Chủ tịch Vinaconex nói gì về nghi vấn ‘tẩu tán tiền về An Quý Hưng'?

16:36 | 30/06/2019

DNTH: Đại hội cổ đông thường niên của Vinaconex đã trở thành cuộc tranh cãi gay gắt giữa các nhóm cổ đông lớn. Phe yếu thế hơn đòi hỏi sự minh bạch và công khai về quy chế hoạt động, tài chính… Còn phe mạnh hơn thể hiện quyền lực ở lá phiếu biểu quyết.

Cần minh bạch quy chế hoạt động, tài chính

Ngày 28/6, Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Động thái mới nhất là cổ đông lớn Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đề nghị sửa quy chế hoạt động, quy chế tài chính để ngăn chặn sự lạm quyền của nhóm cổ đông lớn. Vì nghi ngờ quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Vinaconex đã được sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT được quyết định các giao dịch lên đến 10% tổng giá trị tài sản của Vinaconex (tức khoảng 950 tỉ đồng) và tổng giám đốc được quyết định các giao dịch lên đến 5% tổng giá trị tài sản (tức khoảng 475 tỉ đồng). 

chu tich vinaconex noi gi ve nghi van tau tan tien ve an quy hung

Đại hội cổ đông năm 2019 của Vinaconex diễn ra tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông lớn

Đại diện Star Invest chất vấn: "Việc trao quyền quá lớn cho Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc có phải là hình thức thâu tóm quyền lực vào nhóm cổ đông An Quý Hưng hay không? Cơ chế, biện pháp giám sát và hạn chế nguy cơ lạm quyền của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc".

Tuy nhiên, khi đưa ra biểu quyết tại đại hội thì đề xuất của Star Invest chỉ nhận được 31,52% cổ phần đồng ý và tới 67,75% cổ đông không tán thành.

Xét cơ cấu cổ đông Vinaconex sau khi Nhà nước thoái vốn, hiện Công ty TNHH An Quý Hưng sở hữu 57,7% cổ phần, Công ty CP Bất động sản Cường Vũ và Công ty Star Invest nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,6% cổ phần. Cơ cấu này cũng phản ánh mức độ tập trung quyền lực và tiếng nói trong HĐQT, Đại hội cổ đông đang nằm ở nhóm An Quý Hưng và Bất động sản Cường Vũ cùng nhóm thân hữu…

Ngoài ra, đề nghị bổ sung chương trình thảo luận về việc mua 23,57 triệu cổ phiếu quỹ của nhóm Star Invest cũng bị phủ quyết ngay tại cuộc họp. Trước đó, HĐQT Vinaconex đã thông qua mức giá mua cổ phiếu quỹ tối đa là 30.300 đồng mỗi cổ phần, cao hơn giá thị trường tại thời điểm đó. 

chu tich vinaconex noi gi ve nghi van tau tan tien ve an quy hung
Mọi đề xuất của nhóm cổ đông Star Invest đều không được biểu quyết thông qua

Tâm điểm “nóng” nhất chính là màn chất vấn giữa các các nhóm cổ đông lớn, được cho là đang có bất đồng ý kiến và mâu thuẫn lợi ích.

Ông Thân Thế Hà – Thành viên HĐQT cho biết, nhóm cổ đông do ông đại diện mong muốn đoàn kết, có một “hành lang” pháp lý rõ ràng gồm điều lệ, các quy chế, làm sao đảm bảo lợi ích cho nhau, tôn trọng nhau và phải công khai, minh bạch.

“Với điều lệ, quy chế tài chính, quy chế HĐQT hiện nay thì có thể thấy ngay, với phạm vi, quy mô lớn của Vinaconex, các quyết định quan trọng liên quan đến tài chính, các dự án, vấn đề nhân sự… đều là do cá nhân quyết. Điều này vi phạm ngay vấn đề quản trị rủi ro”, ông Hà nói và bày tỏ mong muốn có một hành lang pháp lý rõ ràng để phát triển một công ty cổ phần chứ không phải một công ty gia đình, công ty TNHH…

Đáp lại băn khoăn này, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, là đại diện cho nhóm cổ đông đa số (Công ty TNHH An Quý Hưng) cho biết, “bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn phát triển thì phải đoàn kết mới thành công. Điều quan trọng là đoàn kết trên cơ sở nào? Quan trọng nhất là pháp luật… Nếu HĐQT bầu lên mà làm sai pháp luật thì đầu tiên là giải tán HĐQT”.

Ông Đào Ngọc Thanh cũng khẳng định: “Ở đây không có câu chuyện phân chia quyền lực. Tôi còn làm chủ tịch thì không có khái niệm phân chia quyền lực. Đây không phải là hợp tác xã”. Theo quy chế hoạt động, HĐQT có 7 người bỏ phiếu, nếu thành viên nào mà không chấp nhận thì cứ quá bán mà quyết định và đủ 51% đồng ý là thông qua.

Trước băn khoăn của Star Invest về nghi vấn “tù mù” tài chính, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex, chủ tọa ĐHCĐ cho biết, nếu cổ đông lớn Star Invest vẫn chưa đồng thuận về quy chế hoạt động có thể tiếp tục kiện ra toà và ông sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Từ lúc bỏ phiếu bầu HĐQT đến nay, tôi vẫn chưa ký tiêu bất kỳ khoản nào. Quy chế của HĐQT cũng nêu rõ yêu cầu về chứng từ, giấy tờ chặt chẽ. Nếu chúng tôi rút ruột, ăn cắp ăn trộm thì phải bỏ tiền túi ra mà trả. Chúng tôi cũng bỏ 7.400 tỉ đồng vào đây, nếu mất thì tôi cũng phải đền những người đã cử tôi làm đại diện vốn. Không đền được thì đi tù", ông Thanh nói.

Tuy nhiên, đại diện cho một nhóm cổ đông lớn phát biểu: “Bác Thanh có quyền ký đến gần 1.000 tỉ đồng, Tổng giám đốc có quyền ký đến 500 tỉ đồng. Giả sử do sơ suất gây ra thiệt hại thì thiệt hại của tất cả cổ đông Vinaconex chứ không phải của riêng Công ty An Quý Hưng”. Cho rằng có nhiều rủi ro trong quy chế hiện hành nên vị này kiến nghị xem xét khả năng sửa đổi, bổ sung quy chế của HĐQT và quy chế quản lý tài chính để giảm rủi ro và thể hiện tính công khai, minh bạch.

Nghi vấn rút ruột Vinaconex

Liên quan tới nghi vấn “rút ruột Vinaconex, chuyển tiền về An Quý Hưng”, nhóm cổ đông Star Invest đã yêu cầu tổng công ty bổ sung báo cáo của Ban kiểm soát hoạt động chi tiêu tài chính gồm: các khoản chi tạm ứng cho các cá nhân, tổ chức từ đầu năm 2019 đến nay và làm rõ những rủi ro đối với Vinaconex nếu không thu hồi được các khoản tiền này. 

Một số cổ đông cho rằng An Quý Hưng đang có nợ lớn và nghi ngờ việc ban lãnh đạo tẩu tán tài sản tại Vinaconex, chuyển tiền về công ty này sau khi thâu tóm thành công doanh nghiệp.

Chủ tịch Đào Ngọc Thanh khẳng định: “Không có chuyện "thất thoát" tiền”, và dẫn chứng một số khoản chi của công ty theo quy định. Hiện số dư tiền mặt còn là 1.811 tỉ đồng. Nghi vấn rút tiền mua siêu xe cũng bị ông Thanh bác bỏ.

Theo ông Thanh, do SCIC chỉ bán đấu giá cả lô cổ phần 58% nên nhóm cổ đông phải góp tiền đổ vào An Quý Hưng để mua đấu giá. Dư nợ hiện là số tiền họ đã nhận từ các nhà đầu tư, chứ không có ngân hàng nào đứng sau cho vay.

“Mắc cạn” ở dự án Splendora Bắc An Khánh

Dự án Splendora Bắc An Khánh sau 7 năm triển khai hợp tác đầu tư giữa Vinaconex và Công ty CP Địa ốc Phú Long, hiện vẫn dở dang, liên doanh hoạt động thua lỗ nghìn tỉ…

Dự án này cũng là nguyên nhân gây ra bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn. Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Vinaconex cho biết, nếu phía cổ đông liên quan đến Phú Long muốn mua lại, Vinaconex có thể xin ý kiến cổ đông để bán lại dự án.

Ông Vũ Quang Trung, Tổng giám đốc tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh và là đại diện nhóm cổ đông Star Invest bày tỏ nguyện vọng muốn hai bên tìm được tiếng nói chung.

Theo ông Trung, vai trò của Vinaconex trong liên doanh đã không toàn quyền chi phối. Hoạt động của  công ty đang rất khó khăn với số lỗ lũy kế là 1.700 tỉ đồng, bị âm vốn chủ sở hữu. Các khoản nợ phải trả là 8.000 tỉ đồng, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn… Thậm chí hai bên góp vốn đều phải đứng ra bảo lãnh hàng năm, cam kết hỗ trợ vô điều kiện để kiểm toán không công bố tình trạng phá sản liên doanh này. 

Đáng chú ý, nghĩa vụ của liên doanh với nhóm nhà đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, các khoản lỗ liên quan hiện không được ghi nhận vào kết quả kinh doanh của Vinaconex.

"Vinaconex phải đưa vào nguồn vốn rất lớn để trả nợ cho công ty thì mới có thể tiếp tục làm dự án, nhưng nguồn tiền dự trữ trên quỹ đầu tư phát triển của Vinaconex lại đi mua cổ phiếu, đầu tư chứng khoán", ông Trung nêu rõ.

Theo Hải Nam

KTMT

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN