Canh tác lúa tiết kiệm nước trước nắng nóng gay gắt

15:27 | 10/05/2024

DNTH: Nắng nóng gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cây trồng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Cán bộ khuyến nông huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) hướng dẫn nông dân quan sát mực nước trong ruộng lúa. 

Mặc dù ở Cần Thơ, nguồn nước tưới tiêu cho các cánh đồng lúa mùa khô năm nay không bị ảnh hưởng mặn, không khô kiệt như các tỉnh khác nhưng ở các cánh đồng, nông dân vẫn áp dụng kỹ thuật canh tác lúa "tưới ngập khô xen kẽ". Từ đó, giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí sản xuất lúa cho nông dân.

Áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, giai đoạn mạ (từ 0 - 10 ngày), nông dân không cần đưa nước vào ruộng, khi cây lúa được 10 - 20 ngày, nông dân đưa nước vào ruộng nhằm quản lý cỏ dại. Sau đó, nông dân rút nước ra khỏi ruộng để cây lúa đẻ nhánh. Đến giai đoạn làm đòng, nông dân cần rút nước để bộ rễ lúa ăn sâu vào đất. Khi lúa trổ, nước được giữ trên đồng khoảng 5cm, đủ cho cây lúa sinh trưởng, phát triển, vô gạo được tốt.

Chú thích ảnh
Cán bộ khuyến nông huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) hướng dẫn nông dân cách theo dõi mực nước ruộng. 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Trân, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cờ Đỏ, sau khi lúa trổ đều, nông dân không cần phải giữ nước cao trên đồng, khi nào mực nước xuống thấp hơn mặt ruộng dưới 15cm, nông dân mới cần đưa nước vào ruộng. Trước khi thu hoạch khoảng 15 - 20 ngày, nông dân nên đưa nước ra khỏi ruộng, đảm bảo mặt ruộng khô ráo cho thiết bị cơ giới thu cắt lúa dễ dàng.Theo nghiên cứu của các chuyên gia, kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ có thể giảm lượng nước sử dụng và khí thải metan trong canh tác lúa.

Nếu phần lớn nông dân nắm bắt và sử dụng kỹ thuật này thành thạo sẽ chia sẻ được gánh nặng nước tưới vào mùa khô đối với các loại cây trồng vật nuôi khác cũng như giúp canh tác lúa bền vững hơn.

Từ hiệu quả của kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước được áp dụng ở các vụ lúa trước đây, hiện 91% diện tích lúa Hè Thu đã được nông dân huyện Cờ Đỏ thực hiện tưới ngập khô xen kẽ. Ở Cần Thơ, những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn, cán bộ khuyến nông vẫn tích cực tập huấn cho các nông dân áp dụng rộng khắp kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ.

Nông dân được tập huấn canh tác lúa "1 phải, 5 giảm" (1 phải là sử dụng giống xác nhận, 5 giảm là: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch) và "tưới ngập khô xen kẽ". Với những kỹ thuật này, nông dân chỉ cần bơm nước vào ruộng khi mực nước thấp hơn mặt ruộng dưới 15cm và chỉ cần để nước ngập cây lúa khoảng 5 - 10 cm là đủ. Nhờ đó, nông dân tiết kiệm được công sức, thời gian, chi phí (xăng, dầu, điện để bơm nước).

Chú thích ảnh
Kiểm tra sinh trưởng của cây lúa áp dụng quy trình canh tác lúa "tưới ngập khô xen kẽ". 

Ruộng lúa 45 ngày tuổi của nông dân Võ Bé Em, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ được ông áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ. Từ khi áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, ông Bé Em nhận thấy cây lúa vẫn phát triển tốt, cứng cáp, ít sâu bệnh.Không chỉ ông Bé Em mà nhiều nông dân ở huyện Cờ Đỏ áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ đều phấn khởi chia sẻ, quy trình này giúp họ giảm số lần đưa nước vào ruộng ở mỗi vụ lúa. Mặc dù, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ từ đầu vụ đến cuối vụ lúa nhưng không phải lúc nào cây lúa cũng cần lượng nước cao trong đồng. Cho nên, thay vì phải đưa nước vào ruộng 7 - 8 lần/vụ thì khi áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, mỗi vụ lúa, nông dân chỉ còn phải đưa nước vào ruộng khoảng 3 - 4 lần.

Hiện, nông dân huyện Cờ Đỏ được hỗ trợ 44 thiết bị theo dõi mực nước trên đồng ruộng. Thiết bị này hỗ trợ rất nhiều cho nông dân. Trước đây, nông dân ra đồng quan sát ruộng rồi "cảm tính" đưa nước vào ruộng. Có thiết bị, nông dân chỉ cần ngồi nhà vẫn theo dõi được mực nước ruộng được báo về tin nhắn mỗi ngày.

Chú thích ảnh
Máy cảm biến được kết nối với điện thoại của nông dân ở xã Thạnh Phú (Cờ Đỏ, Cần Thơ) để báo mực nước trong ruộng giúp nông dân theo dõi, điều chỉnh mức tưới. 
Chú thích ảnh
Tin nhắn báo mực nước trên đồng ruộng.

Thiết bị cảm biến theo dõi mực nước trên ruộng có kết nối với điện thoại giúp việc quản lý nước trong ruộng của anh Phan Văn Ân, huyện Cờ Đỏ trở nên thuận lợi hơn. Từ tin nhắn báo về, nếu mực nước dưới 15cm so với mặt ruộng thì anh Ân mới phải ra đồng bơm nước vào ruộng.Điều này làm thay đổi hoàn toàn cách canh tác lúa trước đây của anh Ân.

Giờ đây, anh Ân và các nông dân giảm thời gian, số lần đưa nước vào ruộng, giảm lượng nước đưa vào ruộng nhưng cây lúa vẫn phát triển tươi tốt."Ngày xưa không có thiết bị, ra thăm đồng, thấy ruộng khô nước thì bơm vào. Còn bây giờ có máy thiết bị đo mực nước, nhận tin nhắn từ điện thoại báo mực nước trong ruộng 5cm thì không cần ra thăm đồng, còn dưới 15cm thì bơm nước vào. Có thiết bị này, nông dân tiết kiệm được thêm thời gian đi thăm đồng mà vẫn yên tâm cây lúa không bị thiếu nước", anh Ân chia sẻ.

Chú thích ảnh
Diện tích lúa Hè Thu tại huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) áp dụng quy trình "tưới ngập khô xen kẽ".

Cần Thơ hiện có khoảng 75.000ha canh tác lúa, tập trung ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ nhận định, tưới ngập khô xen kẽ vừa tiết kiệm nước, chi phí sản xuất, vừa có ý nghĩa phù hợp với quy luật sinh trưởng, cây lúa vẫn phát triển khỏe mạnh. Với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc tưới tiết kiệm nước là điều quan trọng với nông dân Cần Thơ và cả đồng bằng sông Cửu Long.

Canh tác lúa áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ giúp giảm lượng nước nhưng không làm giảm năng suất lúa; giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân. Về lâu dài quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước giúp nông dân chủ động hơn trong bối cảnh thiếu nước kéo dài trong mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, giúp giảm phát thải khí metan, hướng đến sản xuất lúa bền vững.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh

DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...

Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng

DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống

DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...

Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch

DNTH: Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi phấn đấu đưa 33 xã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay chỉ có 8 xã đạt chuẩn, 9 xã đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều địa phương đều gặp khó vì...

Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

DNTH: Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Nông...

Tích tụ ruộng đất: Hồi sinh những cánh đồng hoang

DNTH: Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tích tụ ruộng đất đã trở thành xu thế tất yếu, hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Thay vì nhiều canh đồng bị bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả, giờ đây những cánh đồng...

XEM THÊM TIN