Chủ nhật, 24/09/2023, 13:05

tapchidoanhnghiepvathuonghieu@gmail.com

024.6657.6928 / 0988.009.916

© Chỉ được phát hành lại thông tin khi có sự đồng ý bằng văn bản của
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

Phát triển thương hiệu Tin tức kinh tế

Chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu

DNTH: Việt Nam cần xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược độc lập, tự chủ của nền kinh tế nhằm nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam 

Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với 8 nhóm lợi thế:

- Môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng;

- Tình hình chính trị ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài;

- Môi trường pháp lý đầy đủ;

- Chính sách đầu tư nước ngoài thông thoáng, mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hành chính và ưu đãi đầu tư;

- Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện;

- Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn; lực lượng lao động trẻ, dồi dào, dễ đào tạo và chi phí lao động thấp;

- Vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với đường bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển.

- Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.

Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2020 với tổng số vốn 16 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Việt Nam nắm giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua giành vốn FDI với các đối thủ tiềm năng như: Trung Quốc, Indonesia; Ấn Độ, Mexico.

Trong năm 2020, Việt Nam là một trong các trung tâm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình đa dạng chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay.

Năm 2021, mặc dù đang trong "vòng xoáy" của dịch COVID - 19, vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn FDI thực hiện trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,3 tỷ USD, chiếm 72,5 % tổng vốn FDI thực hiện. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu Việt Nam phát huy và khai thác tối đa những lợi thế trên, cùng với vị thế thuận lợi, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam có cơ hội lớn tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, sẽ thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ cao có nhu cầu dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng, nhờ đó thúc đẩy mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cơ hội và thuận lợi luôn đan xen với thách thức và khó khăn

Bên cạnh cơ hội và thuận lợi luôn đan xen với thách thức và khó khăn. Môi trường đầu tư của Việt Nam hiện còn một số bất cập chưa được khắc phục, như hạn chế về năng lực quản lý, kết cấu hạ tầng, thủ tục đầu tư, thiếu lao động có kỹ năng, công nghiệp phụ trợ và mạng lưới logistics…

Năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ là trở ngại lớn để thu hút chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam cũng như hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây cũng là điểm hạn chế để Việt Nam thích ứng với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào "bẫy" gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư "núp bóng"...

Công nghiệp phụ trợ và nội lực của các ngành sản xuất còn hạn chế, nhiều ngành kinh tế chưa tự chủ được các yếu tố đầu vào, phụ thuộc phần lớn vào nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện nhập khẩu.

Hiện nay, 37% nguyên vật liệu dùng cho sản xuất của nền kinh tế phải nhập từ bên ngoài, giá trị gia tăng của các ngành còn thấp; nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất ở một số ngành phụ thuộc vào một số ít thị trường.

Hoạt động của chuỗi cung ứng là sự vận hành với quá trình liên kết, phụ thuộc và tác động qua lại của 5 nhóm đối tác: Nhà cung ứng nguyên, nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào; nhà sản xuất hàng hoá; nhà phân phối và logistics; đại lý bán lẻ; khách hàng. Trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang tập trung phát triển để khẳng định vị thế của nhóm nhà sản xuất hàng hoá trong 5 nhóm đối tác của chuỗi cung ứng.

Vai trò của nhà phân phối và logistics còn mờ nhạt, với nhiều hạn chế. Cụ thể, quy mô đội tàu vận tải biển của Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 28 trên thế giới, hiện đã có doanh nghiệp trong nước đầu tư tàu chuyên dụng, trọng tải lớn, như tàu chở dầu trọng tải tương đương 320 nghìn tấn, nhiều tàu chở hàng rời chuyên dụng trên 100 nghìn tấn. Đây là cơ sở để đội tàu trong nước từng bước chuyển đổi theo xu hướng thế giới với tàu vận tải lớn hơn nhằm tối ưu hóa chi phí vận tải.

Tuy nhiên, với ưu thế bờ biển dài, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển, với gần 300 bến cảng biển nhưng hơn 90% sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của nước ta chủ yếu do các hãng vận tải nước ngoài đảm nhận. Năm 2021, xuất khẩu dịch vụ vận tải của nước ta đạt 446 triệu USD, nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 9.990 triệu USD, Việt Nam nhập siêu dịch vụ vận tải tới 9,54 tỷ USD.

