Người mua nhà mất khả năng thanh toán

14:19 | 17/08/2020

DNTH: Không ít người vay tiền ngân hàng để mua nhà trả góp nhưng phải rao bán "lúa non" hoặc trả lại nhà cho chủ đầu tư, chịu phạt vì thu nhập giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, nhiều người mua nhà, căn hộ trả góp hoặc thanh toán theo tiến độ từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Đến giờ, do tác động của dịch bệnh khiến thu nhập giảm sút, họ không đủ khả năng trả góp tiền gốc và lãi hằng tháng cho ngân hàng (NH), cũng như thanh toán theo tiến độ cho chủ đầu tư.

Xoay xở đủ cách

Chị Phạm Thu Hồng (ngụ quận 2, TP HCM) trước đây được NH nơi chị làm việc bảo lãnh vay vốn để mua căn hộ tại một dự án ở quận 9, TP HCM. Đầu năm nay, khi dịch Covid-19 xảy ra, vì là mẹ đơn thân nên chị xin nghỉ không lương 1 tháng để trông con. Hết thời hạn nghỉ, con vẫn chưa đi học lại và cũng không có người trông, chị xin nghỉ tiếp nhưng không được chấp thuận. Thời điểm đó, hợp đồng lao động của chị cũng vừa kết thúc, NH không ký lại với lý do cắt giảm nhân sự vì khó khăn.

Chị Hồng không còn thu nhập ổn định, NH không tiếp tục giải ngân cho vay để đóng tiền mua nhà, trong khi chỉ còn 2 kỳ thanh toán theo tiến độ là chủ đầu tư bàn giao nhà. Xoay đủ cách vẫn không có tiền, chị đành rao bán căn hộ nhưng 3-4 tháng nay chưa có ai mua, dù giá chỉ ngang bằng thời điểm mua từ chủ đầu tư.

"Tôi đã trễ hạn thanh toán 1 kỳ, nếu thêm 1 kỳ nữa sẽ bị chủ đầu tư thu hồi nhà, còn phải đóng tiền phạt và các loại phí khác. Tôi thật sự lo lắng..." - chị Hồng than thở.

Anh Hoàng Cường, đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu ở TP HCM, cho hay trước đây, anh mua một căn hộ ở quận 2 của Tập đoàn N., thanh toán theo tiến độ. Đến nay, công ty khó khăn, đơn hàng ít, thu nhập giảm, anh không kham nổi tiền nhà nên đành rao bán lại nhưng chưa có ai mua vì dự án chưa đủ pháp lý, nhà vẫn nằm trên giấy.

"Liên lạc chủ đầu tư, họ cho biết tôi có thể chuyển sang mua căn hộ của dự án khác có đầy đủ pháp lý; còn nếu lấy lại tiền phải mất 30% tổng số tiền đã thanh toán vì phải bù tiền hoa hồng và các chi phí khác" - anh Cường băn khoăn.

mua-nha

Nhiều người mua nhà thanh toán theo tiến độ hoặc trả góp đang mất khả năng thanh toán do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Ảnh: TẤN THẠNH

Vợ chồng chị Lê Loan (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) một người làm giáo viên, một người làm hướng dẫn viên du lịch nội địa. Từ khi dịch bệnh xảy ra, Loan phải nghỉ mấy tháng, chồng chị cũng không thể đi tour mà ở nhà trông con.

"Thu nhập cả vợ chồng giảm sút nghiêm trọng khiến khoản vay trả góp mua căn hộ hằng tháng trở thành gánh nặng. Vừa rồi, tôi chuyển công tác sang giảng dạy ở quận khác nên quyết định bán căn hộ đang ở để tất toán nợ vay NH và thuê nhà để ở chờ cơ hội mua căn khác" - chị Loan cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, lãi suất vay mua nhà dành cho khách hàng cá nhân dù đã giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn còn khá cao so với các phân khúc khác. Hiện nhiều người phải vay NH mua nhà trả góp với mức lãi suất 10%-11,5%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài chỉ 6%-7%/năm.

"Sau năm đầu được vay ưu đãi, khoản vay của tôi ở một NH thương mại nhà nước vừa được thông báo sẽ áp dụng lãi suất 10,5%/năm. Nếu là khách vay mới, lãi suất có thể lên tới 11,2%/năm. So với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của NH này chỉ 6%/năm thì biên độ chênh lệch như vậy là khá cao" - anh Hoàng Nam, ngụ quận Thủ Đức, dẫn chứng.

