Cần sự thay đổi mạnh mẽ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, việc thực thi các thỏa thuận của CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam và 6 nền kinh tế khác cũng như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến năm 2019 sẽ là một năm rất khó lường với ngành dệt may. Chỉ riêng với cuộc chiến thương mại, nếu Mỹ áp thêm 15% thuế với hàng dệt may, cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt và điều này cũng là lý do để Vinatex phải điều chỉnh các chỉ tiêu với mức tăng trưởng 8-9% cho năm 2019.   
Lãnh đạo Vinatex cũng cho biết, theo dự báo, CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, khi dòng thuế suất bằng 0%, giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia… Tuy nhiên, CPTPP có một yêu cầu khắt khe là nguyên tắc xuất xứ. Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may, da giày nói riêng, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may và da giày đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN.        
Theo ông Hiếu, hiện dệt may Việt Nam nhập khẩu tương đối lớn từ Trung Quốc, khoảng 48% nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng sợi, có tới 75%-85% lượng xuất khẩu là sang Trung Quốc. Câu chuyện cạnh tranh về giá, về mẫu mã và chất lượng là bài toán các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tính đến trong thời gian tới.
“Với các Hiệp định CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực, nếu như không cẩn trọng và có bước đi thích hợp, doanh nghiệp Việt sẽ phải nhường thị phần cho các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, con người. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, vừa để tận dụng các lợi thế miễn giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do, vừa để giảm ảnh hưởng nếu có rủi ro kịch bản căng thẳng thương mại với Mỹ trong tương lai. Nếu như vậy, kịch bản tăng trưởng của toàn ngành vẫn sẽ tốt, chỉ có tăng trưởng khu vực doanh nghiệp nội là đáng quan ngại”, ông Hiếu dự báo.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, từ góc độ thể chế và quy tắc, CPTPP có nhiều cam kết tiêu chuẩn cao, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi đáng kể. Các ngành thực phẩm, đồ uống, may mặc, da giày… của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng sản xuất đáng kể nhờ CPTPP. “CPTPP có hiệu lực với Việt Nam đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ phải mở cửa theo cam kết cho các đối tác đồng thời thực hiện các nghĩa vụ về thể chế và quy tắc trong hiệp định. Thử thách cũng phân biệt theo hai nhóm, một là cạnh tranh sẽ phức tạp hơn và gay gắt hơn ngay trên thị trường nội địa; hai là một số các yêu cầu và điều kiện liên quan tới hoạt động kinh doanh sẽ khắt khe hơn, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để tuân thủ sẽ cao hơn”, bà Trang nói.

Không quên sân nhà
 
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, phải thừa nhận một thực tế là so với 10 nền kinh tế khác trong CPTPP, Việt Nam đứng ở cuối. Tuy nhiên, đây là cơ hội chứ không phải bất lợi. Để giải quyết câu chuyện, hãy nhìn vào những con đường các nước trong CPTPP đã đi, những cải cách nào họ đã thực hiện để rút ra bài học cho mình. Khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thể đi những con “đường tắt” trong cải cách để hoàn thiện khả năng cạnh tranh của mình. Ở đây cạnh tranh cũng là động lực tạo ra các cơ hội thay đổi cho Việt Nam.
Theo đại diện WB tại Việt Nam, rõ ràng đây cũng là thách thức và cũng là cơ hội vàng cho Việt Nam khi gia nhập CPTPP. 
“Tôi nghĩ việc thực hiện CPTPP sẽ là động lực tiếp theo để Việt Nam cải cách sâu và rộng trong top 10 nước CPTPP để có lực cạnh tranh với các nước khác, không chỉ trong CPTPP. Cần chú ý cải cách không chỉ sau 1 đêm là xong nhưng cũng phải thấy cải cách là cả quá trình và rất khó, phải thực hiện từng bước một, không cắt được bước nào”, ông Ousmane Dione nói.
Về cơ hội cũng như thách thức của CPTPP, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa b0iên (Bộ Công Thương),  ông Ngô Chung Khanh, cho hay, Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 nước thành viên CPTPP phê chuẩn hiệp định này. Kể từ thời điểm 14/1/2019, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ bắt đầu được hưởng các chế độ cắt giảm thuế. Đổi lại Việt Nam cũng sẽ dành cho các nước trong CPTPP nhiều ưu đãi về thuế theo đúng cam kết và đây là điểm các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.
Theo ông Khanh, để tận dụng các cơ hội mà hiệp định CPTPP mang lại, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc đầu tư về công nghệ, hiệu quả hoạt động, chú ý hơn về nguyên tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ. Về phía cơ quan quản  lý, cần tiếp tục đẩy mạnh các cải cách giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường. Theo đó, cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chăm chăm đi xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới cả đáp ứng nhu cầu trong nước.
“Với trên 90 triệu dân, Việt Nam được ví như một “mỏ vàng” thu hút hầu hết các tập đoàn lớn trên toàn cầu. Nhiều tập đoàn lớn đã mở nhà máy và có kế hoạch đầu tư, khai thác dài hạn tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng rất giỏi trong việc xuất khẩu nhưng cũng đến lúc không được quên giữ sân nhà. Nắm rõ các quy định, cam kết của CPTPP và tham gia các chuỗi cung ứng cũng giúp doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh”, ông Khanh nói.

Ngày 30/12/2018, CPTPP với 11 quốc gia thành viên chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới. Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn sau khi Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019. CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.