Nhàn nhã với rừng gỗ lớn

10:53 | 31/08/2019

DNTH: Trong khi ở nhiều nơi vẫn đang kêu khó khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn thì ở miền rừng Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) các chủ rừng lại bảo nhàn.

Triệu phú rừng nhan nhản

Xã Đồng Tiến, một trong hầu hết địa phương mà người dân chủ yếu sống dựa vào rừng ở miền rừng Yên Thế.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Yên Thế. Ảnh: Tùng Đinh.

Trái với bộ mặt các xã vùng cao, ở đây đường sá đi lại thuận lợi, rất nhiều nhà tầng khang trang mọc lên giữa tứ bề là màu xanh của những cánh rừng keo, bạch đàn... Thỉnh thoảng lại còn bắt gặp những chiếc ô tô bán tải mà ông Hoàng Minh Ngọc, vị cán bộ xã dẫn chúng tôi đi thăm rừng nói là của nông dân trồng rừng đấy.

Sau mấy chục năm loay hoay chuyển đổi, hết trồng rừng sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi rồi cuối cùng lại quay về trồng rừng, từ mấy năm nay, người dân ở Đồng Tiến mới thực sự sống được, thậm chí là sống khỏe dưới những tán keo, bạch đàn.

“Cả xã có hơn 1.000 hộ dân thì gần như sống dựa vào rừng hết. Ngày xưa trồng rừng khổ lắm, chu kỳ dài, cuốc hố, trồng cây, sẻ phát đều bằng tay nên rất cực nhọc. Cộng thêm hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chuyển sang trồng vải, sang chăn nuôi, nhưng mấy năm gần đây thì khác. Nhiều hộ trồng rừng trở nên giàu có, xây nhà, sắm xe, công lớn việc nhỏ đều nhờ vào rừng. Không thấy ai kêu khổ nữa, làm lâm nghiệp bây giờ nhàn nhã lắm”, ông Ngọc vừa nói vừa chỉ tay lên những cánh rừng xanh bạt ngàn.

Lúc chúng tôi đến, vợ chồng anh Nông Quang Dự (SN 1974) xã Đồng Tiến đang bàn nhau chuyện mua ô tô khi mới lo xong đám cưới cho đứa con gái đầu và “xử lý” căn nhà xây hơn 1 tỷ đồng.

15-19-36_trieu_phu_rung_nong_qung_du
Triệu phú rừng Nông Quang Dự. Ảnh: Tùng Đinh.

Gia đình anh Dự có 4 người, chị vợ công tác ở ủy ban xã, cô gái lớn đã đi lấy chồng, cô sau đang đi học nên cả 4ha rừng trồng keo và bạch đàn chỉ mỗi anh trông nom. Cứ tưởng không kham nổi nhưng quả đúng như mấy ông cán bộ xã Đồng Tiến nói, Dự cười hềnh hệch: Trồng rừng bây giờ không những nhàn mà còn nhiều tiền nữa. Với 4ha rừng, gỗ nhỏ thì 120 triệu/ha, gỗ lớn tầm khoảng 350 triệu/ha, chi phí đầu tư lại không nhiều.

Cái sự “nhàn và nhiều tiền” của gia đình anh Dự chỉ đến khi chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Từ những năm 2006, 2007, khi nhiều hộ dân khai thác chu kỳ những cánh rừng trồng vào năm 2000 thì gia đình anh Dự quyết định kéo dài chu kỳ vì thấy càng để lâu thì giá trị rừng càng cao, hơn nữa, cánh rừng keo lúc đó đang phát triển rất tốt. Tất nhiên đó là một quyết định khó khăn.

Câu chuyện rừng gỗ lớn giá trị kinh tế cao hơn đa phần người dân đều biết, nhưng lấy gì trang trải cuộc sống trong chu kỳ kéo dài ít nhất 12 năm trời lại là bài toán nan giải. Người dân chỉ biết sống dựa vào rừng, mọi khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống đều từ rừng mà ra cả. Con cái đi học, đi xin việc, đi xuất khẩu lao động, sửa lại mái nhà hay cần mua cái tivi, xe máy cũng là rừng, thành thử, biết kéo dài chu kỳ chăm sóc là có tiền đấy nhưng làm như nào lại phải tính.

