GDP năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì quanh mức 6,8%
Trong báo cáo “Kinh tế vĩ mô 2018 và triển vọng 2019”, các chuyên gia MBS cho biết tăng trưởng GDP Việt Nam rất tích cực trong năm 2018, đạt 7,08%, cao hơn so với mức tăng 6,81% của năm 2017 và là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn đang có dấu hiệu tốt, thể hiện qua mức tăng trưởng đều đặn theo từng quý.
Về cơ cấu nền kinh tế, báo cáo cho biết nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự chuyển dịch tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2018 theo giá hiện hành ước tính đạt 1,85 triệu tỷ VNĐ, với tỷ lệ vốn đầu tư /GDP năm 2018 đạt 33.5%. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước chiếm 33.4% tổng vốn; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 41.3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 25.3%.
Trong năm 2015, 2016, 2017 và năm 2018 với việc đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, khu vực này sẽ tiếp tục giảm tỷ trọng và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân (hiệu quả hơn) tăng trưởng, đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế.
“Mặc dù khu vực nhà nước vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội song xu hướng co hẹp của khu vực này là rõ ràng” - báo cáo của MBS cho biết và đánh giá cao xu hướng chuyển biến này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định hiệu năng của nền kinh tế tiếp tục có sự cải thiện trong năm 2018, nhờ quá trình tự tái cơ cấu của kinh tế trong các năm trước và các chính sách cải cách cơ cấu của Chính Phủ. Mức độ thâm dụng tín dụng trong nền kinh tế giảm đáng kể khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thấp hơn ở mức dưới 16% trong khi tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức cao.
“Hiệu năng của nền kinh tế cải thiện đã giúp Việt Nam giải quyết một cách căn bản tình trạng bất ổn của nền kinh tế với lạm phát cao, VND mất giá và bong bóng tài sản” - chuyên gia MBS nhận định.
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP trong năm 2019 và cho biết khả năng đạt mức tăng trưởng 6,8% như kế hoạch của Chính phủ là khả thi.
Tuy nhiên, báo cáo cũng thể hiện lo ngại của các chuyên gia MBS về áp lực lạm phát gia tăng, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên, dư địa nới lỏng chính sách không còn nhiều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có khả năng đang trong giai đoạn cuối của một chu kỳ tăng trưởng. Do đó, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chững lại trong năm 2020 và 2021.
Tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì quanh mức 15%
Trích dẫn lại số liệu từ Tổng cục thống kê, báo cáo của MBS cho biết chỉ số CPI bình quân 2018 tăng 3,54% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Riêng CPItháng 12/2018 tăng 2,98% so với tháng 12/2017. Lạm phát lõi năm 2018 chỉ tăng 1.48% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân lạm phát tiếp tục được duy trì ổn định, theo báo cáo, là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với việc giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và cung tiền so với năm ngoái.
Trong năm 2018, tín dụng ước tăng dưới 16% và cung tiền ước tăng dưới 14%, thấp hơn đáng kể so với năm 2017. Do đó, áp lực tổng cầu lên lạm phát không quá lớn khi nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn tương đối ổn định. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá thực phẩm giảm trở lại trong các tháng cuối năm cũng tạo điều kiện thuận lợi khiến áp lực lạm phát suy giảm.
Mặt khác, trong năm 2018, NHNN đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống.
Đáng chú ý, NHNN đã ban hành chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018, trong đó không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt và tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng đã cho thấy quan điểm điều hành rất thận trọng.
Năm 2019, định hướng chính sách tiền tệ của NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục mang tính thận trọng như trong nửa cuối năm 2018.
Thông điệp xuyên suốt được đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất thay vì hạ mặt bằng lãi suất. Tăng trưởng tín dụng cũng được định hướng ở mức dưới 15% thấp hơn năm 2017 và 2018. Tăng trưởng cung tiền được định hướng ở mức 14 - 15% thấp hơn năm 2017 và 2018.
Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là kể từ 1/1/2019 trở đi sẽ giảm xuống còn 40%. Quy định này cũng sẽ khiến áp lực huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lên và làm giảm khả năng tăng trưởng tín dụng của các NHTM.
Tuy vậy, lạm phát đã không còn ở mức thấp, cộng thêm tỷ giá chịu sức ép từ tình trạng đồng USD gia tăng trên thị trường thế giới khiến dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của NHNN là khá thấp.
Kết hợp với định hướng nêu trên, các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ kiểm soát cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý (nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ so với năm 2017) nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ như các quý cuối năm 2018./.
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...