Cơ cực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh: [Bài 4] Tất tả ngược xuôi, đói nghèo vẫn đeo bám
08:14 | 12/09/2019
DNTH: Địa hình bất thuận, điều kiện đi lại khó khăn cùng hàng loạt yếu tố đặc thù khác khiến công tác thu hút đầu tư tại các huyện miền tây Nghệ An vô cùng gian nan.
|
Nhiều hộ dân tại xã Quang Phong khốn khó. |
Thế nên mỗi dự án nảy mầm trên vùng đất khó luôn mang theo nhiều kỳ vọng lớn. Tiếc thay sự bội ước của chủ đầu tư khiến niềm tin ngày càng héo hon. Những gì đang diễn ra tại huyện miền núi Quế Phong chính là lát cắt chân thực ấy.
Niềm tin đánh mất
Quế Phong là huyện nghèo, qua khảo sát tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo năm 2019 chiếm gần 63%. Nghèo đói xuất phát từ nhiều nguyên do. Tiếc thay sau bao năm gồng gánh địa phương vẫn không thoát ra khỏi nghịch cảnh, mãi loay hoay trong bộn bề gian khó.
Trong tâm thức người dân miền cao, tư liệu sản xuất là yếu tố tiên quyết. Với họ nhà cửa, đường đi, lối lại dù có tuềnh toàng cũng chưa chết ai nhưng thiếu đất canh tác là nguy nan thực sự. Suốt bao đời gắn bó mật thiết với rừng già, lớn lên giữa cỏ cây mây ngàn đã hình thành trong họ những tập tục khó xóa nhòa. Với người dân từng tấc đất mang ý nghĩa hết sức thiêng liêng và không thể tách rời.
Bởi thế khi phong phanh có dự án lớn, nhỏ khởi công chẳng một ai hồ hởi, trái lại là âu lo xen lẫn không ít mối hoài nghi. Họ trước sau nhất quyết không tán thành chủ trương nhường đất, chỉ khi chính quyền ra sức tuyên truyền, vận động, “mưa dầm thấm lâu” thì các hộ mới xuôi lòng nghe theo.
Chấp nhận chịu phần thua thiệt vì lợi ích chung, nào ngờ thứ người dân nhận lại thật bạc bẽo và xót xa. Thời điểm chưa tìm được tiếng nói chung, phía chủ đầu tư hứa hươu hứa vượn bằng những lời lẽ như rót mật vào tai, để rồi khi đạt được mục đích thì chẳng buồn đếm xỉa. Hết lần này lượt khác đều một bài bổn cũ soạn lại, cứ thế niềm tin của chính quyền sở tại và nhân dân hao mòn. Giờ đây khi nhắc đến 2 từ “dự án” tất thảy đều lắc đầu.
Trao đổi với PV NNVN, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thừa nhận: “Dự án mọc lên đồng nghĩa với quỹ đất canh tác của người dân bị thu hẹp lại. Bước đầu chúng tôi kỳ vọng bà con sẽ được hưởng lợi khi mọi thứ xong xuôi, nào ngờ chủ đầu tư không tuân thủ các cam kết khiến tình hình ngày càng đáng lo”.
Điểm mặt đặt tên những ông lớn “ngốn” quỹ đất khổng lồ dưới hình thức “dự án trồng rừng” tại huyện nghèo Quế Phong không phải chuyện khó. Đi đầu phải kể đến Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, kế đó là Cty CP Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An, sau nữa là Lâm trường Quế Phong. Theo quy hoạch 3 đơn vị này có tổng quy mô trên 9.000 ha, đáng chú ý diện tích rừng sản xuất và phòng hộ chiếm phần nhiều.
Cần nói thêm, trước đây UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch diện tích hơn 3.642 ha, thuộc địa giới hành chính các xã Quang Phong, Châu Thôn và Tri Lễ cho Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt triển khai công tác trồng rừng. Quá ngán ngẩm với những gì đã xảy ra, người dân cả 3 xã đều đồng loạt đứng lên tẩy chay. Không có đất, dự án... ngắc ngoải.
Bao giờ trả đất
Trở lại với dự án của Công ty Thanh Thành Đạt, năm 2012 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định cho thuê gần hai ngàn ha, trong đó xã Nậm Nhoóng gần 294ha, Nậm Giải 451ha và Quang Phong trên 978ha. Nhận thấy tiến độ không mấy khả thi, cuối năm 2017 tỉnh tiếp tục điều chỉnh rút xuống còn khoảng 1.300ha, chỉ thực hiện tại 2 xã là Quang Phong và Nậm Giải.