Tiên phong chuyển đổi, gia đình anh Dự làm đủ thứ nghề dưới tán rừng keo, bạch đàn. 4ha rừng trồng, gia đình anh chia thành 2 khu, một nửa trồng gỗ lớn, một nửa trồng gỗ nhỏ. Cộng thêm lúc thì nuôi gà, lúc trồng thảo dược, có khi còn trồng cả ngô, cả sắn.

Kinh tế gia đình nhờ thế được đảm bảo, chưa kể, phần sản lượng gỗ tỉa thưa từ những cánh rừng gỗ lớn cũng giúp gia đình anh Dự dôi dư ra một khoản. Cứ túc tắc lấy ngắn nuôi dài, đến năm thứ 12, khi gọi mấy ông xưởng chế biến lên rừng, 2ha keo và bạch đàn của gia đình bán được hơn 800 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.

Căn nhà khang trang của gia đình anh Dự được xây từ những cánh rừng gỗ lớn. Ảnh: Tùng Đinh.
Sự kiện gia đình anh Dự khánh thành căn nhà tầng hơn 1 tỷ đồng mấy năm trước gần như là một cột mốc lịch sử của người trồng rừng không chỉ ở Đồng Tiến mà cả miền rừng Yên Thế.

Từ Tam Tiến, Đông Hưu, Canh Nậu, Đồng Vương, Tiến Thắng, Tam Hiệp... phong trào trồng rừng gỗ lớn kết hợp chăn nuôi, trồng thảo dược lan tỏa nhanh gấp vạn lần lúc bà con khó khăn phải chuyển đổi từ rừng sang cây ăn quả. Hàng trăm mô hình trồng rừng thu nhập bình quân mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng. Triệu phú rừng nhan nhản. Thống kê mới đây, giá trị sản xuất lâm nghiệp ở Yên Thế vào khoảng 300 - 320 tỷ đồng mỗi năm.  

Giải pháp đồng bộ

Những người hiểu rõ nhất lợi ích trồng rừng gỗ lớn ở Yên Thế là các doanh nghiệp trên địa bàn như Cty Lâm nghiệp Yên Thế, Lâm trường Đồng Sơn… Từ hàng chục năm trước, những cán bộ, công nhân ở những đơn vị này đã thường xuyên vận động người dân chuyển đổi, cũng chính họ là những người nghiên cứu, tìm tòi thêm các giải pháp hỗ trợ nhằm kiếm thêm thu nhập cho người dân trồng rừng gỗ lớn.

Sau khi bàn giao 1.067ha đất về địa phương, hiện Cty Lâm nghiệp Yên Thế đang quản lý 2.341ha đất rừng trồng sản xuất, trong đó có 600ha rừng trồng gỗ lớn. 2/3 trồng keo, còn lại là bạch đàn.

Giám đốc công ty, ông Phạm Tiến Vĩnh cho biết, diện tích trồng rừng gỗ lớn ở đây được chia thành 2 loại là trồng mới và chuyển hóa từ gỗ nhỏ, tỉa thưa, đều đã trên 10 năm, mỗi loại xấp xỉ 50%. Lợi ích, hiệu quả trồng rừng gỗ lớn như thế nào thì bây giờ từ chính quyền, doanh nghiệp, người dân đều đã quá rõ.

“Về thị trường, trồng rừng gỗ nhỏ, đôi khi sẽ gặp phải cạnh tranh lớn trên thị trường, khó bán và giá thấp, chỉ 1,2 triệu đồng/khối... Trong khi đó trồng gỗ lớn có thể đạt 3,5 triệu đồng/khối. Về sản lượng, từ 6 - 8 năm sản lượng rừng gỗ nhỏ chỉ có thể đạt từ 100-150 khối, nhưng khi kéo dài lên 12 - 13 năm thành gỗ lớn thì ngoài 50 khối thu được khi tỉa thưa, đến thời điểm thu hoạch có thể được từ 150 - 200 khối, nâng tổng sản lượng lên tối đa 250 khối/ha. Một lợi thế nữa khi đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn là hỗ trợ tốt cho quá trình quản lý, bảo vệ đất. Nếu khai thác hết gỗ, rất dễ có khả năng xảy ra tranh chấp, lấn chiếm nhưng nếu cây vẫn còn thì điều này khó xảy ra”, ông Vĩnh nói.

Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Yên Thế Phạm Tiến Vĩnh. Ảnh: Tùng Đinh.

Vấn đề bây giờ là giải pháp đồng bộ để tối đa hóa lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn.

Để giải bài toán muôn thuở đối rừng gỗ lớn là vốn để duy trì, theo ông Vĩnh, những năm qua Công ty Lâm nghiệp Yên Thế tích cực tận dụng diện tích rừng để trồng thêm lâm sản ngoài gỗ. Hàng loạt cây được trồng xen với gỗ như nấm lim, xạ đen, sa chi hay rau bò khai trên diện tích hơn 10ha không chỉ hỗ trợ công nhân công ty mà còn hỗ trợ các hộ dân nhận khoán yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn.

Ngay trong khuôn viên Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, cạnh vườn ươm giống cây lâm nghiệp là hàng loạt những mô hình khảo nghiệm các giống lâm sản ngoài gỗ, bất cứ loài nào cảm thấy có hiệu quả đều được chuyển cho người trồng rừng ứng dụng.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Yên Thế phân tích rằng, thực ra, trồng rừng gỗ lớn nếu đảm bảo được tài chính thì từ năm thứ 6 trở đi, chỉ cần cắt cử nhân lực bảo vệ rừng, không cần chăm bón nữa nên không cần phải đầu tư nhiều nên vấn đề là phải tiếp tục nghiên cứu thêm những giải pháp đồng bộ.

Ví dụ việc sử dụng phân bón thâm canh rừng. Trước đây dùng NPK 5-10-3 bón lót với định lượng 300g/gốc, tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí nhân công, vận chuyển, công ty đã nghiên cứu chuyển sang sử dụng phân tỷ lệ 15-15-15 với hàm lượng cao hơn, mỗi gốc chỉ cần 100g.

Ngoài ra, việc cơ giới hóa một số công đoạn trong sản xuất cũng được công ty áp dụng nhằm tăng năng suất. Trong đó, máy phát thực bì được sử dụng thường xuyên để phát quang rừng và máy cuốc hố trồng cây cũng được người dân ưa chuộng do tiết kiệm thời gian và giúp cây phát triển tốt hơn.

Xen kẽ nhiều giống

Một yếu tố quan trọng nữa để tăng năng suất là giống cây. Trước đây, một loại giống được sử dụng trên diện tích lớn dễ gây ra hiện tượng thoái hóa, sâu bệnh. Vì vậy việc thay đổi giống và trồng xen kẽ nhiều giống trên các mảnh có diện tích nhỏ khoảng 2-3ha, thay đổi sau từng vụ vừa giúp cải tạo đất vừa tránh được thoái hóa giống, sâu bệnh.

Theo HOÀNG ANH - ĐINH TÙNG

Báo Nông Nghiệp

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

“Chòm dân cư văn minh” thôn Văn Miếu - điển hình sáng tạo trong thi đua dân vận khéo

DNTH: Từ những kết quả đạt được sau hơn một năm xây dựng mô hình “khu dân cư văn minh - tuyến đường kiểu mẫu kiểu mẫu” gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng, nâng cao tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đã phát...

Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch: Du khách có thêm nhiều trải nghiệm về văn hóa địa phương

DNTH: Việc phát triển, kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch tại Quảng Ninh sẽ tạo thêm kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường và giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng vươn xa hơn.

Bắc Giang: Phát động Cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024-2026

DNTH: Nhằm xây dựng một miền quê đáng sống tạo động lực về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã phát động cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024 - 2026 và nhận...

Yêu cầu bắt buộc về chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh

DNTH: Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” đề cập nhiều vấn đề "nóng" với các ngành xuất khẩu nội địa trước những quy định bắt buộc của các quốc gia nhập khẩu về phát triển...

Khi nông dân biến sợi rơm thành sợi vàng

DNTH: Thay vì đốt đồng sau mỗi mùa vụ gây ô nhiễm môi trường, nông dân An Giang đã tìm ra nhiều cách để tận dụng rơm rạ hiệu quả, giúp tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống

DNTH: Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN&MT đã phối hợp thành lập các tổ nhóm, CLB nông dân tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương, Hội Nông dân cơ sở hoạt động rất hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng xanh sạch...

XEM THÊM TIN