Nguyễn Hữu Đang - Trưởng ban tổ chức “Ngày Độc lập”

09:47 | 02/09/2019

DNTH: Được cử làm Trưởng ban tổ chức “Ngày Độc lập”, Nguyễn Hữu Đang đã dựng thành công lễ đài Độc lập giữa Quảng trường Ba Đình.

Ông Nguyễn Hữu Đang (bên trái) và GS Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ (1995) - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông nhanh chóng tập hợp được nhân tài vật lực là kiến trúc sư, thợ thi công, các nhà công thương hiến tặng vật liệu, nhà kỹ thuật lắp đặt thiết bị phóng thanh... dựng thành công lễ đài Độc lập giữa Quảng trường Ba Đình.

Trên lễ đài này, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời...

Ba lá thư của Ban Tổ chức “Ngày Độc lập”

Ngày 31/8/1945, bác sĩ Trần Duy Hưng - Thị trưởng Hà Nội nhận được liên tục 3 lá thư được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130 x 210 mm, bên ngoài đề Ban Tổ chức “Ngày Độc lập” thuộc Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nội dung các lá thư như sau:

Thư thứ nhất: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,

Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2/9/1945 một “Ngày Độc lập”.

Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập.

Kính thư: Nguyễn Hữu Đang”.

Thư thứ hai: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội

Nhân “Ngày Độc lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận. Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả giây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu toà Thị chính.

Kính thư: Nguyễn Hữu Đang”.

Thư thứ ba: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội

Muốn cho Ngày Độc lập tổ chức vào ngày 2/9/1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán hội Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở tài chính.

Kính thư, Nguyễn Hữu Đang”.

“Có khó thì mới giao cho chú chứ”

Thị trưởng Trần Duy Hưng cũng như nhiều nhân sĩ trí thức khác lúc đó không hề xa lạ với cái tên Nguyễn Hữu Đang. Hồi Mặt trận Bình dân (1936), được Đảng cử ra hoạt động báo chí công khai cùng với các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu...

Nguyễn Hữu Đang - chàng thanh niên quê mãi huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ăn vận sang trọng như công tử hạng nhất Hà thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp ba miền Bắc Trung Nam để diễn thuyết.

Oai phong và hùng biện khi tuyên truyền về cách mạng, Nguyễn Hữu Đang (bí danh Phạm Đình Thái) còn tạo niềm tin với các nhà tư sản như Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng, có thể vay tiền cho Đảng hoạt động bất cứ lúc nào mà không cần phải ký kết bất cứ giấy tờ gì (Việc này được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong Nhật ký).

Bút tích Nguyễn Hữu Đang viết về ngày 2/9/1945.

Nguyễn Hữu Đang còn là một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của “Hội Truyền bá Quốc ngữ” cùng thời với cụ Nguyễn Văn Tố, nhà trí thức Phan Thanh. Ông còn tham gia sáng lập và tổ chức “Hội Văn hoá Cứu quốc”. Nay là Trưởng ban Tổ chức Ngày độc lập.

Sau này, Nguyễn Hữu Đang kể lại sự kiện được giao làm Trưởng ban tổ chức “Ngày Độc lập” như sau: Ngày 28 tháng 8, Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào. Nguyễn Hữu Đang có việc cần phải giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Ông được cụ Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Bộ Cứu tế, dẫn vào gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh nhìn Nguyễn Hữu Đang một lúc với cặp mắt rất sáng, như muốn cân nhắc, đánh giá người sắp được giao trọng trách.

“Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: - Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2/9. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?

Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: - Thưa Cụ, việc cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi.

Cụ Hồ nói ngay: - Có khó thì mới giao cho chú chứ!

Tôi nói với ông Cụ: - Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách. 

Cụ Hồ đứng lên, bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: - Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào. 

Tôi chào Cụ, ra về, lòng rạo rực lâng lâng... Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng đó. Cụ hỏi ngay: - Chú còn cần gì nữa?.

- Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền....

- Quyền gì, chú cứ nói đi!

- Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của...

- Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Lễ đài Độc lập lịch sử

Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng vững chắc, hài hòa với tổng thể xung quanh...

Nguyễn Hữu Đang đã huy động được sự đóng góp của nhiều nhà trí thức và chuyên môn như Họa sĩ Lê Văn Đệ, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, ông Nguyễn Dực tham gia thiết kế hệ thống điện đài, âm thanh...

Họp mặt Ban tổ chức "Ngày Độc lập" - Nguyễn Hữu Đang (hàng ngồi, thứ 3 từ trái sang phải)

Chiều 2/9/1945, trên lễ đài này, chiếc ấn vàng và cây kiếm tượng trưng của chế độ quân chủ Việt Nam đã được trưng ra trước quốc dân đồng bào, cáo chung cho triều đại phong kiến cuối cùng... Một vị khách nước ngoài có mặt khi đó là A. Patti, viên thiếu tá chỉ huy trưởng Tình báo Chiến lược (OSS) của Hoa Kỳ. Sau này trong hồi ức của mình, đã phải thốt lên lời nhận xét về tính tổ chức cao của những người cách mạng Việt Nam qua buổi lễ lịch sử.

Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), quê làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đã được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng (8/1945), giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Thanh niên (1945-1946), Chủ tịch Ủy ban vận động Mặt trận văn hóa, Trưởng ban tuyên truyền xung phong Trung ương, Trưởng ban thanh tra Nha Bình dân học vụ (Bộ Giáo dục)…

Theo KIỀU MAI SƠN/Báo Nông Nghiệp

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Chào bán trái phiếu lãi suất 18%/năm, Apec Group mạnh cỡ nào?

Việc thông qua phương án phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm khiến giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi về tầm vóc của Apec Group.

Ông chủ khách sạn xây dựng khu sinh thái trên đất lâm nghiệp ở Hà Tĩnh là ai?

Liên tục bị chính quyền địa phương “nhắc nhở”, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử phạt và buộc tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên đất rừng lâm nghiệp nhưng chủ khu đất rừng tại xã Mỹ Lộc (huyện...

Xử lý những tấm pin Mặt Trời đã hết hạn sử dụng như thế nào?

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần phát triển công nghệ có khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin Mặt Trời khi hết hạn.

Vinamilk tích lũy gì từ hơn 20 năm “chinh chiến” ở nước ngoài?

Uy tín trên thị trường quốc tế đang giúp Vinamilk, doanh nghiệp xuất khẩu sữa lớn nhất hiện nay tăng trưởng tích cực và vững vàng vượt làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm 2020 vừa qua.

Ngân hàng dư tiền, lãi suất tiếp tục giảm?

Tiếp nội xu hướng của tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm trong tháng 8 vừa qua và những ngày đầu tháng 9 này, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa. Xu hướng lãi...

Vụ sập công trình 4 người chết: Hiện trường tố cáo quá trình thi công thiếu an toàn

Bằng trực quan tại hiện trường vụ sập taluy khiến 4 công nhân tử nạn mới đây ở Phú Thọ, một số chuyên gia xây dựng nhận định quá trình thi công công trình này là quá liều lĩnh.

XEM THÊM TIN