Công ty TNHH Endo Việt Nam - Nhà đầu tư chiến lược của CTCP In Trần Phú

09:24 | 25/12/2018

DNTH: Nếu thương vụ phát hành riêng lẻ diễn ra đúng kế hoạch, Endo Việt Nam sẽ trở thành cổ đông lớn, sở hữu tới 41,72% vốn điều lệ của In Trần Phú.

Khu "đất vàng" tại số 6 Thi Sách (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) của CTCP In Trần Phú (Nguồn: Internet)

Khu "đất vàng" tại số 6 Thi Sách (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh) của CTCP In Trần Phú (Nguồn: Internet)

Thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược

Ngày 17/12/2018, Hội đồng quản trị của CTCP In Trần Phú (In Trần Phú) đã thông qua việc triển khai phương án chào bán 20,27 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 71,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của In Trần Phú) cho đối tác chiến lược là Công ty TNHH Endo Việt Nam (Endo Việt Nam - viết tắt: Endovina). Thời gian thực hiện thương vụ dự kiến ngay trong tháng 12/2018.

Sau giao dịch, quy mô vốn điều lệ của In Trần Phú sẽ tăng từ 283 tỷ đồng lên mức 486 tỷ đồng. Trong đó, Endo Việt Nam sẽ trở thành cổ đông lớn có tầm ảnh hưởng nhất với tỷ lệ sở hữu tới 41,72% vốn điều lệ của In Trần Phú.

Với mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần, số tiền In Trần Phú dự kiến thu về là 202,75 tỷ đồng, sẽ được công ty sử dụng để: (1) bù đắp nguồn vốn ngắn hạn đã sử dụng (73,8 tỷ đồng) và (2) thanh toán xây dựng Nhà máy In Trần Phú theo hợp đồng (128,887 tỷ đồng).

Sự xuất hiện của cổ đông chiến lược mang theo nhiều ý nghĩa và cả sự bất ngờ, bởi lẽ, kể từ khi Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) tiến hành thoái vốn, kết quả kinh doanh của In Trần Phú không có nhiều khả quan. 

Công ty TNHH Endo Việt Nam - Nhà đầu tư chiến lược của CTCP In Trần Phú - ảnh 1

Theo tiết lộ của ban lãnh đạo, năm 2018, In Trần Phú dự kiến chỉ hoàn thành 85% kế hoạch về doanh thu, kết quả kinh doanh dự kiến tiếp tục lỗ. Đã vậy, dự kiến trong năm 2019, In Trần Phú cũng gặp áp lực lớn về dòng tiền khi còn phải thực hiện nộp tiền thuê đất 50 năm, trả tiền một lần cho khu đất Số 6A Linh Trung (Tp. HCM). Chi phí nộp tiền thuê đất trả tiền 1 lần theo ước tính lên tới gần 100 tỷ đồng.

Cũng theo ban lãnh đạo, vì công ty đang có lỗ lũy kế nên không đủ điều kiện để tăng vốn điều lệ theo phương thức chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, thay vào đó In Trần Phú phải lựa chọn phương án chào bán riêng lẻ.

Tuy nhiên, việc Endo Việt Nam trở thành nhà đầu tư chiến lược duy nhất trong đợt chào bán này còn nhiều điểm đáng chú ý.

Vì sao "gọi tên" Endo Việt Nam?

Trong buổi họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2018, trả lời thắc mắc của cổ đông về lý do lựa chọn Endo Việt Nam là nhà đầu tư chiến lược duy nhất, ông Trần Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT In Trần Phú) cho biết: “Endo Việt Nam là công ty có tiềm lực tài chính (vốn điều lệ là 353,5 tỷ đồng) có kinh nghiệm đầu tư bất động sản, cho thuê văn phòng hiệu quả, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn đối tác đã nêu tại tờ trình và phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty”.

Có lẽ vị Chủ tịch HĐQT In Trần Phú đang nhắc tới tiềm năng khai thác của những khu “đất vàng” mà công ty này đang sở hữu tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong đó, có thể kể tới một số khu “đất vàng” như: Số 6 Thi Sách (Phường Bến Nghé, Quận 1; được chuyển đổi từ đất làm nhà xưởng sang đất làm khách sạn, trung tâm thương mại); Số 31 - 33 Lê Thánh Tôn (Quận 1; được chuyển đổi để xây dựng công trình Văn phòng - Bãi đậu xe nổi); Số 6A, đường số 1, KP2 (Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức); Số 130 - 131 Kha Vạn Cân (Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức); Số 71-73-75 Hai Bà Trưng (Phường Bến Nghé, Quận 1); Số 35-37-39 Lý Tự Trọng (Phường Bến Nghé, Quận 1) và Số 442-444-446 Nguyễn Tất Thành (Phường 18, Quận 4).

Không chỉ vậy, để được ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành riêng lẻ, Endo Việt Nam phải nhận được sự đồng ý từ “nhóm” cổ đông đang sở hữu tỷ lệ chi phối tại In Trần Phú.

Cập nhật tới cuối tháng 6/2018, cơ cấu cổ đông của In Trần Phú khá cô đặc. Cụ thể, các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ tới hơn 97% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường (38,69%), CTCP Dịch vụ và Kinh doanh BĐS Hà Nội (26,52%), CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội (18,69%) và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hòa Lợi (13,33%).

Công ty TNHH Endo Việt Nam - Nhà đầu tư chiến lược của CTCP In Trần Phú - ảnh 2

Đây đều là các tổ chức có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn BRG (BRG Group) do vợ chồng nữ “đại gia” Nguyễn Thị Nga (Madame Nga) đứng đầu.

BRG Group được biết tới là tập đoàn đa ngành, hoạt động nổi bật trên các lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng, khách sạn và sân golf. Đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường từng nắm giữ tới 25% vốn điều lệ của BRG Group (theo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 19/7/2016).

Mặt khác, Endo Việt Nam chỉ cần phải trả mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu để sở hữu tới 41,72% vốn điều lệ của In Trần Phú. Đây là mức giá hấp dẫn nếu so sánh với giá khởi điểm trong thương vụ bán đấu giá bán lô cổ phần tương ứng với 20% vốn điều lệ của In Trần Phú do Bộ VHTTDL sở hữu diễn ra 7 tháng trước đó.

Cụ thể, vào tháng 5/2018, Bộ VHTTDL tiến hành thoái 5,66 triệu cổ phần In Trần Phú thông qua đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 11.800 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá thu hút tới 8 nhà đầu tư, với số lượng đặt mua gấp nhiều lần số cổ phiếu chào bán. Kết quả, các nhà đầu tư đấu giá thành công đã phải trả mức giá trung bình là 11.900 đồng/cổ phiếu.

Cần lưu ý rằng, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu tại In Trần Phú, bao gồm cả “nhóm” cổ đông của BRG Group, cũng sẽ suy giảm đáng kể sau khi phát hành riêng lẻ cho Endo Việt Nam. Bên cạnh đó, Endo Việt Nam cũng được ĐHĐCĐ “ưu ái” khi đồng ý cho phép tiến hành thương vụ (sở hữu trên 25% số cổ phần đang lưu hành của In Trần Phú) mà không cần phải thực hiện chào mua công khai.

Lương duyên Endo Việt Nam và BRG Group

Theo tìm hiểu của VietTimes, Endo Việt Nam được thành lập vào năm 2011, là một doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản và đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 146, Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Endo Việt Nam là bà Vũ Thị Kim Thanh (sinh năm 1974), đồng thời là Thành viên HĐQT của In Trần Phú.

Tham gia góp vốn thành lập Endo Việt Nam có sự góp mặt của 2 cổ đông tổ chức là: Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Kim Ngân (do bà Vũ Thị Kim Thanh là người đại diện theo pháp luật - chiếm 90,89%) và Công ty TNHH thương mại Đầu tư Hoa Lợi (chiếm 9,11%).

Trong đó, theo dữ liệu của VietTimes, Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Kim Ngân là cổ đông sở hữu hàng chục triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) - tổ chức tín dụng gắn liền với tên tuổi Madame Nga.

Tháng 5/2018 vừa rồi, nhà sáng lập BRG Group đã chính thức rời vị trí Chủ tịch HĐQT của SeABank nhằm tuân thủ các quy định của Luật tổ chức tín dụng mới, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Công ty TNHH Endo Việt Nam - Nhà đầu tư chiến lược của CTCP In Trần Phú - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Nga khi còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT SeABank  (Ảnh: Dân trí)

Còn Endo Việt Nam là cái tên đã “đồng hành” cùng các thành viên của tập đoàn BRG trong khá nhiều thương vụ. Một trong số đó phải kể đến "deal" thâu tóm CTCP Intimex Việt Nam (Intimex). Tương tự In Trần Phú, Intimex là doanh nghiệp “gốc” nhà nước, sở hữu nhiều khu “đất vàng" và cũng được nhiều nhà đầu tư bất động sản săn đón. 

Tháng 9/2015, Công ty TNHH Thung lũng Vua (bà Vũ Thị Kim Thanh hiện là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật) - một công ty thành viên trong “hệ sinh thái” của BRG Group - đã thực hiện mua lại gần 8,6 triệu cổ phần Intimex (tương đương 34,3% vốn điều lệ) từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tại thời điểm đó, Endo Việt Nam và CTCP Tập đoàn BRG (BRG Group) cũng đang trực tiếp sở hữu lần lượt là 12,7% và 11,6% vốn điều lệ Intimex.

Tuy nhiên, theo danh sách cổ đông "chốt" ngày 31/12/2017, Endo Việt Nam đã rút khỏi cơ cấu sở hữu Intimex. Trong khi, 99% vốn của Intimex do các thành viên thuộc Tập đoàn BRG nắm giữ.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Endo Việt Nam từng hợp tác với CTCP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (thành viên của BRG Group) để thực hiện Dự án Khu vui chơi giải trí - biệt thự để bán và cho thuê tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Chưa kể, Endo Việt Nam còn có quan hệ tín dụng chặt chẽ với SeABank, với những thương vụ vay vốn quy mô nhiều trăm tỷ đồng.

Từ mối lương duyên bền chặt với “nhóm” cổ đông đang chi phối tại In Trần Phú, có thể thấy, việc Endo Việt Nam được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược là khá... phù hợp. Kể cả cho Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/12/2018 của In Trần Phú đã viết rõ tiêu chí: "Đối tác được chào bán cổ phần riêng lẻ đảm bảo điều kiện không phải là công ty con của CTCP In Trần Phú, đồng thời CTCP In Trần Phú và đối tác này cũng không phải là các công ty con của cùng một công ty mẹ"./.

Theo Viettimes

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN