Kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn là thách thức
14:46 | 17/10/2018
DNTH: Mặc dù Chính phủ cho biết sẽ nỗ lực để kiểm soát lạm phát 2018 dưới 4% như mục tiêu đã đề ra, song vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề này trong bối cảnh các yếu tố khách quan tác động tới lạm phát đang hiện hữu.
Trong tương lai gần, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu năm 2018 có thể kiểm soát được thì tới 2019 vấn đề lạm phát sẽ chịu sức nén của việc kiểm soát từ 2018 và sẽ có thể có những bùng nổ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nối tiếp đà tăng của quý II, lạm phát vẫn được giữ ở mức cao trong quý III/2018. Theo đó, sau khi tăng cao lên 4,67% của quý II, lạm phát toàn phần đã suy giảm nhẹ trong quý III và duy trì ở mức 3,98%.
Tính chung lạm phát cả năm 2018 đến hết tháng 9 đang ở mức 3,57%. Theo đánh giá, lạm phát quý III tuy không còn tăng cao như quý trước nhưng vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục.
Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh cho rằng, trong 9 tháng qua, dòng vốn (trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam có giảm, có hiện tượng rút vốn song không ồ ạt. Tuy nhiên, cần lưu ý tới điều này, bởi xu hướng tăng lãi suất của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục vào tháng 12 tới và 2 lần trong năm 2019.
Khi đó, dòng vốn sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi, nhất là những nền kinh tế có rủi ro cao. “Mặc dù có thể vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay là 4%, song lạm phát vẫn có xu hướng tăng lên, có sức ép tăng từ thị trường hàng hóa thế giới và sự mất giá của VNĐ cũng như sức ép của các loại thuế, phí kéo theo lãi suất liên ngân hàng tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên chuyển hướng trọng tâm chính sách từ tăng tưởng tín dụng sang mục tiêu kiểm soát lạm phát, bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiện đạt được rồi và nếu lạm phát xảy ra thì rất khó kiểm soát, phải trả giá rất đắt”, chuyên gia Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
![]() |
Kiểm soát lạm phát 4% cho năm 2018 sẽ có nhiều thách thức hơn so với năm 2017. (Ảnh: P.Anh) |
Chuyên gia này cũng cảnh báo, lạm phát đã xảy ra chống lại rất khó, trong khi phòng ngừa lạm phát dễ hơn rất nhiều. “Khi lạm phát xảy ra, chúng ta có biện pháp thắt chặt tiền tệ, nhưng cái giá của việc chống lạm phát rất lớn bởi một trong những giải pháp chống lạm phát là tăng lãi suất. Nếu tăng lãi suất sẽ giết chết DN và làm giảm tăng trưởng trong dài hạn”, TS. Phạm Thế Anh cảnh báo thêm.
Liên quan đến vấn đề này, theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự gia tăng của CPI trong năm nay là giá lương thực, thực phẩm phục hồi mạnh so với năm 2017.
Sau khi chạm mức đáy trong vòng 30 năm, giá thịt lợn trong năm 2018 đã phục hồi rất mạnh do mất cân đối cung - cầu khi nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ nuôi lợn sau khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái, giá lợn hơi quý III đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, báo cáo của Viện này cũng cho biết, các dịch vụ công đóng góp lớn cho sự gia tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2018. Cụ thể,việc các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BHYT của Bộ Y tế đã làm cho giá mặt hàng này tăng tới 18,26% và làm CPI chung tăng 0,71%.
Trong khi đó, việc các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cũng làm CPI nhóm hàng giáo dục tăng 7,02% và tăng CPI tổng 0,36%.
Một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất là giá mặt hàng xăng dầu. Thông thường, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên.
Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.Quý cuối cùng của năm 2018 khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, theo dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, lạm phát các tháng cuối năm 2018 có khả năng sẽ vượt quá mốc 4% và một tín hiệu cho thấy khả năng này có khả thi là giá xăng đã tiếp tục tăng mạnh từ chiều ngày 6-10-2018.
Tuy nhiên, “với tham vọng thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, chúng tôi cho rằng khả năng này vẫn ở mức thấp”, PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho biết. Theo đó, Viện Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo, quý IV năm 2018, lạm phát của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 4,25%.
“Mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó có thể đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy. Đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế”, PGS. TS Nguyễn Đức Thành nói, đồng thời cho rằng chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV/2018.
Liên quan vấn đề điều hành tỷ giá, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay chúng ta đang điều hành tỷ giá với mục tiêu ổn định, nhưng ổn định chỉ nên ở mức tương đối, nếu tỷ giá ổn định quá trong khi Nhân dân tệ đang mất giá nhiều hơn so với USD thì hàng hóa Trung Quốc sẽ tuồn vào Việt Nam với giá rất rẻ.
Hàng hóa Trung Quốc vốn đã rất rẻ những nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục phá giá so với đồng USD nữa thì càng rẻ hơn, điều này không những ảnh hưởng tới lạm phát mà còn làm cho hàng hóa của DN Việt khó cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, đây là vấn đề rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Do đó, chuyên gia này cho rằng, điều chỉnh tỷ giá tiền đồng Việt Nam với USD là cần thiết, và nên điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa biên độ tỷ giá của Nhân dân tệ với USD và tiền đồng với USD hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lạm phát mang tính mùa vụ và đang có xu hướng tăng lên vì thông thường lạm phát tăng vào cuối năm, cuối năm cũng là thời kỳ tín dụng tăng, giải ngân đầu tư công tăng lên. Cùng với yếu tố bất định của kinh tế thế giới, đặc biệt giá dầu có thể tiếp tục tăng, xu hướng lạm phát của Việt Nam tăng lên và khả năng lan rộng sang năm 2019.
Chưa kể, các yếu tố kìm nén lạm phát của 2018 (như việc không tăng giá điện trong năm 2018...) sẽ là yếu tố gây sức ép cho lạm phát 2019 nếu được áp dụng. Do đó, điều hành của Chính phủ cần phải thận trọng hơn trong chính sách tiền tệ, thắt chặt, kiểm soát tín dụng.
Phương Anh
Theo Phapluatxahoi.vn

Xuất khẩu gạo tăng hơn 23% về trị giá
DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1, Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng giá trị thấp
DNTH: Lần đầu tiên sau 4 năm, năng suất lao động bình quân cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng sự phân bổ lại không đồng đều giữa các khu vực.

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại
DNTH: Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD
DNTH: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam...

Sở Công thương Gia Lai hoàn thành 36/36 nhiệm vụ được giao trong năm 2024
DNTH: Năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó 100% nhiệm vụ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian quy định.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ có thể đạt 10 tỷ USD
DNTH: Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này có thể đạt 10 tỷ USD năm 2025.
Đô thị cuộc sống
-
Trong tháng 4 mưa đá có thể xuất hiện nhiều
-
2 kỳ nghỉ lễ trong tháng 4/2025 của công chức, viên chức và người lao động
-
Mùa hè năm 2025 sẽ nắng nóng ít gay gắt hơn
-
Gần 60% tổng số xã của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
-
Hội thảo "Chuyển đổi xanh: Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ"
-
Hành trình khám phá ẩm thực độc đáo ở trái tim Thụy Sỹ
Thị trường
-
Ô tô cũ ế ẩm, giới buôn “có lời là bán”
-
"Lướt sóng" bất động sản thời điểm này 90% là thất bại
-
Ninh Thuận bứt phá ngoạn mục, trở thành “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư
-
Bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
-
M&A bất động sản phía Nam nhộn nhịp trong mùa dịch
-
Ô tô giảm giá “chạy” tháng ngâu
Ý kiến bạn đọc...