Hà Tĩnh: Dân “chảo lửa” quay cuồng trước nắng nóng

13:20 | 01/07/2020

DNTH: Nắng nóng kéo dài khiến cuộc sống người dân ở Hà Tĩnh như bị đảo lộn hoàn toàn. Hiện tại, có hàng ngàn hecta hoa màu chết khô, hồ nước cạn trơ đáy, một số diện tích cây ăn quả đặc sản nguy cơ thất thu cao.

Do thiếu nước sinh hoạt, ông Phan Văn Lý (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) phải đi gánh từng thùng nước từ hàng xóm về để sử dụng.

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được xem là vùng “chảo lửa” của miền Trung bởi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nắng nóng. Trong thời gian qua, thời tiết ở địa phương này giữ mức nền nhiệt từ 37-40 độ C, có thời điểm lên đến 42 độ C. Chúng tôi thấy các khu vực xã Hương Thủy, Hương Giang, Phúc Trạch...đã xảy ra tình trạng cây bưởi đặc sản Phúc Trạch héo úa, vàng khô, bưởi rụng quả; ngô và đậu chết cháy do thiếu nước tưới trong thời gian dài. Đặc biệt, tại xã Hương Lâm, Hương Liên và xã Hương Thủy có hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt thiếu trầm trọng,

Người dân Hà Tĩnh buồn rầu khi đậu gieo trỉa đến kỳ thu hoạch chết khô do không có mưa.

 Đang đi gánh nước từ nhà hàng xóm về để sử dụng, ông Phan Văn Lý (60 tuổi, trú thôn 9, xã Hương Thủy) chia sẻ, nắng nóng năm nay bắt đầu từ tháng 3, so với các năm trước thì sớm hơn và nắng kéo dài, gay gắt. Trên địa bàn, nhiều hộ gia đình đến nay đã trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, dù đã khắc phục bằng cách khoan thêm giếng nhưng vẫn không có nước. “Như gia đình tôi, mỗi ngày phải gánh 6 lần nước từ nhà khác về để sinh hoạt, nấu ăn. Còn nước để tưới cho bưởi, rau trong vườn không có nên nhiều cây đã bị héo và nguy cơ chết. Riêng ngô, đậu trồng đó nhưng nay cũng héo và chết khô. So với những năm trước thì năm nay nắng gắt và kéo dài, có thời điểm đo được 42 độ C, chỉ ngồi trong nhà nhưng cũng nóng bức, khó thở”, ông Lý nói.

Không chỉ riêng ông Lý mà gia đình anh Lê Đình Hoàn (33 tuổi, trú xóm 2, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) cũng trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nhiều gốc bưởi đang héo và chết dần nếu như không có mưa. Anh Hoàn cho hay, gia đình anh trồng 200 gốc bưởi, khoảng 1 tháng nay hồ tưới nước cạn khô nên bưởi không có nước tưới dẫn đến tình trạng héo úa, quả khô và rụng nhiều. Mấy ngày trước, anh Hoàn có khoan thêm giếng nước để phục vụ nước sinh hoạt nhưng lượng nước mạch rất ít, nhỏ giọt. “Nếu nắng khoảng 1 tuần nữa thì bưởi sẽ chết rất nhiều, giờ nhiều gốc đã héo, quả chỉ cần chạm là rụng cuống. Chưa năm nào nắng khắc nghiệt như năm nay”, anh Hoàn chia sẻ.

Bưởi chết cháy ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Khê cho hay, trên địa bàn hiện nay có khoảng 200ha diện tích lúa bị thiếu nước, ngoài ra có 1.000ha/4.300ha cam và bưởi nằm trong nguy cơ thiếu nước. Trong đó, tại xã Phúc Trạch bị ảnh hưởng nặng nhất khi có khoảng hơn 10ha bưởi, cam tại vườn đồi Trạnh Nẹo do thiếu nước đã bị héo úa, vàng khô nguy cơ chết nếu nắng tiếp tục kéo dài thêm. “Ngoài ra, qua thống kê sơ bộ trên địa bàn còn có khoảng 600 hộ dân trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, trong đó chủ yếu ở hai xã Hương Lâm và xã Hương Liên. Riêng ngô và đậu có khoảng 1.200ha đã xảy ra tình trạng héo úa, cháy khô nguy cơ mất trắng”, ông Vinh cho hay.

Trong thời gian nắng nóng này, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện, lượng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cũng tăng dần. Chủ yếu là trẻ em, người lớn tuổi có sức đề kháng kém. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, khoảng 1 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tại một số khoa đã có xu hướng tăng cao đột biến như: Khoa Nhi, Khoa Tim mạch - Lão học, Khoa Nội tổng hợp. Các bệnh nhân nhập viện do bị viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt, suy tim, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… Theo các bác sĩ, trong thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp thì số bệnh nhân nhập viện dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Phạm Mơ

 

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Ghé thăm Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học cao

Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen.

Dồn lực giải tỏa công suất năng lượng tái tạo

Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hoà lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực hỗ...

Vĩnh Phúc lên tiếng về căn cứ triển khai dự án ven hồ Đại Lải

Sau kết luận của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những sai phạm của các dự án ven hồ Đại Lải, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc mới đây cung cấp nhiều văn bản liên quan.

Ô nhiễm ánh sáng hiểm họa khôn lường

So với ô nhiễm khói bụi, khí thải, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước… thì ô nhiễm ánh sáng mờ nhạt hơn hẳn. Ô nhiễm ánh sáng ít người để ý, lại càng không mấy ai đề phòng, mặc dù hậu quả mà nó gây ra thì không hề mờ nhạt,...

Thủ tướng chủ trì họp về các giải pháp cấp bách phòng chống thiên tai

Chiều 1/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm với một số bộ, ngành bàn về tình hình thiên tai và giải pháp cấp bách cần triển khai thực hiện cũng như xử lý một số kiến nghị, không để tình...

XEM THÊM TIN