Bộ phận nghiên cứu của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa công bố báo cáo về ngành ngân hàng Việt Nam. Trong đó, bên cạnh những nhận định lạc quan về triển vọng lợi nhuận và chất lượng tài sản, các chuyên gia Moody’s đánh giá hầu hết các ngân hàng vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt hơn theo chuẩn mực Basel II có hiệu lực vào năm 2020.
Do đó, Moody’s nhận định tăng vốn sẽ là mục tiêu trọng tâm của các ngân hàng trong năm 2019. Với bối cảnh thị trường vốn trong nước hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài được cho là giàu tiềm năng để các ngân hàng trong nước huy động thêm vốn.
Thực tế, trong quãng thời gian từ cuối năm 2018 cho tới nay, đã có nhiều nhà đầu tư, cổ đông nước ngoài tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ các ngân hàng trong nước trong việc tăng vốn điều lệ, cải thiện hệ số an toàn vốn, phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trong đó, tín hiệu rõ ràng nhất có lẽ là hoạt động “ghép đôi” giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID) và nhà đầu tư chiến lược KEB Hana Bank đến từ Hàn Quốc.
Vào tháng 11/2018, cổ đông của BIDV đã đồng ý thông qua việc thực hiện chào bán riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phiếu BID (tương đương 15% vốn điều lệ sau phát hành) cho KEB Hana Bank. Thời gian phát hành dự kiến trong giai đoạn từ năm 2018 - 2019.
Nếu thực hiện phát hành thêm thành công cho nhà đầu tư chiến lược, quy mô vốn điều lệ của BIDV dự kiến sẽ tăng lên mức 40.220 tỷ đồng, góp phần giúp ngân hàng này cải thiện đáng kể hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II.
Đối với trường hợp của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã CK: CTG), dư địa để ngân hàng này triển khai các giải pháp tăng vốn điều lệ có phần eo hẹp hơn nhiều.
Ngân hàng này khó có thể thực hiện phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại khi tỷ lệ sở hữu của Nhà nước đã ở mức thấp nhất có thể (64,46%), trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài luôn trong tình trạng kín room (30%).
Giải pháp tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là phương án khó khả thi vì phải phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là quyết định của Bộ Tài chính với lý do đến từ vấn đề ngân sách.
Để giải quyết bài toán tăng vốn “rất bức thiết” của VietinBank, Tập đoàn tài chính Nhật Bản Mistubishi UFJ Financial Group (MUFG), cổ đông chiến lược đang nắm giữ 19,73% cổ phần, cho biết sẵn sàng hỗ trợ ngân hàng này tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.
Một ngân hàng trong tốp đầu khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã CK: VCB) cũng tiếp tục đệ trình đại hội cổ đông xem xét thông qua phương án tăng vốn trong năm 2019.
Trước đó, ngân hàng này đã chào bán được hơn 111,1 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài là GIC Private Limited và Mizuho Bank để thu về số tiền hơn 6.167 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cổ phần trên mới chỉ chiếm 30% tổng số cổ phần mà Vietcombank dự kiến phát hành thêm cho các nhà đầu tư ngoại để tăng vốn điều lệ.
Do đó, không loại trừ khả năng Vietcombank sẽ tiếp tục thực hiện chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra quan tâm tới trường hợp của Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Mới đây, ông Kim Gwang Soo - Chủ tịch Tập đoàn Tài chính NongHuyp (NHFG - Hàn Quốc) - đã đề xuất được hỗ trợ Agribank trong quá trình cổ phần hóa.
Nếu đề xuất này được thông qua, rất có thể NHFG sẽ hiện thực hóa bằng việc tiến hành nắm giữ một lượng lớn cổ phần Agribank và thậm chí, nhà đầu tư này có thể giúp ngân hàng tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Không chỉ riêng các ngân hàng có vốn nhà nước, ở khối các ngân hàng tư nhân, một số ngân hàng cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Trong đó, có thể kể tới Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) với kế hoạch huy động 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi từ các nhà đầu tư nước ngoài để cải thiện hệ số CAR của ngân hàng./.
Lợi nhuận ngân hàng Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục cải thiện Báo cáo nghiên cứu của Moody’s cho biết tổng lợi nhuận trên tài sản (ROA) của các ngân hàng Việt Nam mà đơn vị này theo dõi xếp hạng đã tăng lên từ mức 0,9% năm 2017 lên mức 1,1% năm 2018. Bên cạnh đó, tổng thu nhập ròng (Aggregate net income) của các ngân hàng này trong năm 2018 đạt tới 70 nghìn tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tương đương với tốc độ tăng trưởng 35% so với năm trước, mặc dù tăng trưởng tín dụng được kiểm soát. Lợi nhuận của các ngân hàng được cải thiện nhờ biên độ chênh lệch lãi suất ròng (chênh lệch giữa lãi suất giữa huy động và cho vay) tăng và chi phí tín dụng thấp hơn. Việc tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cũng giúp các ngân hàng đẩy mạnh xử lý các khoản nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản. "Năm 2019, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam (do Moody’s theo dõi xếp hạng) sẽ tiếp tục được cải thiện hơn nữa nhờ chênh lệch lãi suất tiếp tục gia tăng và chi phí tín dụng thấp hơn" - Rebaca Tan, chuyên gia phân tích của Moody's cho biết. Vị chuyên gia này cũng nhận định tốc độ tăng trưởng trong năm 2019 sẽ được giữ ở mức ổn định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ hơn. Quy mô vốn hóa của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ được gia tăng nhờ lợi nhuận cao hơn và tăng trưởng tín dụng ổn định./. |
Theo Viettimes
Ý kiến bạn đọc...