Khánh Hoà: Kinh tế - xã hội năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra

10:29 | 02/04/2023

DNTH: Chiều 1/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Đây cũng là dịp kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa, 48 năm ngày Giải phóng Khánh Hòa.

Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Khánh Hòa.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, 3 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Khánh Hòa, kết quả thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tháng 3/2022 (theo Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 5/4/2022); phân tích các bài học, kinh nghiệm tốt của Khánh Hòa; xác định định hướng, nhiệm vụ giải pháp thời gian tới; đồng thời xem xét, giải quyết một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững.

Theo báo cáo của tỉnh Khánh Hòa và các ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, mặc dù còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế; nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong đó, GRDP tăng 20,7% (cao nhất cả nước), bình quân đầu người đạt 76,5 triệu đồng, tăng 22,3%; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 16.500 tỷ đồng, vượt 37,3% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 62.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.

Một số ngành sản xuất chủ lực có mức tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,7%. Ngành thủy sản phát triển tốt; xuất khẩu thủy sản tăng trở lại.

Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh, là ngành có tăng trưởng cao nhất (25,46%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 54,6%. Doanh thu du lịch đạt trên 13.800 tỷ đồng, gấp 5,8 lần so với năm 2021. Bên cạnh các thị trường quốc tế truyền thống, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến để mở rộng thị trường khách du lịch Ấn Độ, Hàn Quốc để góp phần điều chỉnh cơ cấu nguồn khách quốc tế, hướng đến đa dạng hóa thị trường và phát triển bền vững hơn

Hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ, có 1.980 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là gần 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 63,1%. Các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia được tích cực chỉ đạo.

Tỉnh đã cơ cấu lại thu - chi ngân sách Nhà nước  theo hướng giảm tỉ trọng chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Năm 2022, chi thường xuyên chiếm khoảng 58,6% (năm 2021 là 69%), chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 41% (năm 2021 là 30,8%). Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 61.982,4 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,2%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 82%. Quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động xây dựng đề án Xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội trên biển của cả nước, hiện đang lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến tiếp tục đạt rất cao, vượt chỉ tiêu đề ra; cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tinh gọn, giảm 30 phòng, 4 chi cục và tương đương so với năm 2015. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Trong quý I/2023, kinh tế xã hội ổn định, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển khá tích cực; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ (GRDP quý I ước tăng 7,4%; sản xuất công nghiệp tăng 7,78%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,3%).

Tỉnh tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, việc lập quy hoạch và đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nguồn lực đầu tư. Hoạt động du lịch phục hồi, khởi sắc, đẩy mạnh thu hút du khách, mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế mới. Khánh Hòa đã khẩn trương hoàn thiện, trình phê duyệt 4 quy hoạch quan trọng của tỉnh.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả tích cực, khá toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của tỉnh, sự quan tâm của Trung ương; phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng Khánh Hòa "xanh, sạch, đẹp"; đóng vai trò tích cực hơn trong tăng cường hơn nữa liên kết vùng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng các quy hoạch.

Năm 2021, chỉ số PCI của Khánh Hòa xếp thứ 44/63, giảm 18 bậc; PAR index xếp hạng 48/63; PAPI đứng thứ 40/60, SIPAS xếp thứ 56/63. Tỉnh cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

 

 

Cùng với đó, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Nguy cơ tái nghèo cao, nhất là tại những huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả việc khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Định hướng thời gian tới, tỉnh cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh: Khánh Hòa phải phát triển đột phá trong những năm tới, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước với 5 yếu tố: Có vị trí đặc biệt, chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, kết nối các vùng trên cả nước; có hạ tầng tương đối đồng bộ với 5 phương thức vận tải; có tương đối đầy đủ, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; có điều kiện phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh; có bề dày lịch sử hào hùng, truyền thống và bản sắc văn hóa phong phú, con người cần cù, chịu khó và thông minh.

nhatrangkh
Ảnh minh hoạ. Nguồn TL.

Là tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn, trong đó có quần đảo Trường Sa thiêng liêng của tổ quốc, có 3 vịnh lớn, Khánh Hòa cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác cán bộ.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Nghị quyết 42 ngày 21/3/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 và Nghị quyết 55.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết vùng thực chất, hiệu quả, có định hướng, tầm nhìn dài hạn, tương hỗ, cộng hưởng lẫn nhau để triển khai hiệu quả Nghị quyết 26 ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, triển khai thực hiện, quản lý, kiểm tra các quy hoạch bảo đảm thống nhất, hiệu quả, theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Điều chỉnh và thực hiện hiệu quả các Chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội, xây dựng mô hình đô thị thông minh… của tỉnh phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu thực tế và quan tâm các chính sách nhà ở xã hội.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện môi trường.

Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các địa phương trong, ngoài nước, các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, lợi thế và bổ trợ, cộng hưởng lẫn nhau.

Đặc biệt, tỉnh cần triển khai đồng bộ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023 đề án Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo gắn với bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình cấp thiết, trọng điểm theo hướng kết nối, liên thông và đa mục tiêu, nhất là các dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về bảo đảm vật liệu cho các dự án. Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải khởi công cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa trước tháng 6/2023.

Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP), tập trung thu hút vào 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh (Khu kinh tế Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh).

Cùng với đó, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến; cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị hành chính công, cải cách hành chính cấp tỉnh.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay, tỉnh cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân, phối hợp với ngành ngân hàng để khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp…, hỗ trợ thiết thực cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

img7706-16803600823081553009003
Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà (1653 - 2023).

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, phải có nghị quyết về phát triển văn hoá, du lịch, biến di sản thành tài sản, nguồn lực; bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tổ chức triển khai hiệu quả các 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt chú trọng Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giải quyết, xử lý dứt điểm các vấn đề về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đào tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Khánh Hòa cần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; gắn nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật an toàn xã hội trong từng chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời các đề xuất, kiến nghị của Khánh Hòa liên quan tới công tác quy hoạch, cân đối nguồn vốn đầu tư nâng cấp một số tuyến đường, dự án, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, đất ở đô thị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại tỉnh Khánh Hòa…

Cho ý kiến cụ thể về từng nội dung, Thủ tướng yêu cầu trong các dự án mà tỉnh đề xuất, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn cho tuyến đường ven biển; đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa theo nhiệm vụ tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị: "Xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ"…

Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương tổng hợp các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án của các cơ quan chức năng, đề xuất giải pháp với cấp có thẩm quyền trên tinh thần không hợp pháp hóa cái sai nhưng phải xử lý các vướng mắc, giải phóng nguồn lực phát triển./.

* Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng đi thăm Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, khảo sát thực tế việc bảo đảm thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế điều trị người bệnh; thăm Làng trẻ em SOS Nha Trang, tặng quà trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; dự lễ khánh thành Nhà hát Đó - một điểm nhấn mới của văn hóa, du lịch Khánh Hòa. Các hoạt động này nhằm chuẩn bị cho việc phục vụ hội nghị Trung ương sắp tới dự kiến thảo luận một số vấn đề về chính sách xã hội.

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN