Nền tảng vĩ mô vững chắc là “điểm tựa” chính
Trong báo cáo Vĩ mô thị trường 2019 vừa công bố mới đây, các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết những nhân tố cản trở đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) nửa cuối năm 2018 vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong đầu năm 2019.
Theo đó, báo cáo của BSC nhận định bức tranh nhiều mảng màu tích cực của nền kinh tế thế giới nửa đầu năm 2018 đã chuyển dần sang những gam màu xám vào giai đoạn nửa cuối năm. Nổi bật là cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động mà nổi bật là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có tác động tiêu cực lên triển vọng kinh tế thế giới năm 2019.
Cụ thể, cuộc chiến tranh thương mại này không chỉ tác động tiêu cực đến sự ổn định của các khu vực và nền kinh tế chủ chốt, mà còn tạo ra biến động khó lường trên các thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa và qua đó cản trở dòng vốn đầu tư toàn cầu và đào sâu khoảng cách giữa các nền kinh tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và là một trong những nước có nền kinh tế mở nhất thế giới, những tác động tiêu cực trên phần nào đã ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước. Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua sóng gió, tận dụng cơ hội và duy trì đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Những yếu tố nền tảng khiến chúng tôi dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, tìm cơ hội trong thách thức trong năm 2019 và trở thành điểm sáng trong khu vực quốc gia mới nổi và đường biên đồng thời duy trì đà tăng trưởng trong trung dài hạn” - báo cáo của BSC nhận định.
Quan điểm này của các chuyên gia phân tích BSC cũng có nhiều nét tương đồng với các nhận định của một số công ty chứng khoán khác.
Xét riêng diễn biến trên thị trường, nhìn lại năm 2018, TTCK Việt Nam cũng đã phản ánh phần nào tác động tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thế giới.
Cụ thể, dù nằm trong nhóm thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới trong Quý 1/2018, chỉ số VN-Index sau đó đã bước vào quãng thời gian điều chỉnh kéo dài và kết thúc năm ở mức 892,54 điểm, giảm 9,3% so với đầu năm.
Một thống kê khác của CTCP Chứng khoán MB (MBS) cũng cho thấy, năm 2018 là một năm đầy biến động của TTCK Việt Nam với tổng số các phiên chỉ số VN-Index tăng/giảm hơn 2% đạt 37 phiên, gia tăng đột biến so với một số năm trước đó.
Năm 2018 là một năm đầy biến động của TTCK Việt Nam (Nguồn: MBS)
|
Kịch bản nào cho chỉ số VN-Index 2019?
“Kỳ vọng thị trường tăng trưởng cà về lượng và chất” là một trong những quan điểm về TTCK Việt Nam của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Theo đó, các chuyên gia VCBS đặt nhiều kỳ vọng vào một kịch bản tăng trưởng tích cực nhưng cũng dự báo các chỉ số chính sẽ dao động trong biên độ khá lớn, khoảng từ 300 - 350 điểm.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2019 được dự báo sẽ đạt khoảng 255 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn, tương ứng với mức tăng 12% so với năm trước. Giá trị giao dịch được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 14%, tương ứng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 5.700 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Kỳ vọng nhiều vào câu chuyện nâng hạng thị trường, các chuyên gia MBS đặt ra 2 kịch bản cho TTCK Việt Nam vào năm tới.
Cụ thể, trong kịch bản lạc quan, chỉ số VN-Index được dự báo cuối năm 2019 ở mức từ 1.000 - 1.000 điểm. Ngược lại, trong kịch bản thận trọng, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 900 - 960 điểm vào cuối năm 2019.
Tương tự, các chuyên gia BSC nhận định TTCK Việt Nam đang trong quá trình hình thành vùng tích lũy, mặt bằng cổ phiếu đã giảm về mức hợp lý (với mức P/E dự phóng cho năm 2019 đạt 15,8 lần, tương đương năm 2018) trong khi tốc độ lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì tốt sẽ tạo mặt bằng giá hấp dẫn, hỗ trợ thị trường năm 2019.
Dự báo diễn biến thị trường năm tới, báo cáo của BSC cho biết VN-Index sẽ có kịch bản giá dao động từ 800.3 điểm đến 1,265.6 điểm, trọng tâm tại 1,050 điểm vào cuối năm 2019. Thời điểm diễn biến tích cực của thị trường sẽ nằm trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6, khi các thông tin nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp được công bố bởi FTSE Russell sẽ tạo động lực quan trọng thu hút dòng tiền mới tham gia.
Ngoài ra, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam được dự báo đạt 202 tỷ USD nhờ hoạt động chuyển sàn và niêm yết mới. Thanh khoản bình quân thị trường đạt 310 triệu USD/phiên./.
Ý kiến bạn đọc...