Lãi suất vay mua nhà ngày càng cao, gây áp lực cho người trả nợ

21:00 | 04/03/2019

DNTH: Lãi suất cho vay mua nhà đang nhích lên, nhất là với những người vay mua nhà vài năm trước đây, gây áp lực không nhỏ trong việc trả nợ.

Lãi suất vay mua nhà ngày càng cao, gây áp lực cho người trả nợ - Ảnh 1.

Nhân viên ngân hàng làm thủ tục cho khách vay mua nhà tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy lãi suất huy động liên tục nhích lên thời gian dài vừa qua dẫn đến lãi suất các khoản cho vay tiêu dùng, trong đó có vay mua nhà, xây, sửa nhà tăng lên, phổ biến 11-12,5%/năm.

Càng trả càng tăng

Vay gần 500 triệu đồng của một ngân hàng (NH) từ giữa năm 2016, thời hạn 20 năm, lãi suất cố định ở mức 9%/năm trong vòng hai năm, mỗi tháng chị Kim Oanh (Q.Tân Phú, TP.HCM) trả cả gốc lẫn lãi khoảng 5 triệu đồng. 

Từ giữa năm 2018, số tiền phải trả hằng tháng cứ tăng dần đều, có tháng lên đến 6 triệu đồng vì NH tăng lãi suất và đến tháng 1-2019 áp dụng mức mới: 11,2%/năm. Dù nợ gốc chỉ còn 390 triệu đồng, nhưng số tiền lãi phải trả tăng thêm cả triệu đồng mỗi tháng.

Những người vay tiền mua nhà, sửa nhà cho biết lãi suất trên thị trường hiện đã chạm mức 12,5%/năm, gây khó cho những trường hợp giải ngân theo tiến độ. 

Chị Minh Hà (Q.Bình Thạnh) vay NH 800 triệu đồng để mua một căn hộ trong 15 năm, ban đầu số tiền giải ngân còn thấp và lãi suất ưu đãi chưa đến 8%/năm, nhưng sau khi giải ngân hết số tiền trên thì phần cả gốc lẫn lãi phải trả tăng chóng mặt. 

Hiện tại, với mức lãi suất 12%/năm, mỗi tháng chị phải trả 12,5 triệu đồng. "Nếu lãi suất tăng cao nữa chắc tôi phải bán căn hộ để giảm bớt áp lực" - chị Hà than.

Người vay cân nhắc

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất cho vay mua nhà tăng như tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn hiện nay chỉ còn 40%, giảm 5% so với mức trước đây buộc các NH phải tăng lãi suất huy động tiền gửi dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn. 

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần cho rằng giá vốn đầu vào hiện quá cao, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã ở mức 7-8%/năm, cộng thêm chi phí, dự trữ bắt buộc nên lãi suất cho vay bất động sản "nếu trên 10%/năm thì biên lợi nhuận còn rất thấp", chỉ khoảng 2%, do vậy "dư địa để giảm lãi suất cho vay gần như rất thấp".

 

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), cho hay dù vẫn chưa được phân bổ chỉ tiêu tín dụng nhưng SCB vẫn không hạn chế các khách vay mua căn hộ, mua nhà để ở có nguồn trả nợ bằng lương hoặc nguồn thu nhập từ kinh doanh. 

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), khi nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị siết lại, lãi suất cho vay sẽ đắt hơn do NH phải tăng lãi suất để huy động vốn dài hạn và trên thực tế lãi suất trên thị trường đã tăng.

Chuyên gia Bùi Quang Tín khuyến cáo người vay mua nhà nên cân nhắc vì lãi suất tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến việc trả nợ. "Người làm công ăn lương có nhu cầu vay nên cân nhắc, "liệu cơm gắp mắm" để bảo đảm được khả năng trả nợ" - ông Tín khuyến cáo.

Ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM):

Thời gian qua, lãi suất cho vay với cá nhân mua nhà, cho vay bất động sản có nhích lên do lãi suất huy động trên thị trường tăng và NH Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt dòng vốn vào bất động sản. Còn vốn vay cho các lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất cho vay thấp hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng lạm phát chưa đến 4% mà lãi suất cho vay trên dưới 10%/năm là quá cao, tôi cho rằng lãi suất cho vay liên quan đến nhiều yếu tố.

Hiện mức lãi suất trên dưới 10%/năm áp dụng cho người vay mua nhà, khoản vay dài 10-15 năm vì lãi suất huy động với khoản gửi dài đã lên đến 7-8%/năm, thậm chí cao hơn. Do vậy, lãi suất cho vay với các khoản cho vay dài hạn để mua nhà cũng tăng theo.

Ông Đặng Quốc Hùng (phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.1, TP.HCM):

Lãi suất luôn "bẫy" người vay

Muốn vay được vốn, ngoài việc phải có tài sản thế chấp, doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng nhiều điều kiện khách quan như kinh doanh có lời, không được lỗ.

Do đó, không phải doanh nghiệp nào cần vốn cho sản xuất kinh doanh cũng có thể vay được vốn dù lãi suất không phải thấp, hiện 8,5-10%/năm (tùy NH).

Nếu so với mức lạm phát được công bố, lãi suất cho vay này cao hơn khá nhiều. Chưa hết, lãi suất cho vay luôn tăng sau 6 hoặc 9 tháng. Đây chính là rủi ro mà doanh nghiệp thấy trước được, nhưng khó "né" được vì đã làm ăn thì ai cũng "khát" vốn, luôn phải đi vay.

T.V.N. ghi

Theo Báo TT

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất khẩu gạo tăng hơn 23% về trị giá

DNTH: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1, Việt Nam xuất khẩu trên 268.700 tấn, trị giá gần 165,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng tăng 38,7% và về trị giá tăng 23,28%.

Năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhưng giá trị thấp

DNTH: Lần đầu tiên sau 4 năm, năng suất lao động bình quân cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng sự phân bổ lại không đồng đều giữa các khu vực.

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại

DNTH: Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

Xuất khẩu da giày có thể đạt khoảng 27 tỷ USD

DNTH: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam...

Sở Công thương Gia Lai hoàn thành 36/36 nhiệm vụ được giao trong năm 2024

DNTH: Năm 2024, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công thương thực hiện 36 nhiệm vụ, trong đó 100% nhiệm vụ đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng về nội dung và thời gian quy định.

Xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ có thể đạt 10 tỷ USD

DNTH: Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này có thể đạt 10 tỷ USD năm 2025.

XEM THÊM TIN