Về sai phạm đất đai rừng phòng hộ Sóc Sơn, Chánh Thanh tra HN: “Tiếp tục xử lý nghiêm sai phạm đất đai phủ Thành Chương và nhà ca sĩ Mỹ Linh“

16:51 | 23/03/2019

DNTH: Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội cho biết, Đoàn thanh tra đã phát hiện khoảng 1.700 công trình xây dựng nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn. Trong đó có vi phạm tại công trình Phủ Thành Chương và công trình của gia đình ca sĩ Mỹ Linh.

Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội/ Ảnh: anninhthudo.vn

Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra TP Hà Nội/ Ảnh: anninhthudo.vn

Thanh tra TP Hà Nội vừa chính thức ban hành 02 kết luận thanh tra liên quan đến việc quản lý sử dụng đất rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Qua thanh tra phát hiện hàng nghìn công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ, trong đó có Phủ Thanh Chương và công trình của gia đình ca sĩ Mỹ Linh. Tuy nhiên, theo phản ánh của dư luận, thực tế số lượng công trình vi phạm còn rất lớn.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn An Huy - Chánh Thanh tra TP Hà Nội.

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn?

Trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện có 10 xã và 01 thị trấn có đất rừng phòng hộ được phê duyệt tại Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 của UBND Thành phố về điều chỉnh quy hoạch rừng.

Tuy nhiên, UBND các xã có rừng chưa làm hết trách nhiệm theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ như việc thực hiện thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trong phạm vi địa phương; kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng theo thẩm quyền…

Các phòng ban chuyên môn và UBND huyện Sóc Sơn cũng chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý đối với đất rừng phòng hộ, xử lý các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất rừng phòng hộ; nhiều trường hợp có vi phạm tự chuyển mục đích sử dụng đất rừng, xây dựng công trình chưa được UBND các xã kịp thời ngăn chặn xử lý.

- Xin ông cho biết, thực tế số lượng công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn đoàn thanh tra đã phát hiện?

Qua thanh tra, bước đầu Đoàn thanh tra liên ngành thành phố đã ghi nhận và xác định tại 02 xã Minh Trí, Minh Phú có 688 trường xây dựng công trình trên đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ. Tại 07 xã còn lại có 1.025 trường hợp xây dựng công trình, nhà ở nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, tháng 02/2017 UBND huyện Sóc Sơn đã thành lập Tổ công tác rà soát, thống kê các trường hợp xây dựng trên đất rừng, trong đó đã thống kê 129 chủ sử dụng là các tổ chức, gia đình, cá nhân với tổng số 555 công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp. UBND huyện Sóc Sơn đã xử lý 70/555 công trình vi phạm, đến nay còn 485/555 công trình không bị xử lý.

- Được biết, trong số các công trình vi phạm có Phủ Thành Chương và công trình của gia đình ca sĩ Mỹ Linh. Xin ông cho biết hướng xử lý đối với hai công trình này như thế nào?

Trường hợp thửa đất hộ ông Trương Anh Quân (vợ là bà Đỗ Mỹ Linh) tại thôn Lâm trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn đang sử dụng là do nhận chuyển nhượng của hộ ông Đỗ Xuân Lâm. Năm 1997, ông Lâm được UBND huyện Sóc Sơn cấp GCNQSDĐ.

Năm 2009, hộ ông Trương Anh Quân xây dựng công trình diện tích trên 500m2, phần lớn diện tích xây dựng công trình nằm trong quy hoạch rừng nhưng UBND xã Minh Phú, Lâm trường Sóc Sơn không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Năm 2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường hiệu chỉnh GCNQSDĐ đứng tên ông Đỗ Xuân Lâm (từ 600m2 đất ở xuống 400m2 đất ở và 200m2 đất vườn rừng trồng cây lâu năm) trong khi diện tích 600m2 đã chuyển nhượng cho ông Quân và ông Quân đã xây dựng công trình.

Năm 2015, UBND huyện Sóc Sơn làm thủ tục sang tên và cấp đổi GCNQSDĐ cho hộ ông Quân. Tuy nhiên, đối chiếu hình thể thửa đất cấp GCNQSDĐ lần đầu cho ông Lâm và GCNQSDĐ cấp đổi cho ông Trương Anh Quân thì hình thể thửa đất đã thay đổi theo vị trí công trình xây dựng của hộ ông Quân là không đúng quy định.

Bên cạnh đó, việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn cho hộ ông Trương Anh Quân không phải là người trực tiếp sản xuất được chăm sóc, trông coi, quản lý bảo vệ vườn quả thuộc đất lâm trường là không đúng quy định tại Điều 136 Luật Đất đai.

Thanh tra Thành phố đã kiến nghị xử lý đối với trường hợp của ông Trương Anh Quân - bà Đỗ Mỹ Linh theo quy định của pháp luật.

Đối với Phủ Thành Chương, tại Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006 của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ khu đất Phủ Thành Chương có nguồn gốc là đất quy hoạch rừng đặc dụng, trước đây HTX giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ.

Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh, liên kết, có xác nhận của UBND xã Hiền Ninh, diện tích khoảng 8.342m2.

Sau khi nhận chuyển nhượng ông Nguyễn Thành Chương đã xây dựng không phép công trình kiên cố trên đất. Từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006 đến nay, tại khu đất của ông Chương không phát sinh việc xây dựng công trình mới.

Theo bản đồ quy hoạch rừng năm 2008 tỷ lệ 1/5000 xã Hiền Ninh thì toàn bộ diện tích 8.342 m2 đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Hiện trạng khu đất Phủ Thành Chương được ông Nguyễn Thành Chương xây dựng 30 hạng mục công trình gồm: nhà ở, nhà trưng bày cổ vật, nhà ăn, tháp, giếng đá, ao, khu vệ sinh với tổng diện tích xây dựng 1.800m2; thời điểm xây dựng năm 2001.

Đến nay vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng của Phủ Thành Chương, UBND huyện Sóc Sơn chưa xử lý. Thanh tra Thành phố kiến nghị tiếp tục thực hiện xử lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

“Tiếp tục xử lý nghiêm sai phạm đất đai phủ Thành Chương và nhà ca sĩ Mỹ Linh“ - ảnh 1

Rất nhiều công trình vi phạm tại đất rừng phòng hộ Sóc Sơn/ Ảnh: thanhnien.vn


- Tại sao Thanh tra Thành phố chỉ kiến nghị cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn các xã: Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu. Còn các công trình vi phạm trước đó thì giải quyết ra sao, thưa ông?

Vì đó là các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017- 2018 trên địa bàn các xã đã được UBND huyện thiết lập hồ sơ đủ điều kiện để tiến hành xử lý cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Còn với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, cần phải kiểm tra, rà soát trên cơ sở đó thiết lập hồ sơ và có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.

- Nhiều xã đã chứng thực, xác nhận cho các giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái phép của các cá nhân. Ông đánh giá sao về việc này?

Đối với các trường hợp mua bán chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ có chứng thực, xác nhận vào hợp đồng, giấy tờ mua bán của UBND một số xã, Thanh tra Thành phố đã báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố cho phép chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Qua thanh tra phát hiện, 12 trường hợp tại 4 xã Hiền Ninh, Phù Linh, Quang Tiến, Tiên Dược  mua bán, chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, cụ thể: Phù Linh: 02; Tiên Dược 05; Hiền Ninh 02; Quang Tiến 03 nhưng UBND xã Phù Linh, Tiên Dược, Quang Tiến vẫn xác nhận, chứng thực vào hợp đồng mua bán của các hộ.

- Qua vụ việc này, xin ông cho biết vấn đề trách nhiệm các cấp chính quyền sẽ được xử lý như thế nào?

Về trách nhiệm trong công tác quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Sóc Sơn khi để xảy ra các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trước hết thuộc UBND các xã có rừng phòng hộ, tiếp đến có trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Sóc Sơn như: Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện, Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn (nay là Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện). Bên cạnh đó có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng (giai đoạn từ 2008- đến nay).

Ngoài ra, có trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra về trật tự xây dựng (giai đoạn 2014-2016) và trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về đất đai (giai đoạn từ 2008- đến nay).

Việc này đã được Thanh tra TP kiến nghị cụ thể trong Kết luận thanh tra.

- Xin cám ơn ông!

Theo Viettimes

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hàng trăm hộ dân đề nghị nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng trước thời hạn để làm sân bay Long Thành

Theo UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), có 368 hộ dân có đơn đề nghị nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng trước thời hạn.

Không có "vùng cấm" cho tổ chức, cá nhân phân lô bán nền trái phép

Bộ Xây dựng vừa có công văn số 4221/BXD-TTr trả lời cử tri về việc kiểm tra, giám sát việc xây dựng trái phép, phân lô bán nền tràn lan tại nhiều địa phương.

TPHCM điều chỉnh hệ số giá đất, quy hoạch 7 dự án tái định cư

UBND TP. HCM vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mục tiêu sử dụng đối với 7 dự án tái định cư phục vụ các dự án khu công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.

TP. HCM công bố nhiều vi phạm về đất đai, xây dựng ở quận Thủ Đức và huyện Củ Chi

Thanh tra TP. HCM vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức và huyện Củ Chi giai đoạn 2016 - 2019, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm cần khắc phục, chấn chỉnh.

Hà Nội: Điểm mặt doanh nghiệp chây ỳ trả đất công

UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tăng cường thanh tra, rà soát việc quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công trên địa bàn TP của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuê đất nhà nước.

Ôm mộng chuyển đổi, nhà đầu tư 'săn' đất nông nghiệp hồ Tây

Giá đất nông nghiệp, đất xen kẹt, đất vườn tại quận Tây Hồ, Hà Nội đang được chào bán với mức giá cao ngất từ 40-60 triệu đồng/m2. Người mua đất có niềm tin đó là các thửa đất này đều có thể chuyển đổi sang đất ở....

XEM THÊM TIN