ADB hạ dự báo tăng trưởng 2020 của Việt Nam xuống 1,8%

14:40 | 15/09/2020

DNTH: Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam xuống 1,8%. Trước đó, ADB từng dự báo tăng trưởng 2020 của Việt Nam đạt 4,8% và 4,1%.

ADB hạ dự báo tăng trưởng 2020 của Việt Nam xuống 1,8%

ADB hạ dự báo tăng trưởng 2020 của Việt Nam xuống 1,8%

Theo ADB, tiêu dùng nội địa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Triển vọng đầu tư không đồng đều. Đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong sáu tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này.

Sang năm 2021, ADB dự báo đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại.

Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế, và các doanh nghiệp còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn.

Từ phía cung, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn trong năm 2020 do thời tiết khắc nghiệt và sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu bên ngoài và nội địa đều yếu.

Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ bị kìm hãm trong năm nay do xuất khẩu yếu, hạn chế đi lại và lượng cầu nội địa giảm do mất thu nhập và việc làm, mặc dù sẽ tăng trở lại trong năm 2021. Điện thoại và linh kiện điện thoại cùng với hàng điện tử vẫn là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, lần lượt chiếm 18% và 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập giảm và hạn chế di chuyển cũng sẽ cản trở sự phục hồi của ngành du lịch nội địa và quốc tế.

Lạm phát có thể bị đẩy lên do giá hàng hóa cơ bản tăng và thanh khoản tăng do đẩy nhanh đầu tư công. Tuy nhiên, ADB cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu 4,0% của ngân hàng trung ương, do tình trạng tăng trưởng và chi tiêu thấp vẫn kéo dài.

Hoạt động cho vay sẽ vẫn tiếp tục yếu mặc dù ngân hàng trung ương đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ. Về phần mình, các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của doanh nghiệp, do lo ngại gia tăng nợ xấu khi kết thúc thời hạn tái cơ cấu khoản vay. Nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp cũng giảm, đi đôi với lượng cầu thấp đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, tín dụng ngân hàng được dự báo chỉ tăng 10% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng năm 14,0% của ngân hàng trung ương.

Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và ADB dự đoán rằng 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả.

Với số thu thuế giảm do thu nhập và thu từ hoạt động xuất khẩu đều giảm, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội tăng cao và khả năng bổ sung gói hỗ trợ ngân sách trong năm 2020, thâm hụt tài khóa dự báo sẽ tăng lên tương đương 6,0% GDP vào năm 2020, và sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2021. Giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2020 còn chậm, nhưng sẽ tăng tiến độ trong 6 tháng cuối năm, giúp nền kinh tế tiếp tục duy trì.

Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm xuống mức tương đương 1,0% GDP vào năm 2020 và phục hồi nhẹ, lên mức 1,5% vào năm 2021. Mặc dù xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng cuối năm, nhập khẩu dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, giữ cán cân thương mại duy trì thặng dư. Tuy nhiên, mức thặng dư này không phải là một chỉ báo về sức khỏe kinh tế, vì nó phát sinh từ việc sản lượng và nhu cầu đều suy yếu. Trong khi đó, áp lực làm cho tài khoản vãng lai giảm khả năng lớn nhất đến từ nguồn kiều hối, được dự báo sẽ giảm 18,0% trong năm 2020.

Nhận định về triển vọng kinh tế của Việt Nam, ADB cho rằng trong thời gian trước mắt, Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Lê Nguyễn

Theo VNF

https://vietnamfinance.vn/adb-ha-du-bao-tang-truong-2020-cua-viet-nam-xuong-18-20180504224243744.htm

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN