Mùa kinh doanh cuối năm: Tăng tốc kích cầu tiêu dùng

20:01 | 16/10/2023

DNTH: Hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa đang được triển khai mạnh nhằm đón đầu mùa mua sắm cuối năm trong bối cảnh kinh tế đang dần phục hồi

Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ mua sắm

Ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, năm nay sức mua chậm lại do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên hầu hết các nhà bán lẻ đều tung khuyến mãi giảm giá hàng hóa từ 10-30% để “thăm dò” thị trường đối với mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc Vissan cho biết, đến thời điểm này, sản lượng hàng hoá của doanh nghiệp giảm 10% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hoá giảm là do kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi tác yếu tố không thuận từ bên trong và bên ngoài. Người tiêu dùng vẫn tiết kiệm chi tiêu và quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa.

Kỳ vọng thị trường sẽ “ấm lên”, doanh nghiệp này đã chuẩn bị ngân sách để dự trữ, sản xuất hàng hoá cuối năm, hàng Tết. Để kích cầu tiêu dùng, Vissan sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên được giảm giá đến 30%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ giảm giá nhưng ở mức thấp hơn.

tieu-dung-1
Trong bối cảnh kinh tế đang dần phục hồi, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa đang được triển khai mạnh nhằm đón đầu mùa mua sắm cuối năm. Ảnh minh hoạ

Tùy vào đặc thù kinh doanh, các doanh nghiệp khác cũng có chiến lược riêng. Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – Tổng giám đốc Sông Hương Foods chia sẻ, doanh nghiệp đang đẩy mạnh hơn việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, cụ thể mạnh nhất là Tiktok để “tận dụng kênh phân phối quan trọng bên cạnh hệ thống siêu thị hiện đại”.

Ông Lương Vạn Vinh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho hay, hiện sản phẩm của công ty luôn hiện diện ở trong hệ thống hiện đại, nhưng ở các cửa hàng truyền thống vẫn là chủ yếu. Đưa hàng vào siêu thị gặp nhiều khó khăn hơn nên Mỹ Hảo đầu tư mạnh cho thị trường truyền thống. Trong việc làm thị trường truyền thống, quan trọng nhất vẫn là con người và hệ thống quản lý của mình, nghiêm túc, “có hệ thống, có giải pháp về độ phủ”… để mọi việc chạy một cách dễ dàng.

Cùng với đó, các nhà bán lẻ cũng đang đàm phán với đơn vị sản xuất giữ giá những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng sức mua của người dân. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, xu hướng tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 nghiêng về những mặt hàng thiết yếu và hạn chế các sản phẩm cao cấp. Theo đó, mỗi nhà bán lẻ nắm bắt nhu cầu tiêu dùng để tìm nguồn hàng và đưa ra phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trên thị trường.

Ông Đức phân tích: “Thương mại điện tử không làm tăng nguồn cung, chỉ gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng, trong khi đó mức chi tiêu hộ gia đình đã nằm trong tính toán nên người bán hàng phải tăng chất lượng hàng hóa và phục vụ”.

Tương tự, đại diện siêu thị MM Mega Market cũng cho hay, cuối năm sẽ còn nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua. Việc giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu là phương án được ưu tiên xuyên suốt, trong đó nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%.

Nắm bắt thị trường, linh hoạt giải pháp

Đánh giá về thị trường tiêu dùng cuối năm, bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam chỉ ra, trong khoảng hai năm gần đây có nhiều sự thay đổi về kinh tế vĩ mô, khiến người tiêu dùng phân ra hai nhóm là nhóm người tiêu dùng vẫn có sự lạc quan, là người có điều kiện, thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp, người lao động chân tay bị ảnh hưởng, họ bi quan hơn rất nhiều. Vậy phải làm thế nào thỏa mãn được nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau?

Chuyên gia này khuyến nghị với doanh nghiệp cần suy nghĩ tới việc cân đổi danh mục sản phẩm của công ty mình, để vẫn có những sản phẩm thu hút người tiêu dùng, cho người ta vẫn chi tiền, sản phẩm cần thiên về tốt cho sức khỏe, thêm nhiều giá trị và có tính cá nhân hóa cao hơn.

“Đồng thời, cần phải có những chương trình kích cầu trong ngắn hạn để giữ chân khách hàng trong thời điểm khó khăn này. Về tương lai lâu dài, sẽ vẫn là những hoạt động liên quan tới xây dựng thương hiệu”, bà Nga nói.

Xét riêng về nhóm người tiêu dùng vẫn có khả năng chi tiêu nhiều sản phẩm cao cấp, xanh, sạch thì cần có sự rõ ràng về thông tin. Nếu người tiêu dùng nhóm này không nhận được những thông tin rõ ràng, minh bạch, họ sẽ không sẵn sàng trả tiền.

Cũng theo bà Phương Nga, Tết 2024 này, người tiêu dùng sẽ không chi tiền ào ạt giống như những mùa Tết trước đây, bởi theo quan sát của Kantar Việt Nam, trong mùa Trung thu vừa qua, người ta chi tiêu một cách cầm chừng, mua từ từ. Thực tế, khảo sát của Kantar Việt Nam cho thấy, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, điều này tạo ra biến động trong xu hướng tiêu dùng, nhất là giai đoạn cuối năm.

Điểm mới của mùa mua sắm cuối năm 2023, việc kích cầu sức mua tiêu dùng còn có sự tham gia của các ngân hàng, các công ty tài chính, ví điện tử hợp tác với nhà bán lẻ hàng hóa. Nhờ đó người tiêu dùng thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản, quét mã QR Code… sẽ được giảm giá, ưu đãi khá lớn. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại tích cực tham gia cho vay đối với các doanh nghiệp bình ổn thị trường với lãi suất thấp nhằm góp phần giữ giá thành sản phẩm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tiếp tục cung ứng vốn kịp thời cho các doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và giữ ổn định giá cả hàng hóa những tháng cuối năm, nhằm phục vụ người tiêu dùng mua sắm Tết Nguyên đán với chi phí hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM nói: “Các ngân hàng cần tiếp tục tiết giảm chi phí thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm cho vay và thanh toán phục vụ doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh hàng hóa Tết. Bởi mô hình kinh tế hộ gia đình ở các quận huyện cận trung tâm và ngoại ô hiện nay chiếm một tỷ lệ rất lớn và là lực lượng chính tham gia cung ứng hàng hóa dịch vụ, nhu cầu tài chính rất đa dạng”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận xét: “Có nhiều yếu tố bất định, nhiều sự thay đổi của thị trường, quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải nắm chắc những thông tin, dự báo và đồng thời chọn lựa giải pháp của mình từ ngắn hạn đến dài hạn để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của người tiêu dùng”. Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là chất lượng sản phẩm. Thứ hai là hệ thống phân phối đang có những sự thay đổi và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo Người đưa tin

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo khu vực về hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng với biến đổi khí...

DNTH: Ngày 5/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Châu Á vì sự phát triển nông thôn bền vững (AFA) tổ chức Hội thảo khu vực chương trình APFP- FO4A về hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững thích ứng với...

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

XEM THÊM TIN