Đắk Nông: Thực hiện tốt kiểm soát dịch Bạch hầu

10:04 | 25/06/2020

DNTH: Bạch hầu là bệnh hiếm gặp, nhưng trong thời gian gần đây, tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông liên tục có các ca mắc bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt tại 02 huyện Đắk Glong và Krông Nô, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo việc tăng cường phòng, chống dịch bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo báo cáo của ngành Y tế Đắk Nông, ngày 08/6/2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên tại huyện Krông Nô. Ngày 19/6, cháu S.T.H. (9 tuổi, trú tại thôn 6, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long) phát bệnh bạch hầu, sau đó, cháu H. được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM nhưng đến sáng 20/6 bệnh nhân đã tử vong. Ngày 20/6 tại xã Đắk Rmăng (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) phát hiện bệnh nhân G.A.P. (13 tuổi) dương tính với bạch hầu.

Đến ngày 24/6, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 12 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại 3 ổ dịch (trong đó có 1 cháu nhỏ đã tử vong) nên phải cách ly, điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người. Hiện chưa xác định được nguồn lây truyền bệnh bạch hầu tại địa phương, tuy nhiên với sự vào cuộc kịp thời của ngành y tế, các điểm dịch cơ bản đã được khống chế, sức khỏe của các bệnh nhân dần được hồi phục.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, các ổ dịch bệnh bạch hầu thời gian gần đây thường xuất hiện tại các khu dân cư có điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, tìm hiểu về tiêm chủng mở rộng ở các nơi vùng sâu, vùng xa của các hộ dân vẫn chưa kỹ càng. Đặc biệt, phần lớn người Mông ở các khu vực bệnh dịch có tỉ lệ tiêm chủng cực thấp, nguy cơ mắc bệnh cao. Ngay sau đó, ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch và cách ly vùng có dịch.

Để chủ động, kiểm soát dịch hiệu quả, không để lây lan ra cộng đồng, UBND tình phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan khác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. UBND tỉnh cũng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo việc tăng cường phòng, chống dịch, cụ thể: giao cho Sở Y tế chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để tham mưu Ủy ban tỉnh; giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh; giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh, xử lý những trường hợp tung tin không đúng sự thật về tình hình dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tôn Đông Khoa - Chủ tịch UBND xã Quảng Hoà cho biết: “Dịch bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, lây lan nhanh và ngày càng phức tạp, tuy nhiên chúng tôi luôn sẵn sàng, chủ động xây dựng kế hoạch để ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ; chuẩn bị tốt từ nhân lực, lực lượng bảo vệ, kiểm soát vùng dịch cũng như tổ chức cấp phát gạo, phun thuốc khử trùng hỗ trợ tại điểm có dịch. Tính đến thời điểm này, ngoài 05 ca tại xã Quảng Hòa, đơn vị chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc mới, đó là một diều rất đáng mừng”.

Các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh vẫn luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả. Ngành y tế Đắk Nông đang tập trung ngăn chặn dịch bệnh, lập danh sách để chủ động tiêm chủng bổ sung nhằm tránh lây lan, bùng phát bệnh trên diện rộng.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng tránh bệnh hiệu quả:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

 

Ngọc Giàu – Phạm Trung.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ghé thăm Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học cao

Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen.

Dồn lực giải tỏa công suất năng lượng tái tạo

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hoà lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực hỗ...

Vĩnh Phúc lên tiếng về căn cứ triển khai dự án ven hồ Đại Lải

Sau kết luận của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những sai phạm của các dự án ven hồ Đại Lải, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc mới đây cung cấp nhiều văn bản liên quan.

Ô nhiễm ánh sáng hiểm họa khôn lường

So với ô nhiễm khói bụi, khí thải, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước… thì ô nhiễm ánh sáng mờ nhạt hơn hẳn. Ô nhiễm ánh sáng ít người để ý, lại càng không mấy ai đề phòng, mặc dù hậu quả mà nó gây ra thì không hề mờ nhạt,...

Thủ tướng chủ trì họp về các giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai

Chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm với một số bộ, ngành bàn về tình hình thiên tai và giải pháp cấp bách cần triển khai thực hiện cũng như xử lý một số kiến nghị, không để tình...

XEM THÊM TIN