Mong ngân hàng, chủ đầu tư hỗ trợ

Tổng giám đốc một công ty bất động sản thừa nhận dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách hàng mất việc, giảm thu nhập..., ảnh hưởng tới việc trả tiền mua nhà theo tiến độ dự án. Một số khách hàng bị mất khả năng thanh toán đã chấp nhận mất tiền cọc hoặc chịu phí phạt để trả nhà và nhận lại một phần tiền đã đóng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh, dòng tiền, chi phí triển khai dự án của chủ đầu tư; ngay cả đối tác cung cấp vật liệu, nhà thầu, nhà bán hàng cũng bị "vạ lây".

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho hay dự án của công ty đang trong giai đoạn bàn giao nhà nhưng có một vài khách hàng đề nghị nhận nhà muộn vì họ không đủ khả năng tài chính để đóng kỳ cuối. Hầu hết khách hàng giải thích dịch Covid-19 đã làm thu nhập của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Trước tình cảnh đó, công ty phải tìm hướng giải quyết hợp lý để giữ chân khách hàng.

Vì quá khó khăn, nhiều người vay mua nhà trả góp đã phản ánh hoặc gửi đơn đề nghị các NH thương mại giảm lãi vay hay cơ cấu lại thời gian trả nợ nhằm giúp họ giảm bớt áp lực tài chính. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cũng kiến nghị các NH thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi suất, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc... để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Thông tư 01 của NH Nhà nước.

Dưới góc độ một chuyên gia trong ngành, ông Ngô Quang Phúc cho rằng nếu dự án đang trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có thể giãn tiến độ thanh toán, giãn tiến độ giao nhà nhưng cần sự đồng ý của các bên liên quan. Nếu dự án chuẩn bị bàn giao, doanh nghiệp có thể đề nghị NH ân hạn thời gian trả nợ gốc và lãi cho người mua nhà. Về phía khách hàng, nếu quá khó khăn tài chính thì nên cân nhắc bán sớm nếu dự án đã có lời hoặc tìm giải pháp hợp lý nhất để tránh bị lỗ nặng.

Lãnh đạo nhiều NH thương mại cho biết đang triển khai Thông tư 01 của NH Nhà nước về miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, khoanh/ giãn nợ cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, khách hàng cá nhân vay mua nhà trả góp sẽ được giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ tùy vào chính sách của từng NH, tùy từng trường hợp bị giảm sút thu nhập cụ thể...

Dù vậy, một số NH cũng thừa nhận lãi suất vay mua nhà dành cho cá nhân sẽ không giảm mạnh như lãi vay của doanh nghiệp. Đặc biệt, với những người vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản, lãi suất sẽ cao hơn nhiều so với các phân khúc khác.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, NH Nhà nước đang khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhằm bảo đảm phù hợp thực tiễn; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, phí... nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trả nhà chưa chắc nhận được tiền

Một chủ đầu tư cho biết khi khách hàng có thông báo về chậm thanh toán tiền mua nhà, công ty hỗ trợ ban đầu là kéo dài thời gian thanh toán nhưng cũng không thể quá lâu vì sẽ ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án. Thông thường, các công ty sẽ phạt nếu khách hàng trả lại nhà, mức phạt từ 12%-18% trên tổng giá trị căn nhà. Nếu khách chỉ mới thanh toán một phần, tỉ lệ phạt có thể cao hơn vì như vậy mới đủ bù đắp chi phí cho công ty.

Tuy vậy, sau khi trả nhà, khách hàng chưa thể nhận lại tiền ngay mà phải đợi chủ đầu tư chuyển nhượng căn nhà đó cho người khác. Lúc này, người mua cũng không có lợi nên giải pháp là họ tự rao bán, chấp nhận lỗ hoặc lời ít hơn để sớm tất toán hợp đồng với doanh nghiệp, tránh được nhiều chi phí phát sinh.

Theo NLD

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tháng 11, sản xuất công nghiệp của cả nước tiếp tục xu hướng tích cực

DNTH: Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành...

Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng

DNTH: Tổng cục Thống kê cho biết 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa...

Doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cuối năm

DNTH: Cuối năm là thời điểm "nước rút" để các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng, ký kết các đơn hàng mới.

Doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tiêu dùng xanh

DNTH: Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng chủ đạo, tác động mạnh mẽ khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.

Giảm gánh nợ công

DNTH: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước phải đáp ứng nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội và quốc phòng, việc tiết kiệm chi tiêu không chỉ giúp giảm gánh nặng nợ công mà còn tạo điều kiện để tăng cường...

Năm 'điểm nóng' trên thị trường hàng hóa toàn cầu

DNTH: Nhu cầu của thế giới đối với ngô của Mỹ đang tăng lên. Sản lượng đồng của Chile, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, đang phục hồi sau nhiều năm sụt giảm. Và sự phát triển bùng nổ xe điện của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm...

XEM THÊM TIN