Bên cạnh các số liệu giá thành sản xuất kinh doanh điện được Bộ Công thương công bố hàng năm, tình hình sản xuất và thực trạng tài chính của EVN cũng phần nào được tiết lộ thông qua các báo cáo mà tập đoàn này công bố trên Cổng thông tin doanh nghiệp (business.gov.vn) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
EVN vẫn giữ vị thế độc quyền
Điểm qua một số nét chính trong cơ cấu của tập đoàn EVN, tập đoàn này hiện có 3 tổng công ty phát điện (GENCO 1,2,3) thuộc lĩnh vực sản xuất điện năng; 5 tổng công ty điện lực (PC) kinh doanh điện năng (đóng vai trò bán buôn) đến khách hàng. Phụ trách lĩnh vực truyền tải điện của EVN là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT).
Ngoài ra, theo tìm hiểu của VietTimes, công ty mẹ của EVN còn sở hữu 100% vốn tại một số công ty, nhà máy phát điện có vị trí chiến lược khác.
Tổng quan cơ cấu của ngành điện (Nguồn: FPTS)
|
Trên thực tế, các doanh nghiệp thành viên của EVN vẫn đóng vai trò rất lớn tại các khâu phát điện, điều độ và truyển tải, phân phối và bán lẻ; hay theo một cách diễn giải khác, có thể thấy rằng EVN vừa tham gia, vừa điều hành thị trường.
Do đó, thị trường điện vẫn còn mang đậm tính chất độc quyền và tính minh bạch trong các hoạt động giao dịch, sản xuất kinh doanh điện vẫn là vấn đề được dư luận quan tâm.
Kết quả kinh doanh có lãi nhưng…
Báo cáo tài chính của EVN cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2017, tập đoàn này ghi nhận sự tăng trưởng khá tích cực trong doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, chi phí giá vốn hàng bán và chi phí tài chính cũng có xu hướng tăng dẫn đến lợi nhuận sau thuế còn ở mức khiêm tốn so với quy mô tổng tài sản.
Năm 2017, EVN ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 294.846 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2014 và 8% so với năm trước. Sau khi loại trừ các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này đạt 6.593 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2016, tỷ suất lợi nhuận cũng được cải thiện lên mức 2,2%.
Số liệu cập nhật giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của EVN đạt 161.618 tỷ đồng, tăng 14,79% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.018 tỷ đồng, giảm tới 31,5% so với năm trước.
Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN, số liệu được Bộ Công thương công bố thường niên cũng ghi nhận kết quả tương tự. Bên cạnh doanh thu bán điện, EVN còn ghi nhận thêm thu nhập một số hoạt động liên quan khác như: Thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng; hoạt động tài chính; đầu tư cổ phần.
Trong khi đó, các khoản chi phí liên quan đến sản xuất kinh doanh điện bao gồm các thành phần chủ yếu là: Chi phí khâu phát điện; Chi phí khâu truyền tải điện; Chi phí khâu phân phối; Chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành; Bù giá cho các huyện, xã đảo.
Tính tới năm 2017, doanh thu bán điện và thu nhập từ một số hoạt động liên quan khác của EVN đạt 294.069 tỷ đồng. Sau khi trừ đi tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm là 291.278,46 tỷ đồng, EVN báo lãi 2.792,08 tỷ đồng.
Cần lưu ý rằng, cũng trong khoảng thời gian này, giá điện bình quân cũng được điều chỉnh, từ mức 1.508 đồng/kWh lên mức 1.720 đồng/kWh, nên đã góp phần giúp EVN cải thiện được doanh thu bán điện.
EVN cũng nhiều lần cho rằng việc tăng giá điện sẽ giúp tập đoàn này trang trải các chi phí cho hoạt động sản xuất điện khi giá nguyên liệu đầu vào (than, khí đốt) có xu hướng tăng trong những năm qua.
Hơn nữa, giá thành sản xuất kinh doanh điện vẫn chưa tính tới các chi phí liên quan đến chênh lệch tỷ giá. Khoản chi phí này, tính đến năm 2016, đã lũy kế lên tới 9.795 tỷ đồng, gấp tới gần 5 lần kết quả sản xuất kinh doanh điện trong kỳ mà EVN đã đạt được (năm 2017 số liệu này chưa được công bố).
Mặt khác, việc hạch toán của EVN cũng từng gây nhiều sự chú ý của dư luận. Năm 2017, Bộ Tài chính từng ban hành quyết định truy thu 1.935 tỷ đồng do phát hiện EVN hạch toán sai một số khoản mục.
Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy, EVN đã “quên” hạch toán hơn 4.847 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016. Phản hồi về vấn đề này, EVN cho biết khoản chênh lệch tỷ giá chủ yếu phát sinh từ việc đầu tư xây dựng một nhà máy nhiệt điện có sử dụng nguồn vốn vay từ tổ chức JICA (Nhật Bản).
Đây chỉ là một trong số những dự án được EVN sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài để đầu tư xây dựng các nhà máy điện.
Đáng chú ý, theo một số chuyên gia, giá bán điện của EVN vẫn chưa tính đến các khoản chi phí đầu tư phát triển, mà phẩn lớn được tài trợ bởi nguồn tài chính ODA hoặc các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
Tình hình tài chính của EVN ra sao?
Một số chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN (Nguồn: business.gov.vn)
|
Giai đoạn từ năm 2015 - 2017, EVN đã chi ra tới cả trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn chủ yếu được EVN huy động từ vốn vay (chiếm khoảng 50%) và các nguồn vốn khác. Nguồn vốn từ ngân sách chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ.
Tính đến 30/6/2018, quy mô nguồn vốn của EVN đạt 702.241 tỷ đồng. Trong đó, tổng nguồn vốn đến từ hoạt động vay và cho thuê tài chính đạt 397.466 tỷ đồng, chiếm 56,59%.
Để tìm hiểu chi tiết hơn, người viết đã tham khảo thêm báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán của EVN. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán hợp nhất được công bố (trên Cổng thông tin doanh nghiệp) - chẳng rõ vô tình hay hữu ý - đã “khuyết” đi phần nợ phải trả (bao gồm các thông tin về các khoản vay và nợ thuê tài chính).
Bên cạnh đó, phần thuyết minh cũng không đề cập quá chi tiết đến các khoản vay của EVN mà chỉ cho biết giá trị của các khoản vay và nợ thuê tài chính (tính đến 31/12/2017) đạt 404.444 tỷ đồng.
Ở một góc độ khác, EVN cũng đang trong giai đoạn thực hiện đề án sắp xếp, tái cơ cấu các tổng công ty (2017 - 2020). Một trong những nhiệm vụ đặt ra là thực hiện tái cơ cấu năng lực tài chính, giảm dần tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu để tiến hành cổ phần hóa các tổng công ty phát điện (GENCOs).
Được biết, ngay từ khi thành lập, các GENCOs đều rất khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng, thậm chí nhiều chủ nợ còn không đồng ý việc chuyển giao công nợ từ EVN sang các tổng công ty này khi có tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức đáng lo ngại.
Như VietTimes từng đề cập, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã chia sẻ về phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo hướng tăng thêm 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh, lên thành 1.864,4 đồng/kWh.
Đại diện Bộ Công thương cho biết việc tăng giá điện là một biện pháp cần thiết để “lành mạnh hóa tình hình tài chính” cho EVN và các doanh nghiệp ngành điện, đảm bảo phát triển bền vững. Phương án này dự kiến sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa vào áp dụng từ cuối tháng 3/2019./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...