy thương hiệu tôm giống

10:27 | 04/12/2021

DNTH: Mấy năm gần đây, sản xuất tôm giống được cho là thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận. Để bảo vệ và phát huy thương hiệu, ngành nông nghiệp tỉnh này đã thắt chặt cũng như công khai việc truy xuất nguồn gốc.

Ninh Thuận được mệnh danh là vựa tôm giống lớn nhất nước với hơn 450 cơ sở sản xuất, tổng công suất bể ương nuôi khoảng 150.000 m3. Các đối tượng sản xuất giống chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ốc hương, cá giống. Hàng năm, Ninh Thuận sản xuất được 35 - 40 tỷ con tôm giống, đáp ứng trên 30% nhu cầu tôm giống cả nước.

Ninh Thuận có trên 450 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống, là nơi cung cấp giống tôm chất lượng cho các vùng nuôi trọng điểm trên cả nước, nhất là các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: M.Hậu.
Ninh Thuận có trên 450 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống, là nơi cung cấp giống tôm chất lượng cho các vùng nuôi trọng điểm trên cả nước, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M.Hậu.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung là huyện Ninh Hải, huyện Ninh Phước và huyện Thuận Nam. Nhờ điều kiện khí hậu và môi trường nước biển sạch nên tôm giống Ninh Thuận được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.

Thế mạnh trong sản xuất tôm giống của Ninh Thuận là ngoài các công ty 100% vốn nước ngoài như: Công ty C.P, Việt Úc, Uni, Grobest, Hisenor, cùng nhiều công ty lớn có năng lực sản xuất hơn 1 tỷ con/năm như Công ty Minh Phú, Công ty S6, Hồ Trung, Nam Mỹ...

Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, gần đây, sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận đi theo hướng sản xuất tập trung, phát triển mạnh về quy mô, liên kết các cơ sở nhỏ lẻ để hình thành công ty, doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, sản xuất tôm giống của Ninh Thuận có sự đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học, chú ý đến an toàn sinh học để nâng cao chất lượng con giống.

Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh ở vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL nhằm quản lý chất lượng tôm giống theo chuỗi từ nơi sản xuất tới cơ sở nuôi. Ảnh: LHV.
Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh ở vùng nuôi tôm trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nhằm quản lý chất lượng tôm giống theo chuỗi từ nơi sản xuất tới cơ sở nuôi. Ảnh: LHV.

Xác định ngành sản xuất tôm giống là vốn quý của địa phương, với chức năng nhiệm vụ của mình, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản để bảo vệ thương hiệu tôm giống.

Trong năm 2021, Chi cục đã tổ chức kiểm dịch xuất đi các tỉnh 62.142 lô hàng giống thủy sản với 35,47 tỷ con tôm postlarvae giống; trong đó có 7,71 tỷ con tôm sú và 27,76 tỷ con tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, còn kiểm dịch xuất đi các tỉnh các đối tượng khác, gồm: 6,72 tỷ con Naupliius thẻ chân trắng, 15.419 con tôm bố mẹ, trong đó có 4.349 con tôm sú và 11.070 con tôm thẻ chân trắng; 93,165 triệu con ốc hương giống, 0,35 triệu con cua xanh giống và 3,31 triệu con cá giống các loại.

Theo ông Khánh, về đầu vào, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận phối hợp với Chi cục Thú y Vùng VI (Cục Thú y) đã tăng cường công tác giám sát nguồn tôm nhập khẩu trong suốt thời gian cách ly, đã giám sát 76.183 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ.

Bên cạnh đó, đã thực hiện các xét nghiệm bệnh trong kiểm dịch động vật thủy sản với 16.584 chỉ tiêu mẫu gộp chung cho đợt sản xuất, thực hiện lấy mẫu vào thời điểm tôm giống chuyển sang giai đoạn Postlarvae để đảm bảo tính kịp thời cho sản xuất, vận chuyển con giống và 100% các lô hàng đều được xét nghiệm âm tính với các bệnh nguy hiểm theo quy định.

Việc kiểm soát chất lượng con giống bố mẹ được Ninh Thuận kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh: M.Hậu.
Việc kiểm soát chất lượng con giống bố mẹ được Ninh Thuận kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh: M.Hậu.

Trong đó, thực hiện 5.998 chỉ tiêu mẫu gộp đối với bệnh đốm trắng WSSV; 4.399 chỉ tiêu mẫu gộp đối với bệnh IHHNV (bệnh virus gây hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu); 5.778 chỉ tiêu mẫu gộp đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND). Các xét nghiệm trên đã phát hiện 24 mẫu dương tính với bệnh AHPND, qua đó đã được xử lý tiêu hủy ổ dịch theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Minh bạch nguồn gốc tôm giống

Bên cạnh việc làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu tôm giống, Ninh Thuận còn năng động phối hợp với các địa phương có phong trào nuôi tôm mạnh để lo đầu ra cho tôm giống.

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận, ngành chức năng tỉnh này thường xuyên theo dõi thông tin về lịch thời vụ vào đầu vụ nuôi của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích nuôi tôm lơn như Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau.

Trên cơ sở đó, ngành chức năng Ninh Thuận thông tin đến các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn để chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp, không xuất bán tôm giống vào các địa phương trong khoảng thời gian ngắt vụ.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật danh sách các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn đủ điều kiện theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP (Nghị định 26) của Chính phủ thông qua trang web có  địa chỉ: http://chicuccntyninhthuan.gov.vn đã được thông báo đến các tỉnh phối hợp. Thông tin cung cấp gồm tên cơ sở, địa điểm sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, hình thức sản xuất, ương dưỡng, đối tượng sản xuất.

Toàn bộ nguồn gốc tôm giống tại Ninh Thuận khi xuất bán đều được công khai. Ảnh: M.Hậu.
Toàn bộ nguồn gốc tôm giống tại Ninh Thuận khi xuất bán đều được công khai. Ảnh: M.Hậu.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận còn cung cấp trên trang web danh sách các lô tôm bố mẹ trong thời hạn sinh sản với mục tiêu quản lý giống thủy sản; trong đó, thông tin về thời điểm nhập khẩu đàn tôm, tên cơ sở sản xuất, nguồn gốc, số lượng tôm bố mẹ, số giấy chứng nhận kiểm dịch nhằm giúp cho người nuôi tôm thương phẩm, cơ quan quản lý nơi đến dễ dàng xác minh nguồn gốc.

Kết quả kiểm dịch tôm giống của tỉnh Ninh Thuận được cập nhật thường xuyên vào lúc 17 giờ hàng ngày trên trang web, thông tin cập nhật gồm tên cơ sở sản xuất tôm giống, thời gian kiểm dịch, số lượng, kích thước, đối tượng kiểm dịch, số giấy chứng nhận kiểm dịch, số phiếu kết quả xét nghiệm, nơi nhận hàng, biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển. Qua đó, cơ quan quản lý nơi đến có thể truy cập, nắm bắt thông tin và giám sát các lô hàng tôm giống vận chuyển vào địa phương.

“Chúng tôi thực hiện công tác phối hợp đã 3 năm nay. Người dân các địa phương trên cả nước mua tôm giống của Ninh Thuận, chỉ cần vào trang web của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận sẽ biết được cụ thể ngày giờ lô tôm giống đó xuất đi", ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận chia sẻ.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản trong lần kiểm tra tình hình quản lý chất lượng tôm giống ở ĐBSCL. Ảnh: TL.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản trong lần kiểm tra tình hình quản lý chất lượng tôm giống ở ĐBSCL. Ảnh: TL.

Cũng theo ông Lâm, khi lô tôm giống về đến địa phương mua, họ sẽ truy cập vào trang web để nắm bắt đầy đủ thông tin về lô tôm giống đó, ví như biển số xe chở tôm, tài xế xe, số lượng tôm, loại tôm, giấy kiểm dịch số mấy. Nhờ vậy, đã từng bước xây dựng được thương hiệu và cũng là cách để tôm giống của các địa phương khác không thể trà trộn để tôm giống Ninh Thuận, qua đó ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.

"Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy thương hiệu tôm giống, triển khai thực hiện đề án xây dựng Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao. Trước mắt, chúng tôi tập trung công tác quản lý các cơ sở sản xuất tôm giống theo Nghị định 26 của Chính phủ”.

“Trong quá trình phối hợp quản lý, Ninh Thuận thường xuyên nhận được thông tin đề nghị phối hợp từ các tỉnh vùng nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL như Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau.

Trong công tác phối hợp, có 1 số tỉnh như Long An, Sóc Trăng đã có công văn đề nghị xác minh các trường hợp nhãn hiệu bao bì không trùng khớp với giấy chứng nhận kiểm dịch, xác minh cơ sở sản xuất ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch.

Những trường hợp tôm giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, Ninh Thuận đã phối hợp xác minh, trả lời bằng văn bản cụ thể các trường hợp”, ông Nguyễn Khắc Lâm cho biết.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hội chợ hàng OCOP năm 2024 - tăng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm Việt

DNTH: “Hội chợ hàng OCOP năm 2024” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 20-23/12/2024 tại Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và từ ngày 26- 29/12/2024...

Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 7,2 tỷ USD

DNTH: Ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024, theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Xuất khẩu gạo năm 2024 có thể đạt kỷ lục 9 triệu tấn

DNTH: 11 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 8,5 triệu tấn, các chuyên gia cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt kỷ lục với 9 triệu tấn.

Giá lúa tại Trà Vinh tăng thêm 800 đồng/kg

DNTH: Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, giá lúa tươi đầu vụ Thu Đông tại tỉnh Trà Vinh đã tăng thêm bình quân 800 đồng/kg.

Xuất khẩu nông nghiệp 11 tháng cao kỷ lục

DNTH: Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp 11 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế

DNTH: Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực...

XEM THÊM TIN