Eco Pharma - nhà phân phối độc quyền sâm Alipas Platinum, sâm Angela Gold: Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận mỏng tang...

08:19 | 03/01/2020

DNTH: Tập trung vào lĩnh vực phân phối dược phẩm và thực phẩm chức năng, Eco Pharma ghi nhận doanh thu cùng biên lợi nhuận gộp đáng nể so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp thì lợi nhuận dòng mà doanh nghiệp lõi của ông Ngô Chí Dũng thu về lại mỏng đến bất ngờ, với biên lãi ròng (ROS) chỉ một vài phần trăm.

Như chúng tôi đã đề cập, CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) được thành lập từ năm 2008, là doanh nghiệp hạt nhân trong “hệ sinh thái” của vị doanh nhân Ngô Chí Dũng (sinh năm 1974).

Hoạt động kinh doanh của Eco Pharm tập trung vào phân phối dược phẩm với 3 lĩnh vực là: (1) nhà nhập khẩu chuyên nghiệp; (2) mạng lưới phân phối rộng khắp và (3) hệ thống bán lẻ đạt chuẩn.

Chi tiết hơn, Eco Pharma sở hữu chuỗi nhà thuốc Eco Pharmacy đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, WHO-GDP và WHO GPP. Công ty cũng tiên phong trong việc xây dựng nhà thuốc online, với website thương mại điện tử ecogreen.com.vn chuyên phân phối các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.

Những khoản chi mạnh mẽ cho truyền thông đã tạo độ phủ sấn tượng cho các sản phẩm sâm St. Paul Brands như Alipas Platinum, sâm Angela Gold... mà Eco Pharma phân phối độc quyền. (Ảnh: Internet)

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2018, Eco Pharma liên tục ghi nhận doanh thu vượt mức nghìn tỷ cùng kết quả kinh doanh có lãi.

Cụ thể, trong năm 2017, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Eco Pharma đạt 1.285 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp mà Eco Pharma ghi nhận đạt 394 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp ở mức 30,66%.

Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Eco Pharma trong năm 2017 chỉ dừng ở mức 43,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp này chi trả các khoản chi phí bán hàng trong kỳ lên tới 300,72 tỷ đồng, chi phí doanh nghiệp 45,3 tỷ đồng.

Tương tự, trong năm 2018, doanh thu thuần của Eco Pharma đạt 1.502 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 499 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp đạt 33,22%, cải thiện rõ rệt so với năm 2017.

Do chi phí bán hàng tăng mạnh (đạt mức 410,6 tỷ đồng) nên lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của doanh nghiệp này chỉ còn 26 tỷ đồng, giảm tới 40% so với năm trước. Tương ứng biên lãi ròng (Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu: ROS) của Eco Pharma năm 2018 đạt rất mỏng, chỉ khoảng 1,5% (năm 2017: 3%).

Dễ hiểu khi chi phí bán hàng đã bào mòn phần lớn khoản doanh thu khổng lồ mà Eco Pharma đã thu về. Và hẳn chiếm một phần đáng kể trong nhiều trăm tỷ đồng chi phí bán hàng ấy là các hạng mục chi phí truyền thông, marketing, quảng bá sản phẩm.

Sâm Alipas Platinum – Tăng cường sinh phái mạnh. Nhanh hơn, bền vững hơn”; “Sâm Angela Gold – Khởi nguồn sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ”; “Jex Max – Giảm đau xương khớp, Tái tạo sụn và xương dưới sụn”; “Qik Hair – Thúc đẩy tế bào mầm tóc, Giảm rụng, mọc tóc chắc khỏe”; “Otiv – Cải thiện mất ngủ, đau nửa đầu, tăng cường trí nhớ”; “Lic – Giảm cân, giữ dáng, tự tin tỏa sáng”, “Wit – Bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể”… Có lẽ bạn đã từng nghe thấy, đọc thấy những cụm từ này trên các kênh truyền thông, nhất là truyền thông số. Nếu là một người chịu xem vô tuyến, thì có lẽ bạn sẽ nghe và thấy thường xuyên hơn. Ngày qua ngày, vào các khung giờ vàng, và trên sóng truyền hình quốc gia.

Việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm dù khiến chi phí bán hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của Eco Pharma nhưng ở hướng tích cực, nó giúp doanh thu của công ty này cải thiện rõ rệt.

Hệ thống nhà thuốc Eco Pharmacy hẳn cũng là một kênh hút doanh thu lớn cho doanh nghiệp của ông Ngô Chí Dũng. (Ảnh: Internet)

Tuy vậy, còn cần xác định rõ, doanh thu của Eco Pharma hẳn không chỉ được đóng góp chủ yếu bởi nhóm các sản phẩm thực phẩm chức năng Ecogreen. Hệ thống các nhà thuốc rộng khắp, đặt tại nhiều vị trí đắc địa ở và gần các cơ sở y tế, bệnh viện đã làm nên thương hiệu Eco Pharmacy cũng sẽ là một kênh tạo doanh thu ấn tượng. Dĩ nhiên, nó cũng ngốn những khoản chi phí bán hàng tương xứng. 

Báo cáo tài chính của Eco Pharma còn đem đến một thông tin đáng chú ý, đó là trước khi báo lãi trong năm 2017, Eco Pharma đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 42,58 tỷ đồng.

Eco Pharma - nhà phân phối độc quyền sâm Alipas Platinum, sâm Angela Gold: Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận mỏng tang... - ảnh 4

Eco Pharma dù có quy mô vốn điều lệ khiêm tốn nhưng doanh thu và biên lợi nhuận gộp đáng nể so với các doanh nghiệp khác.

Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Eco Pharma cũng cho thấy doanh nghiệp này thiên về hoạt động phân phối dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể, tính tới cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản của Eco Pharma đạt 484,5 tỷ đồng. Tài sản cố định ghi nhận giá trị đạt 22 tỷ đồng (nguyên giá 41,6 tỷ đồng), tương ứng với 4,5% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Phần lớn các tài sản của Eco Pharma là tài sản ngắn hạn, với giá trị tính đến cuối năm 2018 được ghi nhận đạt 441 tỷ đồng.

Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 15,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Eco Pharma còn ghi nhận khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (thường là các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn tại các ngân hàng) đạt 151,48 tỷ đồng, tăng 48,17% so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2018 đạt 162,8 tỷ đồng, giảm 42,7% so với đầu năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2018, quy mô vốn góp của Eco Pharma chỉ ở mức khá khiêm tốn là 60 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu đến từ các khoản phải trả người bán ngắn hạn (154,6 tỷ đồng), phải trả ngắn hạn khác (142,9 tỷ đồng), vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (93,3 tỷ đồng).

Cần phải ghi nhận rằng, so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành (có quy mô vốn lớn hơn), doanh thu từ việc phân phối các sản phẩm dược của Eco Pharma là rất đáng nể./.

 

Theo Viettiems

https://viettimes.vn/eco-pharma-nha-phan-phoi-doc-quyen-sam-alipas-platinum-sam-angela-gold-doanh-thu-nghin-ty-loi-nhuan-mong-tang-377392.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN