Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành:

Hà Nội cần tập trung giải quyết 5 yêu cầu để giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm đạt trên 90%

16:15 | 04/09/2022

DNTH: Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 272/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. 

Kiên quyết tập trung nguồn lực cho công trình trọng điểm - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Theo thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo thành phố Hà Nội trong thời gian qua đã rất tích cực kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, kết quả bình quân giải ngân 8 tháng năm 2022 đạt khoảng 30% (khoảng 15.323 tỷ đồng).

Công tác giải ngân đầu tư công của Hà Nội có nhiều cải thiện, đổi mới như: thành lập 6 tổ công tác do các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm tổ trưởng đôn đốc giải ngân, kiểm tra thực tế, xác định điểm nghẽn và nguyên nhân của việc chậm giải ngân đầu tư công, đặt trọng tâm, trọng điểm để giải quyết; đề xuất hình thức khen thưởng đối với công tác giải ngân…

Mặc dù đã có các giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân; tuy nhiên, kết quả giải ngân 8 tháng năm 2022 của thành phố vẫn thấp hơn bình quân chung của cả nước (mức bình quân chung cả nước là 35,49%).

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân trong đó có vấn đề chất lượng của công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên giao vốn gặp vướng mắc hoặc không giải ngân được theo kế hoạch; nguồn vốn ODA giải ngân thấp do một số thủ tục gia hạn vốn vay, điều chỉnh hợp đồng và vận dụng pháp luật áp dụng đối với dự án ODA còn chậm; vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, công tác tổ chức thực hiện đầu tư các dự án, công trình còn nhiều hạn chế.

Thúc đẩy đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần kích cầu, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm. Các công trình hoàn thành sẽ là điều kiện quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác. 

Thời gian từ nay đến khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2022 không còn nhiều, để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tập trung 5 nội dung sau:

1. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung hoàn thành các công trình, bảo đảm về thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng. 

2. Hồ sơ thanh toán phải được lập ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định. Bên cạnh đó, cần cân đối, khẩn trương phân bổ hết số vốn được giao, tránh tình trạng đã giải ngân nhưng không có khối lượng, không có công trình nào hoàn thành.

3. Hạn chế dàn trải vốn đầu tư, xác định rõ dự án ưu tiên, kiên quyết tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có khả năng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng (không vướng giải phóng mặt bằng và thủ tục); từ nay đến cuối năm phải hoàn thành được một số công trình, tạo không khí phấn khởi cho Nhân dân và tạo động lực mới cho địa phương phát triển, phấn đấu đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, giải ngân đạt trên 90%.

4. Rà soát những dự án đã ghi vốn trong năm 2022 nhưng chưa phê duyệt dự án, chưa đấu thầu để điều chuyển, phân bổ vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến ngày 31 tháng 12 hoặc cho những dự án có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

5. Những dự án đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giao các tổ công tác xuống làm việc với địa phương, phối hợp chặt chẽ cùng địa phương giải phóng mặt bằng sớm để triển khai thực hiện dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, kịp thời có phương án xử lý phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật (đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, đất đai, tài nguyên), tạo thuận lợi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở ý kiến các Bộ, cơ quan và kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 727/TTg-KTTH ngày 16 tháng 08 năm 2022.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Doanh nghiệp hàng không "sải cánh" mạnh mẽ từ năm 2025

DNTH: Các doanh nghiệp ngành hàng không thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ, với bức tranh tài chính của ACV (cảng hàng không), HVN, VJC (vận tải hàng không), SCS (cảng hàng hóa)... khởi sắc.

Xuất khẩu gạo tăng hơn 23% về trị giá

DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1, Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng giá trị thấp

DNTH: Lần đầu tiên sau 4 năm, năng suất lao động bình quân cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng sự phân bổ lại không đồng đều giữa các khu vực.

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại

DNTH: Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD

DNTH: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam...

Sở Công thương Gia Lai hoàn thành 36/36 nhiệm vụ được giao trong năm 2024

DNTH: Năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó 100% nhiệm vụ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian quy định.

XEM THÊM TIN