Việc thiếu chủ động trong vận chuyển hàng hóa đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng cao, để thu được lợi nhuận tối đa, loại trừ rủi ro khi thuê các hãng vận tải quốc tế đối với hoạt động thương mại quốc tế đặt ra vấn đề cấp thiết phải phát triển đội ngũ vận tải biển quốc tế của Việt Nam.

Cơ cấu đội tàu của Việt Nam chưa hợp lý, trọng tải nhỏ, đây chính là nguyên nhân đội tàu vận tải biển trong nước khó cạnh tranh với quốc tế; sản lượng khai thác thấp khó hoà nhập với xu hướng hàng hải quốc tế.

Vận tải biển nước ta phát triển ở ba phân khúc, chủ yếu vẫn là nội địa, phân khúc châu Á và vượt đại dương chưa đáng kể, đồng thời Việt Nam chưa có nhiều đội tàu quy mô lớn, tải trọng cao. Hiện nay Việt Nam chỉ có đội tàu vận tải nội địa và các tuyến ngắn sang Singapore, Hồng Kông, gần đây Tổng công ty hàng hải mới mở sang Ấn Độ.

Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch thị trường vận tải biển Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng, nhiều hãng tàu vẫn thu được lãi nhờ giá cước duy trì ở mức cao. Tuy nhiên để giải bài toán phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam rất cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ và lâu dài.

Mạng lưới bán lẻ có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, là đối tác trung gian không thể thiếu để đưa hàng hoá tới người tiêu dùng. Trong thời gian qua, các tập đoàn và doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư, giành lại thị phần bán lẻ trong nước sau một thời gian bị chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh một vài tập đoàn đầu tư phát triển doanh nghiệp bán lẻ một cách bài bản, có chiến lược, phần lớn doanh nghiệp bán lẻ trong nước có quy mô nhỏ, thiếu vốn, quản trị thiếu chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu sự liên kết để tạo sức mạnh chung, nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần nỗ lực hoàn thiện về mọi mặt từ đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần gắn kết với các vùng sản xuất, nhất là hàng nông sản thực phẩm nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung cho hệ thống phân phối; xây dựng mối quan hệ giao dịch kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; xoá bỏ hiện tượng ép giá, đặt mức chiết khấu cao đối với hàng ký gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất; xây dựng thương hiệu bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, tạo cơ hội thuận lợi đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ phục vụ người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nền kinh tế mới nổi, có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động, như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico.

Bất ổn địa chính trị và xu hướng bảo hộ mậu dịch làm tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, tác động tiêu cực tới ổn định vĩ mô, dòng vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp và thương mại quốc tế, gây nên nhiều khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và giữa các nền kinh tế khác vừa có tác động tích cực và tiêu cực đến thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước lân cận, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Mặt khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với nguy cơ thu hẹp đầu tư nước ngoài và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trở về Mỹ do xung đột thương mại tiềm ẩn nhiều rủi ro, niềm tin của các nhà đầu tư ra nước ngoài suy giảm.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại và bảo hộ mậu dịch trên thế giới, tình hình dịch bệnh gây ra nhiều rủi ro, khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn, thậm chí rút vốn từ các thị trường mới nổi về những thị trường ít rủi ro hơn, an toàn hơn vì thế dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, các lệnh trừng phạt kinh tế ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ của Việt Nam.

Cần làm gì để hòa nhịp với chuỗi cung ứng toàn cầu?

Để chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ cần điều chỉnh quy hoạch phát triển và chiến lược tổng thể về sản xuất kinh doanh của từng vùng, từng ngành, lĩnh vực khi có sự điều chỉnh nội hàm của tự do kinh tế, toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại và những bất định khó lường diễn ra với tần xuất dày hơn. Đồng thời xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược độc lập, tự chủ của nền kinh tế nhằm nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước.

Bộ Công thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế nghiên cứu, đề xuất giải pháp để kinh tế Việt Nam hòa nhịp với xu hướng thay đổi mô hình toàn cầu hoá kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch quay trở lại; hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế. Đây là nội dung quan trọng, cần khẩn trương thực hiện để Chính phủ chủ động trong điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần đánh giá thực trạng, vị thế, cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực theo từng nhóm trong 5 nhóm đối tác của chuỗi cung ứng. Từ đó xây dựng chiến lược quốc gia, các giải pháp thực hiện để kinh tế nước ta tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, giảm thiểu khó khăn, thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng tác động tới quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chiến lược đa dạng nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu cho nền kinh tế theo từng ngành, lĩnh vực; từng bước xoá bỏ tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường, nhằm duy trì sản xuất khi diễn ra đứt gãy chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị.

Đặc biệt cần đổi mới cơ bản, toàn diện về quan điểm, sứ mệnh và giải pháp xây dựng, vận hành hệ thống dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng chiến lược của nền kinh tế. Nâng cao năng lực, trữ lượng dự trữ các loại nguyên, nhiên vật liệu công nghiệp thiết yếu, quan trọng của đất nước.

Việt Nam cần nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện về nền tảng vật chất và lực lượng lao động để đón đầu, tham gia và phát triển các loại hình và sản phẩm dịch vụ mới trong xu hướng thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tầu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển công te nơ để Việt Nam tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tham gia sâu rộng các hiệp định thương mại tự do trong xu thế toàn cầu hoá và tự do thương mại quốc tế. Vì vậy, khi xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch diễn ra, các nước lớn điều chỉnh chính sách kinh tế sẽ tác động rất mạnh và toàn diện đến kinh tế Việt Nam. Để đón đầu xu hướng đó, Việt Nam cần có đối sách, giải pháp kịp thời, đồng bộ, phù hợp, nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro, tận dụng cơ hội của xu thế thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và định hình lại mô hình phát triển kinh tế thế giới để khai thác, tận dụng các cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững./.

 

Theo Báo CP

TS. Nguyễn Bích Lâm

Cùng chuyên mục

Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh

Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh

DNTH: Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dùng hoá đơn điện tử nhằm ngăn chặn gian lận thuế

Dùng hoá đơn điện tử nhằm ngăn chặn gian lận thuế

Toàn ngành Thuế trong 6 tháng đầu năm 2019 đã hoàn thành công tác thanh kiểm tra chống thất thu tại 5.506 doanh nghiệp.
Bắc Giang: Nắm bắt cơ hội, bứt phá vươn lên

Bắc Giang: Nắm bắt cơ hội, bứt phá vươn lên

DNTH: Năm 2022 được xem là năm "lửa thử vàng, gian nan thử sức" đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang khi khó khăn, thách thức cũ chưa qua, lại xuất hiện thêm nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, tỉnh Bắc Giang đã có bước bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quy mô kinh tế của tỉnh đã đạt mốc lịch sử mới, từ vị trí thứ 15 toàn quốc vươn lên vị trí thứ 13 cả nước và đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra đến năm 2025.
Eximbank: Cổ đông chiến lược SMBC kiến nghị xem xét cắt giảm quy mô HĐQT bằng cách bỏ phiếu tín nhiệm

Eximbank: Cổ đông chiến lược SMBC kiến nghị xem xét cắt giảm quy mô...

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản - là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – gửi tới Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; Mã: EIB) và Ban tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 của ngân hàng này.
Năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng GDP trên 7%, lạm phát đạt 2,73%

Năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng GDP trên 7%, lạm phát đạt 2,73%

“Cụ thể thì chưa tính rõ được nhưng chắc chắn là tăng trưởng kinh tế trên 7%, là năm thứ 2 tăng trên 7%. Kinh tế vĩ mô ổn định và được gia cường thêm” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin tại cuộc họp của của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra sáng 25/12/2019, tại Trụ sở Chính phủ.
Tập đoàn Bảo Việt liên tục bị phạt, nhiều dự án đấu thầu có dấu hiệu sai quy trình

Tập đoàn Bảo Việt liên tục bị phạt, nhiều dự án đấu thầu có...

Từ năm 2018 cho đến nay, Tập đoàn Bảo Việt liên tục bị cơ quan thuế tiến hành xử lý vì vi phạm các quy định về nộp thuế. Gần đây nhất, cuối tháng 7/2019 đơn vị này tiếp tục bị Cục thuế Hà Nội ra quyết định xử phạt.
Dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần sau các cuộc đàm phán Ukraine

Dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần sau các cuộc đàm phán...

DNTH: Giá dầu trượt xuống mức thấp nhất trong hai tuần khi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine làm giảm bớt lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung và sự gia tăng số ca mắc Covid - 19 ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chậm hơn.
Tình hình hoạt động Tháng 8/2019 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng 9/2019

Tình hình hoạt động Tháng 8/2019 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác tháng...

DNTH: Trong tháng 8/2019, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội lớn trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc.