Cách Tập đoàn Xây dựng Miền Trung “vào” các dự án địa ốc ở Thanh Hóa

10:06 | 15/12/2018

DNTH: Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung (Tập đoàn xây dựng Miền Trung) tiền thân là Công ty Xây dựng giao thông thủy lợi Thanh Hóa (TNHH), được thành lập năm 1994 với chuyên ngành chính là xây dựng giao thông thủy lợi vừa và nhỏ, hiện đăng ký trụ sở chính tại tại 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.

Ông Mai Xuân Thông - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Miền Trung. (Ảnh: mientrunggroup.com)

Ông Mai Xuân Thông - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Miền Trung. (Ảnh: mientrunggroup.com)

Đây là một tập đoàn kinh tế địa phương và mang mô hình của một doanh nghiệp gia đình, do doanh nhân Mai Xuân Thực (SN 1954) sáng lập và cùng người thân sở hữu, điều hành.

Là một người con của quê hương xứ Thanh, ông Thực đã gây dựng và đưa Tập đoàn Xây dựng Miền Trung trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của không chỉ Thanh Hóa mà cả khu vực Bắc Miền Trung, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương.

Ở quê nhà Thanh Hóa, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã và đang triển khai hàng loạt dự án quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực địa ốc. Có thể kể đến như: Dự án đầu tư có sử dụng đất Khu dân cư phía Tây đường CSEDP thuộc khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa  (diện tích khoảng 18,8ha); Dự án khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã, tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa (quy mô 48ha); Dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng (diện tích quy hoạch khoảng 30ha);...

Hay gần đây nhất là dự án “Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa” với quỹ đất đối ứng lên đến gần 70ha.

Số lượng và quy mô các dự án phần nào phản ánh tiềm lực và sức ảnh hưởng của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung tại xứ Thanh.

Và có một điểm chung - đến mức đặc trưng - ở cách mà Tập đoàn Xây dựng Miền Trung "vào" các dự án địa ốc quê nhà. Đầu tiên là họ thường đứng chung trong một liên danh. Thứ hai là liên danh của họ thường là nhà đầu tư duy nhất lọt vòng sơ tuyển, rồi sau đó, họ được nhà chức trách Thanh Hóa - áp dụng quy định hiện hành - chỉ định thực hiện dự án. Tất cả đều rất đúng quy trình, hợp lý và hợp lệ!

Chẳng hạn như tại dự án đầu tư có sử dụng đất Khu dân cư phía Tây đường CSEDP thuộc khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa, với tổng quy mô dự án này khoảng 18,8ha.

Ngày 23/3/2018, Liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phúc Thành trở thành cái tên duy nhất trúng sơ tuyển nhà đầu tư. Theo đúng quy trình, tháng 7/2018, Thanh Hóa chỉ định liên danh này thực hiện dự án, quy mô đầu tư dự kiến khoảng 452 tỷ đồng.

Thanh Hóa gọi tên nhà đầu tư nào cho dự án Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông?

Hay như tại dự án có quy mô 48ha - Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam sông Mã (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa). Khi Thanh Hóa sơ tuyển nhà đầu tư, liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty xây dựng và lắp máy Trung Nam - Công ty cổ phần xây dựng phát triển Hòa Bình là cái tên duy nhất được lựa chọn (tháng 06/2018); và sau đó (tháng 10/2018) chính thức trở thành nhà đầu tư dự án theo hình thức chỉ định. Cần thiết phải nhắc rằng, đây là một dự án thực sự "khủng" - không chỉ là xét ở quy mô địa phương - với tổng chi phí thực hiện dự kiến lên đến 4.193 tỷ đồng.

Dự án 30ha Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Quảng Thắng cũng đến với liên danh của Tập đoàn Miền Trung theo hình thức chỉ định thầu. Thú vị ở chỗ, ban đầu khi Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương (Minh Hương) "một mình một ngựa" tham gia sơ tuyển dự án, họ đã bị đánh trượt - với lý do “không đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các tiêu chí đánh giá của hồ sơ mời sơ tuyển”.

Ít tháng sau, Thanh Hóa thực hiện sơ tuyển lại. Minh Hương tiếp tục tham gia. Và lần này thì họ thành công. Nhưng khác lần trước, lần này Minh Hương không "độc hành", họ chọn cách liên danh với... Tập đoàn Xây dựng Miền Trung.

Cách Tập đoàn Xây dựng Miền Trung “vào” các dự án địa ốc ở Thanh Hóa - ảnh 1
 Tập đoàn Xây dựng Miền Trung là chủ đầu tư của nhiều dự án tại tỉnh Thanh Hóa.

Dự án BT: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê

Không chỉ là với các dự án có sử dụng đất vừa nêu, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung còn được chỉ định theo đúng quy trình ở cả dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Mà cụ thể là dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.

Con đường đến với dự án này của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung có khác với các dự án trên - bởi những quy định đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), nhưng mấu chốt cuối cùng Tập đoàn này cũng liên danh với một đối tác khác và vẫn được tỉnh Thanh Hóa chỉ định thực hiện dự án quen thuộc.

Phải nói rằng dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa mở rộng. Bởi trước đó dự án đã được tỉnh Thanh Hóa thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên đến năm 2015 vẫn chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch mà mới chỉ hoàn thành được một số hạng mục.

Tháng 11/2015, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung có văn bản đề nghị với Thanh Hóa được thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT.  và được đồng ý chủ chương thực hiện. Trên cơ sở tham mưu của các sở ban ngành có liên quan, tháng 12/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Nguyễn Đình Xứng - ra văn bản khẳng định sự đồng ý về mặt chủ trương và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở hướng dẫn Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thực hiện dự án.

Tháng 3/2016, tỉnh Thanh Hóa chính thức phê duyệt đề xuất Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Đơn vị đề xuất, dĩ nhiên, là Tập đoàn Xây dựng Miền Trung.

Khi này, theo đề xuất được phê duyệt, tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 90,996 tỷ đồng - do nhà đầu tư tự huy động. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được giao thực hiện một dự án khác để tạo vốn đối ứng. Và dự án đối ứng ấy được dự kiến là dự án "Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa", quy mô khoảng 70,8ha, tọa lạc tại phường Quảng Thành, Tp. Thanh Hóa.

Sau đó khoảng một năm, vào tháng 4/2017, đề xuất dự án trên đã bị điều chỉnh. Theo đó, quy mô đầu tư của dự án đã được bổ sung thêm khu công viên cây xanh khu vực trước khu di tích, với diện tích khoảng 1,36ha. Điều chỉnh này đã khiến tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án tăng lên 267,222 tỷ đồng - tức là gấp khoảng 3 lần quy mô tại đề xuất cũ. Phụ lục đính kèm quyết định phê duyệt điều chỉnh cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án bị "đội lên" chủ yếu do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để lấy đất làm khu công viên cây xanh.

Đáng nói là trong khi tổng mức đầu tư của dự án BT đã nhân lên 3 lần, thì quy mô dự án đối ứng không những không được điều chỉnh tăng lên mà ngược lại - còn thu hẹp đi gần 3ha, về chỉ còn khoảng 67,85ha - vẫn là tại Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa.

Điều này cho thấy, ngay từ ban đầu, khu đất dự kiến được dùng để "đổi lấy hạ tầng" đã có giá trị cao gấp nhiều lần so với quy mô đầu tư dự án BT (Dĩ nhiên, việc thực hiện thanh toán, quyết toán "đất" cho nhà đầu tư BT sẽ còn trải qua rất nhiều bước quy trình chặt chẽ).

Xuất phát điểm, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung chỉ là đơn vị đề xuất dự án BT. Để trở thành nhà đầu tư thực hiện dự án, họ phải tham gia đấu thầu - từ vòng sơ tuyển, bình đẳng như mọi cái tên khác (nếu họ có nhu cầu).

Nhưng đấy là lý thuyết, còn trên thực tế, rất rất hiếm khi đơn vị đề xuất dự án lại không trở thành nhà đầu tư được lựa chọn. Và diễn biến ở dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê thuận theo thông lệ.

Ngày 09/8/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa chính thức phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Thái Miếu Nhà Hậu Lê”. Không bất ngờ khi Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đã trúng tuyển. Tuy vậy, họ không đứng riêng mà nằm trong một liên danh: Liên danh Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty Hòa Bình.

Họ được Thanh Hóa chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án BT này. Trước đó, chính họ và duy nhất họ lọt vòng sơ tuyển - giống như cách mà Tập đoàn Xây dựng Miền Trung "vào" các dự án sử dụng đất được đề cập ở phía đầu bài viết. 

Tập đoàn Xây dựng Miền Trung mang bản chất là một công ty gia đình, được sở hữu và chi phối bởi gia đình ông Mai Xuân Thực (SN: 1954). Những năm gần đây, ông Thực đang từng bước thực hiện các hoạt động chuyển giao Tập đoàn sang cho thế hệ "F1". Ông Mai Xuân Thông (SN 1979) – con trai ông Thực – hiện đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này.

Theo đăng ký thay đổi ngày 27/01/2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ lên đến 2.689 tỷ đồng. Ông Mai Xuân Thực góp 1.281 tỷ đồng (tương đương 47,66% vốn điều lệ), bà Lê Thanh Hoa góp 1.198 tỷ đồng (tương đương 47,67% vốn điều lệ), còn bà Nguyễn Thị Dinh đã chuyển nhượng hết cổ phần.

Chủ tịch Tập đoàn Miền Trung - ông Mai Xuân Thông hiện còn được biết đến trên vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, đồng thời là một trong số 71 Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020./.

Theo Viettimes

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo khu vực về hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng với biến đổi khí...

DNTH: Ngày 5/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Châu Á vì sự phát triển nông thôn bền vững (AFA) tổ chức Hội thảo khu vực chương trình APFP- FO4A về hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững thích ứng với...

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

XEM THÊM TIN