Bộ GTVT lý giải việc đường sắt yếu kém, lạc hậu

20:31 | 27/05/2019

DNTH: Liên quan đến việc ngành đường sắt yếu kém, lạc hậu, Bộ GTVT cho biết do ngân sách hạn chế, chưa thu hút được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa.

Bộ GTVT lý giải việc đường sắt yếu kém, lạc hậu - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Bộ GTVT "than khó" cho đường sắt vì thiếu vốn

Theo Bộ GTVT, những năm gần đây do nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực đường sắt còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung thực hiện một số dự án để đảm bảo an toàn giao thông.

Trong khi đó khả năng thu hút đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa để phát triển đường sắt chưa được các nhà đầu tư quan tâm do lợi thế thương mại thấp.

Đồng thời, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng hàng năm để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có cũng không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế (chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu) nên kết cấu hạ tầng đường sắt Việt Nam đang trong tình trạng yếu kém, lạc hậu.

Cụ thể là còn nhiều hầm yếu, cầu yếu chưa đồng nhất tải trọng; độ dốc cao, bán kính nhỏ, ray, tà vẹt nhiều chủng loại; trên tuyến có nhiều nút thắt về vận tải; hệ thống tín hiệu, thông tin liên lạc lạc hậu; có nhiều điểm giao cắt với đường bộ ảnh hưởng đến an toàn giao thông…

Được biết, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhu cầu vốn dự kiến khoảng 120.000 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn bố trí để phát triển hạ tầng giao thông nói chung, hạ tầng đường sắt nói riêng vẫn còn rất khó khăn, kế hoạch vốn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 chỉ bố trí được 1.280 tỉ đồng để thực hiện đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có (trong đó phải bố trí 634,525 tỉ đồng trả nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn ứng kế hoạch).

Với nguồn vốn bố trí hạn chế nêu trên, Bộ GTVT cho biết các mục tiêu tối thiểu theo Nghị quyết số 13-NQ/TW và Chiến lược, Qui hoạch phát triển đường sắt trong giai đoạn đến 2020 gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ này, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 trong đó có chủ trương sử dụng 7.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho 4 dự án đường sắt quan trọng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.

Nguồn vốn này cũng giúp từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến (từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m); tăng cường năng lực thông qua (dự kiến từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm) trên trục đường sắt Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát lại thực trạng hạ tầng kết cấu hạ tầng đường sắt, lập và phê duyệt Qui hoạch mạng lưới đường sắt để làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng vận tải đường sắt trong tương lai.

Đối với dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, Bộ GTVT cho biết ngày 14/2/2019 đã có Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

"Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước và giao tổ chức thẩm định theo quy định đối với dự án quan trọng quốc gia, Dự án sẽ được Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án", Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT lý giải việc đường sắt yếu kém, lạc hậu - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Bộ GTVT cải thiện ngành đường sắt thế nào?

Liên quan đến hoạt động vận tải đường sắt, theo báo cáo mới đây của Bộ GTVT, thời gian qua, đơn vị này đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục rà soát các văn bản qui phạm pháp luật để tham mưu sửa đổi cho phù hợp với thực tế nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về vận chuyển hành khách, hành lí và hàng hóa bằng đường sắt.

Ngoài ra, việc rà soát này cũng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và năng lực vận tải hành lí, hàng hóa.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2019, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa.

Cụ thể, đối với vận tải hành khách, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục cải tạo, nâng cấp toa xe và đa dạng hóa sản phẩm trong công tác vận tải hành khách.

Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh trên tàu; tăng cường đào tạo kĩ năng giao tiếp, kĩ năng phục vụ cho đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu.

Tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ trên tàu, dưới ga, cải tiến thủ tục bán vé bằng nhiều hình thức linh hoạt, thuận tiện cho hành khách; thực hiện chính sách giá vé linh hoạt trong thời gian cao điểm và thấp điểm, nâng cao khả năng cạnh tranh qua giá cước...

Đối với vận tải hàng hóa. Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục chủ động phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng lợi thế của các đường sắt chuyên dùng nâng cao sản lượng vận tải...

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục cải tiến, nâng cao năng lực vận tải như cải tiến công tác điều hành tổ chức chạy tàu, áp dụng khoa học công nghệ mới vào công tác tổ chức chạy tàu.

Nâng cao năng lực phương tiện đầu máy, phương tiện toa xe khách, toa xe hàng; đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo Đời sống & Pháp lý

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN