Cái tôi tích cực, cái tôi tiêu cực của nhà báo

18:28 | 31/01/2019

DNTH: "Nhà báo có một vai trò rất lớn trong việc kết nối xã hội. Do đó, cái tôi của nhà báo không thể chỉ vì bản thân nhà báo, mà nó cần phải vì những giá trị chung, hướng tới cái chung của xã hội. Cái tôi của nhà báo cần phải là một cái tôi khách quan, cái tôi liêm chính, cái tôi minh triết"- Trung tá, nhà báo Hồ Quang Phương (Báo Quân đội Nhân dân) chia sẻ quan điểm về cái tôi của người làm báo.

Một nhà báo mà thiếu cái tôi thì sẽ là một nhà báo không có bản sắc, đọc bài báo của anh/chị ấy giống như ăn rau luộc mà thiếu nước chấm vậy. Không dừng ở chuyện “đậm”, hay “nhạt” ở kỹ năng viết để tạo ra sức cuốn hút của bài báo, mà một bài báo thiếu cái tôi phần nào thể hiện việc nhà báo không đặt mình vào bài báo, không rút ruột để viết từng chữ, từng lời bình trên tác phẩm báo chí ấy. Thế nhưng, cái tôi của nhà báo nếu bị thể hiện thái quá, nếu để nó đứng trên tất cả, thì lại trở thành một thứ chất độc hại cho xã hội và cho chính bản thân nhà báo.

Tôi còn nhớ rõ, khi còn là một sinh viên báo chí thực tập, tôi đã từng hỏi một nhà báo đàn anh rằng: “Bí quyết nào để viết một phóng sự hay, một bài báo hay?”. Không đưa ra một mớ lý thuyết giống như tôi hình dung, nhà báo đàn anh ấy chỉ trả lời đơn giản: “Em cứ viết như đang kể chuyện, chia sẻ với một người bạn mà mình vô cùng yêu quý. Mình viết bài báo để muốn đưa tới những thông tin, những thông điệp tốt nhất cho người ấy”.

Câu trả lời ngắn ngọn, đơn giản ấy hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc về trách nhiệm của nhà báo đối với bài báo của mình, đối với những thông điệp mà mình chia sẻ với độc giả, với xã hội. Các nhà báo cần phải coi độc giả, khán giả như người bạn thân của mình, thậm chí coi độc giả như chính bản thân mình. Bởi chẳng ai muốn đem lại những điều tồi tệ cho bản thân và cho những người mình yêu thương cả. Ở đây, tôi không dùng cụm từ “nhà báo chân chính”, bởi vì phải chăng chúng ta nên mặc định mọi nhà báo phải là chân chính. Tiêu chuẩn để trở thành nhà báo là sự chân chính. Không thể có những nhà báo không chân chính, không tử tế, vì như thế, tác hại đến xã hội là khôn lường.

Trở lại với vấn đề cái tôi của nhà báo. Cái tôi của nhà báo là rất cần thiết. Nhưng hiểu cái tôi thế nào cho đúng? Làm sao để cái tôi có thể giúp cho bài báo trở nên sâu sắc hơn, hữu ích hơn cho độc giả, cho xã  hội?

 

Gần đây, có nhà báo nói với tôi rằng: “Dường như hiện nay cái tôi của không ít nhà báo đang bị làm quá?”... Như thế, đối với những người xung quanh hay rộng hơn là đối với xã hội, dường như “cái tôi bị làm quá” ấy đang gây ra những tác động tiêu cực.

Có lẽ phần lớn chúng ta đều cho rằng cái tôi là thứ của riêng mình. Như thế cái tôi của nhà báo là giá trị của riêng nhà báo ấy. Thế nhưng, có cảm giác ở một số trường hợp thì cái tôi của nhà báo lấn át tất cả và thậm chí cái tôi ấy có thể chỉ phục vụ lợi ích của riêng nhà báo. Ví dụ như, trên game show truyền hình, một nhà báo được mời nhận xét về một vấn đề gì đó. Nhà báo đó luôn cố tình tạo dựng cho mình một hình ảnh khác biệt bằng những nhận xét gây tranh cãi, trong đó có những nhận xét không hợp lý. Và nhà báo ấy “sống” nhờ sự tranh cãi ấy, thậm chí có thể nói rằng “sống” nhờ việc tạo ra một hình ảnh phản diện. Như thế, nhà báo ấy tồn tại không phải vì xã hội mà chỉ vì bản thân mình, không phải để cung cấp cho xã hội những cái nhìn khách quan, nhận thức minh triết, mà chỉ khiến nhận thức trở nên rối rắm hơn, đáng lẽ phải giúp cho công chúng bình thản hơn thì lại làm cho công chúng bức xúc hơn vì những việc không đáng.

Sự xuất hiện của mạng xã hội khiến cách thức, phong cách thể hiện của nhà báo cũng có nhiều thay đổi. Trước đây, nhà báo chỉ có một kênh duy nhất để thể hiện quan điểm của mình trước công chúng, đó là tác phẩm báo chí được đăng tải, truyền tải trên tờ báo, trên kênh phát sóng. Thế nhưng hiện nay nhà báo có thêm một kênh nữa đó là trang mạng xã hội của nhà báo đó. Tờ báo và trang mạng xã hội là hai môi trường, hai phong cách khác nhau. Đối với tờ báo, dù có khơi gợi sáng tạo cá nhân đến đâu thì tinh thần “chúng ta” phải được tôn trọng, nhà báo vẫn phải thể hiện bài viết theo gợi ý, định hướng, chỉ đạo của ban biên tập. Còn trang mạng xã hội là nơi khá tự do cho nhà báo trong việc xuất bản bài viết của mình, không chịu sự kiểm duyệt nào trước khi đưa lên. Do đó, cái tôi của nhà báo ở cơ quan báo chí và ở trên mạng xã hội có hai sắc thái khác nhau. Có hiện tượng nhà báo thể hiện bài viết trên báo rất trung tính, nhưng khi thể hiện quan điểm cũng về vấn đề đó trên mạng xã hội thì rất mạnh mẽ, ghê gớm, thậm chí khác hẳn với quan điểm thể hiện trên báo. Trong các nội dung mà nhà báo viết trên mạng xã hội, có cả những nội dung không nên được phổ biến rộng rãi bởi tính nhạy cảm của nó. Những nội dung này cơ quan báo chí không cho đăng tải, nhưng vẫn tới được với xã hội thông qua các bài viết của nhà báo trên mạng xã hội, vẫn gây ra các tác động tiêu cực. Thêm nữa, vì cái tôi lớn mà lại không bị kiểm soát nên tính phiến diện trong các bài viết ở trên mạng xã hội sẽ lớn hơn nhiều so với cái tôi trên báo. Khi công chúng tiếp nhận thông tin từ nhà báo thì họ thường không đặt ra sự khác biệt giữa nhà báo viết ở cơ quan báo chí và viết trên mạng xã hội. Đây chính là rủi ro cho công chúng.

Không chỉ dừng lại ở đó, cái tôi của nhà báo khi có môi trường thể hiện tối đa trên mạng xã hội thì trong nhiều trường hợp sẽ phục vụ trước hết cho nhu cầu và lợi ích của nhà báo. Nhiều nhà báo lập ra trang facebook không chỉ để “chơi” mà còn có nhu cầu tạo dựng tên tuổi và kiếm thu nhập. Họ tạo dựng tên tuổi qua cách tạo shock, gây sự về quan điểm nhằm thu hút sự chú ý. Chính vì muốn gây sự,  chọc tức nên các quan điểm của họ nhiều khi chông chênh, không rõ ràng, hoặc không theo cách nghĩ thông thường, cũng không dễ phân biệt đúng sai. Càng không dễ phân biệt đúng sai, càng tạo ra tranh cãi không dễ tới hồi kết thì số lượng người theo dõi và phản hồi càng nhiều. Từ đó, lượng người quan tâm đến trang facebook của nhà báo lại càng lớn. Như thế, thay vì nhanh chóng giải đáp, tháo gỡ một vấn đề thì nhà báo lại muốn làm nó rối hơn, vì lợi ích của bản thân nhà báo. Và đó cũng chính là rủi ro cho công chúng.

Nhà báo có một vai trò rất lớn trong việc kết nối xã hội. Do đó, cái tôi của nhà báo không thể chỉ vì bản thân nhà báo, mà nó cần phải vì những giá trị chung, hướng tới cái chung của xã hội. Cái tôi của nhà báo cần phải là một cái tôi khách quan, cái tôi liêm chính, cái tôi minh triết.

Một cái tôi của nhà báo, dấu ấn cá nhân, công sức của nhà báo mà độc giả và xã hội trông đợi có lẽ ít nhất cần được thể hiện ở 4 khía cạnh sau: Thứ nhất là mục đích viết bài, thực hiện tác phẩm báo chí của nhà báo là vì độc giả, vì xã hội. Thứ hai là kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm của nhà báo. Thứ ba là quá trình dày công tìm hiểu thông tin của nhà báo. Thứ tư là phong cách hay văn phong cuốn hút của nhà báo. Khi cái tôi của nhà báo được thể hiện trên 4 khía cạnh trên thì cái tôi riêng ấy sẽ đóng góp cho cái chung, và tác phẩm báo chí sẽ nâng cao được giá trị.

Trung tá, nhà báo Hồ Quang Phương

(Phó Trưởng phòng biên tập Kinh tế - Xã hội - Nội chính báo Quân đội nhân dân)

Theo CTTĐT HNBVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN