Bỏ tư duy đứng ngoài hoặc không cần phòng bị trên sân nhà

09:15 | 04/08/2024

DNTH: Việc gia nhập sâu vào sân chơi thương mại toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội thị trường cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên trong bối cảnh bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng của các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại mà những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện.

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm tôm đông lạnh phục vụ xuất khẩu tại Công ty Minh Phú (Phường 8, thành phố Cà Mau). Ảnh: Kim Há/TTXVN

Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường trong nước theo các cam kết thương mại cũng đang tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt và cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất trong nước. Để làm rõ hơn những vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các chuyên gia về sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong áp dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế:

Thời gian gần đây, Việt Nam là một trong nhiều trường hợp bị các nước thực hiện những hoạt động điều tra chống bán phá giá hoặc phòng vệ thương mại. Thực tế có câu chuyện doanh nghiệp nước ngoài khai sai xuất xứ và tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, do đó các doanh nghiệp Việt Nam đã bị vạ lây. Tiếp theo, một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong khai báo hải quan, thực hiện các hoạt động về cung cấp giấy tờ minh chứng trong quá trình tham gia chứng minh chống bán phá giá.

Tôi cho rằng hoạt động chống bán phá giá cũng như kiểm soát phòng vệ thương mại sẽ là xu hướng trong thời gian tới và nó phụ thuộc vào nước nhập khẩu bởi đây là quy định cho phép của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các cam kết thương mại. Doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, nắm bắt các yêu cầu của nước nhập khẩu, đồng thời chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như chứng minh giá thành để đảm bảo đó là giá thị trường chứ không phải là giá cạnh tranh không lành mạnh hoặc giá trợ cấp. Bên cạnh đó, vừa chủ động nhận diện những hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu, mặt khác phải xây dựng hàng rào ở trong nước để đảm bảo vừa chống và vừa phòng trong thương mại không biên giới.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law:

Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp một số khó khăn khi ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, đó là sự hiểu biết về các quy định về pháp luật phòng vệ thương mại của quốc gia nhập khẩu là chưa nhiều. Bên cạnh đó, khi bị áp dụng các biện pháp điều tra về phòng vệ thương mại thì chi phí để thuê chuyên gia, luật sư nhằm tiến hành giải trình cho các cơ quan chức năng của nước sở tại rất cao và mất nhiều thời gian.

Một khó khăn nữa là các quy trình, thủ tục của các quốc gia này tương đối phức tạp, kéo dài và đòi hỏi phải có sự hợp tác; trong đó có vai trò của hiệp hội, ngành nghề rất quan trọng. Tuy nhiên các hiệp hội, ngành nghề Việt Nam đang gặp khó trong việc sử dụng hiệu quả các công cụ đang có.

Bên cạnh đó, để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các quốc gia nhập khẩu thì không phải vai trò của một doanh nghiệp đơn thuần mà các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau để tiến hành đáp trả các thông tin, lập luận của đối tượng yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Ở chiều ngược lại, việc doanh nghiệp Việt sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn hạn chế. Doanh nghiệp, hiệp hội chưa có nhiều kinh nghiệm khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại. Để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì đòi hỏi phải có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động điều tra, có số liệu, có lập luận để gửi lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thuận, Trường Đại học Ngoại thương:

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ tập trung vào mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mặt hàng có thể trên một tỷ USD mà gần đây đã xảy ra cả với những mặt hàng mà xuất khẩu không quá nhiều. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề có thể không là doanh nghiệp xuất khẩu trong nhóm chủ lực vẫn có thể nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa tại nước mà mình xuất khẩu đến. Vì vậy, việc cảnh báo sớm và chuẩn bị nguồn lực về nguồn lực tài chính cũng như các nguồn lực khác cần phải nắm rõ để khi có thông tin cảnh báo từ các cơ quan quản lý nhà nước hoặc khi nhận được thông tin về vụ việc thì doanh nghiệp có thể phản ứng kịp thời.

Kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và gần đây Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại thì đây là những tín hiệu tích cực trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên đi kèm với đó là việc giảm thuế, mở rộng thị trường nội địa thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa với doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn. Sức ép cạnh tranh này xuất hiện rất nhiều ở các lĩnh vực mà trước đây có thể là không gặp phải.

Thậm chí gần đây đối với cả mặt hàng gạo thì các quốc gia xuất khẩu trên thế giới cũng mong muốn sẽ xuất khẩu gạo nhiều hơn sang Việt Nam, dù Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Vì vậy, rõ ràng không lĩnh vực nào và không doanh nghiệp nào có thể chủ quan và nghĩ rằng mình có thể đứng ngoài hoặc là mình không cần phòng bị trên sân nhà!

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất khẩu gạo tăng hơn 23% về trị giá

DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1, Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng giá trị thấp

DNTH: Lần đầu tiên sau 4 năm, năng suất lao động bình quân cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng sự phân bổ lại không đồng đều giữa các khu vực.

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại

DNTH: Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD

DNTH: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam...

Sở Công thương Gia Lai hoàn thành 36/36 nhiệm vụ được giao trong năm 2024

DNTH: Năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó 100% nhiệm vụ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian quy định.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ có thể đạt 10 tỷ USD

DNTH: Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này có thể đạt 10 tỷ USD năm 2025.

XEM THÊM TIN