Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%

07:53 | 29/12/2023

DNTH: Ngày 28/12, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo trên địa bàn thành phố Pleiku (Gia Lai) đã đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo trên địa bàn thành phố Pleiku (Gia Lai) đã đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo để đạt được kết quả năm 2023.

Định hướng một số nhiệm vụ của Văn Phòng Quốc gia về giảm nghèo trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ: Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng để có thể đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; là năm đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 cũng như nghiên cứu, đề xuất chuẩn nghèo, định hướng giảm nghèo cho giai đoạn 2026 - 2030 theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Do đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm; trong đó, tiếp tục tham mưu, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình còn chồng chéo, bất cập hoặc chưa được ban hành; triển khai, tổng hợp các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và thí điểm các chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình.

Song hành với đó, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo triển khai đồng bộ các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

"Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giảm nghèo, trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý về giảm nghèo tích hợp với cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó, xây dựng, triển khai Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, liên thông dữ liệu vào cơ sở dữ liệu Hệ thống giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia...", Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị.

Báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho thấy, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cuối năm 2023 thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao…

Đặc biệt, năm 2023, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, cho Bộ trưởng - Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong công tác giảm nghèo trong điều kiện biên chế và nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Với chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng về công tác giảm nghèo, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã trình Bộ, cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy định về chuẩn nghèo đa chiều, về cơ chế quản lý để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; giải quyết kịp thời các vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đôn đốc thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên…

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất khẩu gạo tăng hơn 23% về trị giá

DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1, Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng giá trị thấp

DNTH: Lần đầu tiên sau 4 năm, năng suất lao động bình quân cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng sự phân bổ lại không đồng đều giữa các khu vực.

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại

DNTH: Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD

DNTH: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam...

Sở Công thương Gia Lai hoàn thành 36/36 nhiệm vụ được giao trong năm 2024

DNTH: Năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó 100% nhiệm vụ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian quy định.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ có thể đạt 10 tỷ USD

DNTH: Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này có thể đạt 10 tỷ USD năm 2025.

XEM THÊM TIN