Liên quan đến dự án này, chính quyền các cấp phải xoay như chong chóng không biết bao nhiêu bận, đã ra sức thể theo nguyện vọng của nhà đầu tư rất nhiều lần nhưng kết quả thu về chẳng hề tương xứng.
Thực tế đã qua nhiều năm nhưng Công ty Thanh Thành Đạt chưa khép nổi ½ diện tích được giao, chung quy chỉ đạt trên dưới 600 ha. Chưa kể đơn vị này chỉ chăm chăm thực hiện trên những lô, khoảnh có địa hình thuận lợi, đất đai màu mỡ, riêng những vùng thuộc dạng “chó ăn đá gà ăn sỏi” thì bỏ mặc. Động thái kén cá chọn canh càng góp phần đẩy căng thẳng lên cao trào.
“Với bà con, đất đai thuộc quyền sở hữu của cộng đồng bản địa, từ thời cha ông đã có nay nghĩa vụ của họ là duy trì, tiếp nối. Đùng cái doanh nghiệp vào chiếm đất và hứa hẹn giải quyết công ăn việc làm. Thực tâm kể cả phải sống chung với nghèo đói chứ chẳng đời nào người dân chấp nhận phận làm thuê trên chính mảnh đất của tổ tiên mình”, một cán bộ xã Quang Phong bày tỏ quan điểm.
Chủ tịch UBND xã Vi Thái Điệp bộc bạch thêm: “Nhân dân Quang Phong từ xa xưa chỉ biết làm lúa nước và phát nương làm rẫy kiếm kế sinh nhai. Sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 13 thì tình trạng phát nương làm rẫy bị cấm sạch, bước đầu các hộ bức bách nên kịch liệt phản đối. Phải qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con mới chấp hành nhưng trong lòng không vui”.
Toàn xã Quang Phong có 6.300 khẩu, trong khi diện tích lúa nước chỉ vỏn vẹn 190ha. Nhẩm tính hộ khá được chia 2 - 3 sào, nhiều hộ không có nổi tấc nào trong tay. Quỹ đất ít ỏi không đáp ứng đủ nhu cầu khiến nhiều nhà trầy trật không ngóc đầu lên nổi.
Áp lực đè nặng buộc nhiều người phải bỏ xứ ra đi. Thanh niên sức dài vai rộng hay người trong độ tuổi lao động đi biền biệt khắp Nam chí Bắc. Có cả những thành phần chấp nhận rủi ro vượt biên tìm kiếm vận may, số này thuộc dạng “đi không ai biết, về chẳng ai hay”, chính quyền không sao quản lý nổi. Theo thời gian làn sóng “di cư” ngày một lan rộng, chung quy cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà ra.
Thiếu đất sản xuất, già Sầm Văn Thương (SN 1963), trú tại bản Páo 2 phải ra tận khu Khe Ton, nơi cách nhà đến dăm bảy cây số dựng lán khai hoang, nuôi thêm con lợn, con gà, trồng thêm cây rau, cây cỏ cốt tránh cảnh 3 bữa đói.
|
Già Sầm Văn Thương phải tăng gia để lo toan cho gia đình. |
Hàng tháng nay dịch tả lợn Châu Phi đã tràn về bản Páo 2, báo hại già Thương suốt từ bận đó ăn không ngon miệng, ngủ không ngon giấc, ngày đêm canh cánh nặng trĩu âu lo: “Đấy chú xem, đất đai chỗ có chỗ không, vụn vặt chả ai buồn ngó ngàng. Nhà đông miệng ăn, cực chẳng đã phải lăn lộn kiếm thêm chút đồng bạc lẻ chứ sức đâu mà ham hố nữa. Mưa thuận gió hòa, ông trời thương tình còn có cái cho vào mồm, chẳng may...”, nói đến đây già sụt sùi như muốn khóc.
Con trai già Thương là anh Sầm Văn Phúc, đã kết duyên với chị Lang Thị Thơm, người làng trên mấy năm trước. Sau đó ít lâu cả gia đình vỡ òa trong sung sướng khi cháu gái đầu lòng Sầm Thị Thúy Nga cất tiếng khóc chào đời. Chẳng ngờ hân hoan chưa dứt thì biến cố đã thi nhau ập đến.
Không may mắn như con trẻ trong làng, ngay từ nhỏ cháu Nga đã có dấu hiệu của bệnh tật, sức khỏe cháu không đảm bảo, nay ốm mai đau như cơm bữa. Hết ngày này qua ngày khác, mãi không thấy tình hình thuyên giảm vợ chồng sốt ruột cất công đưa con xuống huyện thăm khám thì mới hay cháu mắc bệnh thiếu máu trầm trọng. Kể từ đó, cuộc sống gia đình đảo lộn tứ tung.
Đều như vắt chanh, hàng tháng người nhà phải thay phiên nhau đưa cháu xuống Bệnh viện điều trị, thông thường mỗi đợt từ 7 – 8 ngày, nhiều lúc trở nặng kéo dài đến 12 ngày. Đi lại vất vả còn gắng gượng được, chứ với mức điều trị như hiện nay thì quả là bài toán khó nhằn.
“Cả nhà chỉ có khoảng 1.200m2 đất, không làm thì đói, cất công cày bừa cũng chẳng đủ no. Mấy miệng ăn trông cả vào anh Phúc nhưng bấp bênh lắm, thi thoảng có người thuê mướn kéo gỗ được trả dăm ba trăm ngàn tiền công, loay xoay cũng chỉ trang trải được một phần thuốc men. Tất tả ngược xuôi mà cái đói cái nghèo vẫn mãi đeo bám, cũng may còn chòm xóm, láng giềng chứ thực tâm gia đình không sao kham nổi”, chị Thơm trải lòng.
Gia cảnh của anh Phúc, chị Thơm cũng chính là vấn đề của hầu hết các hộ dân tại xã miền cao Quang Phong. Hỏi khắp làng trên xóm dưới, tất thảy đều đau đáu: “Người có thì không cần, người cần thì không có. Đến bao giờ họ mới trả đất cho chúng tôi”?
|
Mẹ con chị Thơm đều có vấn đề về sức khỏe. |
Quế Phong có 10 dự án thủy điện Bên cạnh hệ lụy các dự án trồng rừng, Quế Phong còn lâm vào tình cảnh sống dở chết dở vì vướng vào 10 công trình thủy điện lớn, nhỏ bủa vây tứ phía khiến huyện nghèo ngày càng kiệt quệ. Lợi ích chủ đầu tư hưởng, hậu quả địa phương nai lưng gánh chịu. Chính quyền huyện đề nghị trích kinh phí từ nguồn thu của các thủy điện nhằm phục vụ đời sống nhân dân. Huyện đề nghị trích 3 - 5% tiền thuế thu hàng năm từ các nhà máy thủy điện. Với chủ đầu tư, đề nghị trích 1 - 2% doanh thu sau thuế. Tiếc thay, tất cả vẫn... án binh bất động trước thống khổ của nhân dân. |
Theo VIỆT KHÁNH/Báo Nông nghiệp
Hiệu quả từ mô hình làng nghề kêt hợp làm du lịch tại Quảng Phú Cầu (Hà Nội)
DNTH: Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có truyền thống làm tăm hương,đang là điểm du lịch được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Tham quan tại làng, du khách không chỉ có bộ ảnh check-in đẹp, mà còn được tìm...
Phú Yên gỡ vướng cho du lịch nông thôn phát triển
DNTH: Phú Yên - Du lịch nông thôn được kỳ vọng khởi sắc khi đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP được ban hành.
Bình Thuận công bố 10 sản phẩm chế biến từ trái thanh long
DNTH: UBND tỉnh Bình Thuận vừa công nhận 30 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2024 để tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024. Trong đó có tới 10 sản...
Tân Yên: Nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương
DNTH: Từ một vùng quê nghèo nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, trong những năm gần đây, huyện Tân Yên đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị...
Xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam thu về gần 1,1 tỷ USD
DNTH: Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Đức Cơ tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số
DNTH: Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại thị trấn Chư Ty, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện...
Đọc nhiều
Đô thị cuộc sống
-
Tận hưởng ẩm thực Đà Nẵng - Hơn cả ngon
-
Yên Dũng: Lập biên bản vi phạm đối với công trình xây dựng không phép
-
Người dân làng đào Nhật Tân tất bật tuốt lá, chuẩn bị cho vụ Tết Ất Tỵ
-
Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết
-
Vẻ đẹp của đồng muối Sa Huỳnh
-
Sẽ chất vấn về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại Hà Nội
Sống khỏe
-
Nhà có nhiều cửa sổ có tốt về mặt phong thủy không?
-
Hành trình “vượt biển tìm con” của các gia đình hiếm muộn nơi hải đảo
-
Hismart đồng hành cùng những trái tim kiên cường miền Trung
-
Nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo bác sĩ tại Gia Lai
-
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...