'Giấu nhẹm' nợ xấu hàng tỉ USD, VietinBank bất ngờ báo lãi 'khủng' để xin tăng vốn

08:31 | 09/01/2020

DNTH: Tổng kết năm 2019, Ngân hàng VietinBank bất ngờ công bố số lợi nhuận "khủng" gần 11.500 tỉ đồng, tăng tới 83% so với năm 2018. Các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng cũng trở nên "đẹp" hơn trên sổ sách, dù trước đó chưa lâu ngân hàng liên tục công bố kết quả kinh doanh lao dốc, lợi nhuận sụt giảm hơn một nửa nhiều năm liền.

VietinBank được giữ lại lợi nhuận 2 năm để tăng vốn

Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Vietinbank (mã: CTG) vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ đã có chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh, trong đó, Vietinbank sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn. Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện sửa đổi Nghị định để báo cáo Chính phủ tăng vốn. Phía Vietinbank cũng cần báo cáo Bộ Tài chính để có kế hoạch tăng vốn 2019 và 2020, dựa trên đánh giá tăng trưởng và kết quả kinh doanh. 

Đây là thông tin đáng mừng được lãnh đạo và cổ đông Vietinbank chờ đợi suốt nhiều năm qua trong bối cảnh ngân hàng chịu áp lực tăng vốn lớn. Kế hoạch tăng vốn đã được trình lên ĐHCĐ thường niên thông qua từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vietinbank hàng năm vẫn ghi nhận lợi nhuận nghìn tỉ, lợi nhuận chưa phân phối rất lớn, song do Bộ Tài chính "đòi rát" muốn các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank... phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để nộp về ngân sách Nhà nước, khiến kế hoạch tăng vốn bị trì hoãn. 

Theo ông Lê Minh Hưng, trong 5 năm qua, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước đã đóng góp trên 92.000 tỉ đồng cho ngân sách, trong đó 60.000 tỉ đồng là tiền thuế và nộp về 32.000 tỉ đồng chia cổ tức nhưng chưa được tăng vốn lần nào. 

giau nhem no xau hang ti usd vietinbank bat ngo bao lai khung de xin tang von
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng (Ảnh: VietinBank).

Ngoài ra, theo Thông tư số 33 mới ban hành, các ngân hàng mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ được chủ động trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng vốn cấp 2 và không phải xin phép NHNN. Điều này sẽ hỗ trợ giúp các ngân hàng có vốn Nhà nước chủ động trong việc tăng vốn.

Năm 2018, phương án tăng vốn chưa được phê duyệt được cho là lý do khiến quy mô tăng trưởng của VietinBank thu hẹp. Cụ thể, dư nợ tín dụng chỉ tăng 6,1% so với năm trước, không đạt mức kế hoạch (8% - 9%), lợi nhuận hợp nhất đạt 6.730 tỉ đồng, giảm gần 27% so với năm trước. 

Theo báo cáo của Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ, năm 2019 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng là 7,2% so với cuối năm 2018; các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động đạt được ở mức cao. Cụ thể, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2019 đã tăng 43% so với năm 2018; tỉ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động, tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%), tỉ lệ bao phủ nợ xấu trên 120%, tăng mạnh so với tỉ lệ 93% của năm 2018.

Lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng năm 2019 đạt gần 11.500 tỉ đồng, tăng trên 26% so với kế hoạch, tăng 83% so với năm 2018. Đây là con số lợi nhuận "khủng" mà Vietinbank bất ngờ công bố trong bối cảnh kết quả kinh doanh sa sút nhiều năm qua, kém xa so với lợi nhuận của Vietcombank (23.130 tỉ đồng)... 

giau nhem no xau hang ti usd vietinbank bat ngo bao lai khung de xin tang von
VietinBank được giữ lại lợi nhuận hai năm 2017 - 2018 để tăng vốn. (Ảnh minh hoạ)

Ông Lê Đức Thọ đã báo cáo ĐHCĐ thường niên trong các năm qua rằng việc tăng vốn của VietinBank là một vấn đề rất khẩn thiết tại thời điểm hiện tại. Mặc dù được phê duyệt phương án tăng vốn từ lợi nhuận để lại thì cũng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu vốn thực tế của ngân hàng. Hơn nữa, dư địa tăng vốn của VietinBank hiện có phần "khiêm tốn" hơn so với các ngân hàng khác. Bởi tỉ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65% vốn điều lệ, trong khi cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần chạm trần sở hữu tối đa cho phép. Do vậy, Vietinbank sẽ không thể tăng vốn qua con đường phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài của VietinBank. 

Theo báo cáo tài chính quý 3/2019, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối của Vietinbank còn hơn 18.752 tỉ đồng. Ngoài ra, quỹ của các tổ chức tín dụng và thặng dư vốn cổ phần có hơn 17.000 tỉ đồng. Với việc có thể được dùng nguồn lợi nhuận năm 2017-2018 để phát hành tăng vốn, thì Vietinbank cũng chỉ tăng thêm được 50% so với vốn điều lệ hiện tại. 

Thống đốc Lê Minh Hưng ghi nhận kết quả kinh doanh của VietinBank tăng tích cực trong năm 2019 nhưng cần chủ động nâng cao năng lực tài chính của VietinBank từ quản trị điều hành, kiểm soát tốt chất lượng và hiệu quả tín dụng, không tạo ra tăng trưởng quá nóng, triển khai đề án tái cơ cấu. VietinBank cần phải nhanh chóng thoái các khoản đầu tư ngoài ngành chưa thực hiện được trong năm qua,  kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tỉ lệ nợ xấu có giảm nhưng nợ bán cho VAMC còn lớn, Thống đốc giao nhiệm vụ, năm 2020 VietinBank phải giảm ít nhất 30% nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại VAMC.

Lợi nhuận sa sút, nợ có khả năng mất vốn hơn 8.800 tỉ đồng

Đến thời điểm này, Vietinbank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2019 và cả năm để cổ đông, nhà đầu tư có thể tiếp cận số liệu chính xác về tình hình kinh doanh, tài chính của "ông lớn" ngân hàng này. Trên thực tế, sau hai lần thay Chủ tịch HĐQT trong 5 năm qua, hoạt động kinh doanh của Vietinbank đã có hiện tượng kém đi, tín dụng tăng thấp không đạt kế hoạch, chất lượng tín dụng xấu đi, nợ mất vốn rất lớn...

Đáng ngại nhất là quy mô nợ xấu tăng đột biến lên tới 14.065 tỉ đồng vào cuối quý 3/2019. Nợ xấu tăng rất mạnh từ 9.011 tỉ đồng vào cuối năm 2017 lên 10.296 tỉ đồng (quý 1/2018), tiếp tục leo lên mức 11.227 tỉ đồng vào cuối quý 2/2018. Có thể thấy chưa đầy 2 năm, Vietinbank đã phát sinh thêm tới hơn 6.000 tỉ đồng nợ xấu và có tới 8.800 tỉ đồng nợ xấu có nguy cơ mất vốn (tính đến cuối quý 3/2019).

giau nhem no xau hang ti usd vietinbank bat ngo bao lai khung de xin tang von
Nợ xấu của Vietinbank tăng rất nhanh lên tới 14.065 tỉ đồng, bằng gần một nửa vốn điều lệ

Nợ xấu "phình to", mà chiếm quá nửa là nợ có nguy cơ mất vốn là nguyên nhân làm cho lợi nhuận giảm mạnh. Vietinbank đã phải xử lý nợ xấu khẩn cấp, trong đó, chọn  bán nợ xấu sang VAMC như một biện pháp tình thế để "dọn dẹp" nhanh nợ trên sổ sách. Vấn đề nợ xấu cũng đã cản trở việc mở rộng tín dụng, cải thiện các chỉ số tài chính của ngân hàng... và thực tế, lợi nhuận trong 4 năm qua của Vietinbank đã lao dốc không phanh.  

giau nhem no xau hang ti usd vietinbank bat ngo bao lai khung de xin tang von
Chất lượng nợ xấu của VietinBank thời điểm cuối quý 3/2019. (Nguồn: BCTC VietinBank, Trái phiếu VAMC tính đến 30/6/2019)

Thế nhưng con số 14.065 tỉ đồng nợ xấu vẫn chưa phản ánh đúng thực tế chất lượng tín dụng của Vietinbank. Trong nhiều năm qua, hoạt động cho vay rủi ro, quản trị rủi ro yếu kém, đã khiến nhà băng này khổ sở tìm cách xử lý nợ xấu trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi.

Các báo cáo tài chính cho thấy, khối nợ xấu rất lớn của Vietinbank vẫn đang nằm chủ yếu ở Công ty VAMC (thông qua nghiệp vụ bán nợ, nhận lại bằng trái phiếu VAMC) suốt nhiều năm qua chưa xử lý được, khiến ngân hàng này đều đặn trích lập dự phòng rủi ro, chờ có biện pháp xử lý khả dĩ hơn. Đến cuối quý 2/2019 Vietinbank đã ghi nhận số trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được thực hiện phân loại và trích lập dự phòng theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước lên tới 40.159 tỉ đồng, với tổng số dự phòng chỉ hơn 552 tỉ đồng. Chưa rõ khi ngân hàng này có thể tất toán được khối nợ xấu lên tới hàng tỉ USD đem "gửi" ở nơi khác này?

Nhìn rõ thực trạng kinh doanh, cho vay gây nợ xấu lớn của Vietinbank dẫn tới quy mô nợ xấu tăng quá nhanh, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhắc nhở VietinBank cần phải nhanh chóng thoái các khoản đầu tư ngoài ngành chưa thực hiện được trong năm qua, tập trung hạn chế lĩnh tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tỉ lệ nợ xấu có giảm nhưng nợ bán cho VAMC còn lớn, Thống đốc giao nhiệm vụ, năm 2020 VietinBank phải giảm ít nhất 30% nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại VAMC.

Áp lực xử lý nợ xấu lớn, cải thiện quản trị rủi ro yếu kém, kiểm soát cho vay ở lĩnh vực rủi ro... là những vấn đề cấp bách mà ban điều hành Vietinbank cần phải làm ngay, cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận việc tăng vốn điều lệ hay không.

Nguyễn Luận

(Theo Tạp chí KTMT)

https://kinhtemoitruong.vn/giau-nhem-no-xau-hang-ti-usd-vietinbank-bat-ngo-bao-lai-khung-de-xin-tang-von-12530.html

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất khẩu gạo tăng hơn 23% về trị giá

DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1, Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng giá trị thấp

DNTH: Lần đầu tiên sau 4 năm, năng suất lao động bình quân cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng sự phân bổ lại không đồng đều giữa các khu vực.

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại

DNTH: Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD

DNTH: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam...

Sở Công thương Gia Lai hoàn thành 36/36 nhiệm vụ được giao trong năm 2024

DNTH: Năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó 100% nhiệm vụ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian quy định.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ có thể đạt 10 tỷ USD

DNTH: Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này có thể đạt 10 tỷ USD năm 2025.

XEM THÊM TIN