Ảnh minh họa
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hồ Đình Tùng - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) để điều tra tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Trước đó, hẳn chúng ta cũng chưa quên, Quốc hội khoá XIV đã thực hiện bãi nhiệm, thôi nhiệm vụ và không công nhận tư cách đại biểu đối với 9 người. Trong đó, có thể kể đến trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) không được công nhận tư cách đại biểu và ông Phạm Phú Quốc (đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) bị bãi nhiệm vì vi phạm liên quan đến quốc tịch và kê khai tài sản.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng hơn 1 năm (từ tháng 5/2018 đến tháng 9/2019) hai vị trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu. Đó là bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) và ông Hồ Văn Năm (nguyên: Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai) do bị thi hành kỷ luật về Đảng. Đặc biệt, trên cương vị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, ông Hồ Văn Năm được kết luận đã ký văn bản không đúng quy định của pháp luật, có biểu hiện can thiệp vào hoạt động của cơ quan chức năng giải quyết vụ án hình sự.
Các vi phạm, khuyết điểm của các vị nguyên là đại biểu cho nhân dân trên được xác định là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Có thể thấy, Quốc hội đã xử lý một cách nghiêm minh, “không có vùng cấm” đối với các trường hợp đại biểu Quốc hội có vi phạm, khuyết điểm và không còn được cử tri tín nhiệm. Điều đó thể hiện thái độ kiên quyết, không nể nang, né tránh của Quốc hội với những hành vi vi phạm của đại biểu Quốc hội, thực hiện chủ trương làm trong sạch bộ máy cơ quan dân cử, bảo đảm các đại biểu Quốc hội thực sự là những người tiêu biểu, đại diện xứng đáng cho cử tri cả nước.
Tuy nhiên, qua sự việc trên cho thấy bài học kinh nghiệm trong thực hiện quy trình công tác nhân sự; bảo đảm phát huy dân chủ từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định và cả sự hạn chế trong công tác quản lý, giám sát đại biểu của các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Ngày 23/5 tới đây sẽ diễn ra Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 nêu rõ: Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn…”.
Do đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình bầu cử là một yêu cầu tất yếu nhằm lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng nhất, có đủ các tiêu chuẩn, năng lực theo quy định để thực thi nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Tại Phiên họp thứ 5 Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử phải bảo đảm tính liên tục, thông suốt, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn, tiết kiệm để cử tri lựa chọn các ứng cử viên thực sự ưu tú, thực sự đại diện cho quyền làm chủ của người dân tham gia Quốc hội, HĐND các cấp…
Thực tế hoạt động của Quốc hội, HĐND trong những nhiệm kỳ qua cho thấy, chất lượng đại biểu là vấn đề căn cốt quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy, trước hết phải đặt tiêu chuẩn, chất lượng của đại biểu lên hàng đầu, là gốc rễ, không thể vì cơ cấu mà làm hạ thấp chất lượng của đại biểu.
Để trở thành đại biểu Quốc hội và HĐND, các ứng cử viên đều phải trải qua một quy trình gồm nhiều bước với 3 vòng hiệp thương. Đây là các bước sàng lọc để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn và thật sự tiêu biểu, đại diện xứng đáng cho cử tri và Nhân dân. Do đó, quy trình này cần được thực hiện theo đúng luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, đảm bảo tính chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đặc biệt trong khâu lấy kiến cử tri và thẩm định hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền… như Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị yêu cầu.
Ở đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có vai trò quan trọng trong kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội liên quan đến cuộc bầu cử; phản ánh kịp thời vướng mắc, khó khăn từ cơ sở để các cơ quan liên quan tập trung giải quyết nhằm bảo đảm môi trường tư tưởng, dư luận thật tốt, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật.
Mỗi lá phiếu của cử tri sẽ thể hiện quyền lợi và trách nhiệm của công dân, vì vậy các cử tri cần phát huy tối đa quyền làm chủ của mình bằng cách nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; chọn những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, để sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào Quốc hội và HĐND các cấp. Không nên vì tâm lý đám đông hay sự "vận động" không lành mạnh mà đưa ra lựa chọn không đúng đắn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và sự thành công của cuộc bầu cử.
Song, để cử tri thực hiện tốt quyền làm chủ của mình, công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân phải được quan tâm, chú trọng. Đi cùng với đó là bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND các cấp - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có ý nghĩa quan trọng và quyết định thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng và tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, lựa chọn sáng suốt của cử tri cả nước, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ thành công tốt đẹp, thực sự là ngày hội của toàn dân./.
Ý kiến bạn đọc...