9 tháng: GDP tăng trưởng 8,83% cao nhất 12 năm qua

15:29 | 29/09/2022

DNTH: Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc họp, công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý III và 9 tháng năm 2022.

Toàn cảnh cuộc họp báo.
Toàn cảnh cuộc họp báo.

Tham dự buổi họp báo tại điểm cầu trực tiếp có bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cùng các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và các bộ, ngành. Tại các điểm cầu trực tuyến có lãnh đạo, công chức thuộc 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại buổi họp báo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết: “kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.”

GDP quý III tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước (khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam). Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid - 19 xảy ra như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc họp báo. 
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc họp báo. 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.

Về sử dụng GDP quý III/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66%.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022. 
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022. 

Kinh tế 9 tháng tăng trưởng cao nhất 12 năm qua

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2021 - 2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,55%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011 - 2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau:

- Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm

- Ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm

- Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm

- Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm

- Ngành thông tin và truyền thông tăng 7,65%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm.

(Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 2,67%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm do dịch Covid - 19 đã được kiểm soát.)

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5,59%, đóng góp 18,46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37,08%.

42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD

Trong tháng 9, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022. 
Xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%, chiếm 74,1%. Trong 9 tháng năm 2022 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%. Trong 9 tháng năm 2022 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45,5%).

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 xuất siêu 3,86 tỷ USD; 8 tháng năm 2022 xuất siêu 5,38 tỷ USD; tháng 9 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,41 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 118,4% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2022 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 174,6%), trong đó: dịch vụ du lịch đạt 1,9 USD (chiếm 24,1% tổng kim ngạch), tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 45,8%), tăng 164,1%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2022 ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 9,7 tỷ USD (chiếm 49,7% tổng kim ngạch), tăng 25,2%; dịch vụ du lịch đạt 4,7 tỷ USD (chiếm 24,2%), tăng 75,4%. Nhập siêu dịch vụ 9 tháng năm 2022 là 11,2 tỷ USD (trong đó phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu là 6,9 tỷ USD).

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất khẩu gạo tăng hơn 23% về trị giá

DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1, Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng giá trị thấp

DNTH: Lần đầu tiên sau 4 năm, năng suất lao động bình quân cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng sự phân bổ lại không đồng đều giữa các khu vực.

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại

DNTH: Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD

DNTH: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam...

Sở Công thương Gia Lai hoàn thành 36/36 nhiệm vụ được giao trong năm 2024

DNTH: Năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó 100% nhiệm vụ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian quy định.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ có thể đạt 10 tỷ USD

DNTH: Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này có thể đạt 10 tỷ USD năm 2025.

XEM THÊM TIN